CSSKSS giai đoạn 2010-2015: Tử vong mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm 3 lần

Thứ năm, 08/10/2015 11:03
(ĐCSVN)Trong 10 năm qua, công tác CSSKSS đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt, đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm 3 lần.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, năm 2015 là mốc thời gian quan trọng để các quốc gia trong đó có Việt Nam đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ. Đối với Việt Nam, năm 2015 cũng là năm kết thúc giai đoạn đầu thực hiện các mục tiêu của Chiến lược về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2010 - 2020. Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ số về lĩnh vực này của Việt Nam đã đạt được khá tốt so với nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự.

 

 Tăng cường củng cố và phát triển mạng lưới CSSKSS trong giai đoạn tới
Ảnh: HP


Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế và đã duy trì liên tục trong gần 10 năm qua. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai luôn được duy trì ở mức cao (77,2%). Tỷ số tử vong mẹ đã giảm 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống (năm 1990) xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2009), đứng thứ 5 trong 10 nước Đông Nam Á (sau Singapore, Brunei, Malaysia và Thái Lan). Đồng thời, tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm 3 lần từ 44,4‰ (năm 1990) xuống còn 14,94‰ (năm 2014). Ngoài ra, chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cũng được cải thiện rõ rệt...

Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản của Việt Nam, cũng như Mục tiêu Thiên niên kỷ. Đó là mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên lại có mức sinh rất cao. Tỷ số tử vong mẹ và tỷ suất chết trẻ em cũng còn rất nhiều khác biệt giữa các vùng miền. Tử vong mẹ ở miền núi vẫn cao gấp 3 lần vùng đồng bằng và ở những tỉnh cao nhất có thể cao gấp tới 10 lần so với tỉnh thấp nhất. Tử vong trẻ sơ sinh vẫn còn cao, chiếm 70% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Gánh nặng kép về dinh dưỡng đã xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở mức cao nhưng có dấu hiệu chững lại. Hệ thống tổ chức bộ máy, nhân sự tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế dẫn đến quá tải bệnh nhân. Nhân lực chuyên ngành sản khoa và nhi khoa thiếu trầm trọng ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện...

Những khó khăn, thách thức trên đe dọa khả năng thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam.

Bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng Đại diện của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, kể từ khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng và nhờ đó, sẽ đạt được hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo các báo cáo đánh giá về Mục tiêu Thiên niên kỷ năm 2013, vẫn còn tồn tại sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực đô thị và nông thôn, giữa các vùng địa lý, và các nhóm dân cư. Những người nghèo, ở cả khu vực thành thị và nông thôn nghèo vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ và phải chịu bệnh tật về sức sức khỏe tình dục/khỏe sinh sản (SKTD/SKSS). Nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ chưa lập gia đình và phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn không tiếp cận được các dịch vụ SKSS chất lượng. Đây là một trong các chương trình nghị sự quan trọng Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện, đòi hỏi nhiều đầu tư và cam kết chính trị.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) Lưu Thị Hồng, giai đoạn 2016 – 2020, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam sẽ ưu tiên cho 5 đối tượng gồm: phụ nữ tuổi sinh đẻ; bà mẹ trong thời gian mang thai, trong cuộc đẻ, sau đẻ; bà mẹ cho con bú; trẻ sơ sinh và trẻ em đến hết 5 tuổi tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; đồng bào dân tộc ít người và các đối tượng thiệt thòi dễ bị tổn thương khác.

Thời gian tới, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại nước ta sẽ tập trung vào các hoạt động chính là: Củng cố và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tăng tiếp cận phổ cập dịch vụ sức khỏe sinh sản đến đối tượng đích; bảo đảm nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn sản –nhi – sơ sinh cho cán bộ y tế các tuyến; thực hiện giảm quá tải cho các cơ sở khám chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa; đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả dịch vụ khám chữa bệnh...

Giai đoạn sau năm 2015, những định hướng ưu tiên về SKSS-KHHGĐ sẽ là sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; sức khỏe bà mẹ; kế hoạch hóa gia đình; ung thư đường sinh sản và các vấn đề SKSS-KHHGĐ khác.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực