Ý kiến đóng góp của các tầng lớp thanh niên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ sáu, 01/03/2013 19:52

(ĐCSVN)Ngày 1/3, tại Hà Nội, Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Hội nghị nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp bộ Hội, cán bộ Hội, hội viên và các tầng lớp thanh niên đối với việc sửa đổi Hiến pháp, một sự kiện quan trọng của đất nước.

Là diễn đàn của Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Quang Thông cho biết, thời gian qua, chuyên mục Góp ý sửa đổi Hiến pháp của Báo đã thu hút hàng trăm ý kiến đóng góp của độc giả. Nhiều ý kiến nhất trí cao với Điều 4 của Dự thảo và bày tỏ phản đối một vài cá nhân có quan điểm bỏ Điều 4 khỏi Hiến pháp.
 

 

Đại đức Thích Thanh Cường góp ý kiến tại Hội nghị - Ảnh: MC

Đại đức Thích Thanh Cường, Ủy viên Hội LHTN tỉnh Hải Dương  mong muốn, nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được dịch ra nhiều thứ tiếng giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận một cách dễ dàng để bà con tích cực đóng góp ý kiến.

Đại đức Thích Thanh Cường dẫn giáo lý đạo Phật “cây có cội, gốc có nguồn” để khẳng định rằng, việc một số cá nhân đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp là sai lầm: “Hơn 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam dành được những thắng lợi vẻ vang, nhân dân được sống trong môi trường ngày một dân chủ, văn minh. Ý kiến một vài người đòi bỏ Điều 4 là sai lầm, phủ nhận sự hy sinh, cống hiến của lớp đảng viên đi trước”.

Góp ý cho quy định về chính quyền địa phương, TS. Nguyễn Văn Cương Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp đánh giá, trong số 124 điều của Dự thảo, có 5 điều (từ Điều 115 đến Điều 119) quy định về chính quyền địa phương, các điều này được đặt trong chương có tên khá hợp lý là “Chính quyền địa phương”.

Theo TS Cương, việc sửa đổi các quy định về chính quyền địa phương có tác động rất đáng kể tới thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay cũng như của đời sống của hơn 22 triệu hộ gia đình Việt Nam đang sinh sống tại khoảng 116 ngàn thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố, tại 11.118 đơn vị hành chính cấp xã bởi hầu hết các công việc thiết yếu của nhà nước liên quan tới cuộc sống của người dân đều do chính quyền cơ sở thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cũng liên quan trực tiếp tới công việc và cuộc sống của hàng trăm ngàn công chức đang làm việc tại đây. Cho ý kiến về khoản 1, Điều 115, TS Cương cho rằng, việc phân định đơn vị hành chính lãnh thổ dưới cấp tỉnh như dự thảo cần điều chỉnh bổ sung.

Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Nguyễn Thị Hoàng Uyên nhận định khoản 1, Điều 34 quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh” là chưa đầy đủ. Để tránh hành vi buôn lậu, trái pháp luật cần thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật”.

Về Điều 46 “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành”, TS Đỗ Thị Vân Anh, giảng viên Đại học Công Đoàn cho rằng, cần làm rõ khái niệm thế nào là “môi trường trong lành” và liệu nếu giữ nguyên như nội dung của Dự thảo thì Nhà nước có thể đảm bảo có được “môi trường trong lành” cho người dân hay không?

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: MC


Là thanh niên dân tộc Mông, chị Thào Thị Thùy Linh, tỉnh Yên Bái đề nghị thay từ “tạo điều kiện” bằng từ “bảo đảm” tại Điều 5, khoản 4: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước nhằm thực hiện đúng vai trò “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Chị Thào Thị Thùy Linh cũng kiến nghị Dự thảo cần giữ lại và sửa đổi, bổ sung Điều 66: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.

Chị Linh cho đây là điều khoản nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong xã hội, bởi thanh niên là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc: “Thanh niên có mạnh dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên; Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên và phụ thuộc vào việc bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo thế hệ trẻ”.

Cũng như nhiều ý kiến tại Hội nghị đồng tình với kiến nghị của chị Linh, anh Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội mong muốn giữ lại Điều 66 trong Hiến pháp hiện hành. Anh Thanh coi Điều 66 của Hiến pháp chính là khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên là chủ nhân hiện tại và tương lai của đất nước, là chỗ dựa để những thanh niên khuyết tật như anh phấn đấu hòa nhập cùng xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực