Xét xử vụ Đồng Tâm: đề nghị tử hình 2 bị cáo

* Viện Kiểm sát đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo
Thứ tư, 09/09/2020 17:15
(ĐCSVN) - Ngày 9/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) chuyển sang phần tranh luận. Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo từ tội “Giết người”, sang tội “Chống người thi hành công vụ”.

Trình bày bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội phân tích về hành vi của nhóm sáu bị cáo gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Giết người”.

Sáu bị cáo trên được Viện Kiểm sát xác định là những kẻ chủ mưu, cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội với động cơ giết người rõ ràng. Trong vụ án này, cả sáu bị cáo trên đều có sự cấu kết chặt chẽ với nòng cốt là những bị cáo trong “Tổ đồng thuận”, đứng đầu là Lê Đình Kình. Trong đó bị cáo Lê Đình Công là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên lôi kéo kích động chống đối, kích động giết chết cán bộ công an bằng các hình thức tung video clip, livestream trên các trang mạng xã hội; kích động nổ mìn phá trạm điện, tuyên bố giết chết từ 300 – 500 cán bộ công an; phân công vị trí, vai trò cho các bị cáo khác… và tích cực thực hiện. Bản thân Công đã chỉ đạo và góp tiền mua xăng, mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác và trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi; trực tiếp ném bom xăng, bùi nhùi và lựu đạn về phía lực lượng thi hành công vụ. Việc lựu đạn không nổ và không gây sát thương cho lực lượng công an là nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo Công.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN. 

Bị cáo Lê Đình Công phạm tội với động cơ, mục đích rõ ràng là giết chết và giết bằng được cán bộ, chiến sĩ công an, giết càng nhiều càng tốt. Hậu quả do bị cáo và đồng bọn gây ra là 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh khi đang thực thi công vụ. Do đó, hành vi của bị cáo Công được xác định: phạm vào tội "Giết người" với các tình tiết định khung “Giết 2 người trở lên; giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; có tính chất côn đồ và có tổ chức” được quy định tại Điều 123, khoản 1, điểm a, d, n, o - Bộ luật Hình sự năm 2015, là có căn cứ và đúng pháp luật. Tại phiên tòa bị cáo Công không thành khẩn nhận tội, quanh co, gian dối nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Đối với bị cáo Lê Đình Chức, đại diện Viện Kiểm sát nhận định: hành vi của bị cáo Chức là quyết liệt nhất, là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đang thi hành công vụ, với ý thức và động cơ, mục đích giết người rất rõ ràng, thể hiện tính côn đồ, hung hãn cao, mất nhân tính và không còn khả năng cải tạo. Mặc dù bị cáo Chức thừa nhận hành vi giết người nhưng vẫn còn quanh co gian dối, đổ tội cho bị cáo Doanh nhằm trốn tránh một phần trách nhiệm bản thân.

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo gồm: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Thị Nối, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung từ tội “Giết người” (theo quy định tại Điều 123 – Bộ luật Hình sự năm 2015) sang tội “Chống người thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 330 – Bộ luật Hình sự năm 2015).

Theo đại diện Viện Kiểm sát, sau khi đánh giá lời khai nhận tội của 19 bị cáo tại Cơ quan điều tra và lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy: Hầu hết các bị cáo này là nông dân, khi nghe Kình, Công và Hiểu lôi kéo kích động, hứa sẽ được chia đất nên đã tham gia “Tổ đồng thuận” để chiếm đất Đồng Sênh và đi theo Kình, Công, Hiểu thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự trị an tại địa phương.

Qua xét hỏi công khai tại phiên tòa, các bị cáo này đã cơ bản biết rằng vì nhận thức pháp luật hạn chế, do được hứa hẹn nên đã mù quáng tin tưởng và đi theo Lê Đình Kình. Các bị cáo đã nhận thức được sai phạm, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Xét về bản chất, các bị cáo này đều không phải là những đối tượng chống đối quyết liệt, tham gia có mức độ, phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp và đặc biệt là không trực tiếp thực hiện hành vi dẫn đến hậu quả làm 3 cán bộ công an bị tử vong tại hiện trường. Do vậy, Viện Kiểm sát đã vận dụng chính sách pháp luật hình sự, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó có áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào Điều 319 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo có tên nêu trên từ tội “Giết người”, sang tội “Chống người thi hành công vụ” và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt, để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật, yên tâm cải tạo, tu dưỡng thành công dân có ích cho xã hội.

Đối với nhóm 6 bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển, Viện Kiểm sát quyết định giữ nguyên tội danh “Giết người” như cáo trạng đã truy tố.

Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với 29 bị cáo. Cụ thể, đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình; Lê Đình Doanh mức án tù chung thân; Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức án từ 16 - 18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển mức án từ 14 - 16 năm tù.

Đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân từ 6 - 7 năm tù; Bùi Văn Tiến từ 5 - 6 năm tù; các bị cáo Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Thị Nối từ 4 - 5 năm tù; các bị cáo Bùi Thị Đục, Bùi Văn Tuấn, Trần Thị La, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Xuân Điều từ 3 - 4 năm tù; các bị cáo Nguyễn Thị Lụa từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Mai Thị Phần, Bùi Văn Niên từ 2 năm - 2 năm 6 tháng tù; Lê Thị Loan 2 năm 6 tháng - 3 năm tù treo; Đào Thị Kim 2 năm - 2 năm 6 tháng tù treo; Nguyễn Văn Trung từ 18 - 24 tháng tù treo; các bị cáo Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng từ 15 - 18 tháng tù treo./.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực