Đa dạng hóa truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thứ tư, 04/11/2015 15:10

(ĐCSVN)Sau gần 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng: tử vong mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi giảm 3 lần, nhiều cơ sở CSSKSS được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hàng nghìn cán bộ y tế được tập huấn... Công tác truyền thông được cho là đã góp phần không nhỏ vào thành tựu trên. 
 

 

 Hội thi CSSKSS tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thạch Thảo


Truyền thông CSSKSS được chú trọng

Truyền thông giáo dục trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các cá nhân hoặc một nhóm xã hội. Chính vì vai trò to lớn đó mà các giải pháp truyền thông - giáo dục cần được thực hiện một cách đồng bộ, hệ thống và sâu sát. Thời gian qua, có nhiều địa phương coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thực hiện có hiệu quả.

Trung tâm CSSKSS Thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã đẩy mạnh việc kết hợp với cơ quan thông tin đại chúng và các ban, ngành đoàn thể tổ chức các đợt truyền thông về CSSKSS nhằm phát huy tối đa khả năng tuyên truyền và tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Qua đó cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác với các nội dung, hình thức phù hợp từng khu vực, từng vùng. Trung tâm cũng đã mở các lớp tập huấn, tổ chức hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề CSSKSS ở các xã/phường, các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống hôn nhân, gia đình… Đồng thời, tiếp tục duy trì, nhân rộng và phát huy các loại hình câu lạc bộ về DS - KHHGĐ như: mô hình câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ tiền hôn nhân... Cùng với đó, tăng cường phát huy vai trò của cộng tác viên y tế xã/phường để họ giải thích cho người dân hiểu rõ về ý nghĩa của việc thực hiện KHHGĐ và CSSKSS.

Bên cạnh đó, việc cấp phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu cũng được Trung tâm thực hiện một cách nghiêm túc, tạo hiệu ứng tuyên truyền rõ rệt. Nhờ đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền nên chị em tăng cường kiến thức trong việc phòng tránh các bệnh lây truyền qua tình dục, cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Còn ở Thành phố Đà Nẵng, các chiến dịch truyền thông kết hợp với khám phụ khoa giúp chị em phụ nữ yên tâm về SKSS hơn. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế tư vấn, cho những lời khuyên hữu ích và giúp chị em có thói quen khám phụ khoa định kỳ. Chiến dịch là chương trình chăm sóc SKSS lớn được đông đảo người dân hưởng ứng, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần chăm sóc và nâng cao ý thức bảo vệ SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ nông thôn. Hầu như trong đợt chiến dịch, các địa phương đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch.

Ông Hồ Tấn Lợi, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hòa Vang cho biết, chiến dịch truyền thông là cơ hội để người dân được tiếp cận với những kiến thức cơ bản, bổ ích để bảo vệ, giữ gìn SKSS của bản thân và gia đình.

Còn tỉnh Quảng Bình, thời gian qua đã cải tiến nội dung, đa dạng hóa các hình thức và hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó đặc biệt chú trọng tới truyền thông thay đổi hành vi, ứng dụng các loại hình truyền thông mới như internet, truyền hình tương tác, phát thanh tương tác, sân khấu tương tác,… Tỉnh còn xây dựng website cung cấp kiến thức và tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Xây dựng chương trình và triển khai rộng rãi các khóa học về chăm sóc thai sản nhằm cung cấp kiến thức các cặp vợ chồng chuẩn bị mang thai và sinh con. Phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhằm đa dạng hóa các loại hình truyền thông đến các nhóm đối tượng ưu tiên. Đào tạo kỹ năng truyền thông trực tiếp cho đội ngũ người cung cấp dịch vụ các tuyến và truyền thông viên tại cộng đồng…

Tại các địa phương, công tác truyền thông vận động thực hiện chính sách, truyền thông thay đổi hành vi trong lĩnh vực CSSKSS được chú trọng, đã tạo môi trường xã hội thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động chuyên môn. Các hoạt động truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh từ trung ương tới tận thôn, bản với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để đông đảo tầng lớp nhân dân được tiếp cận với những thông tin đầy đủ, chính xác về công tác CSSKSS nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng.

Những kết quả đạt được sau 5 năm

Nhờ sự đóng góp tích cực của truyền thông, nhiều chỉ tiêu cơ bản về SKSS đều tiến bộ. Kết quả điều tra tình hình phụ nữ và trẻ em năm 2013-2014 cho thấy, tỷ lệ trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn đã tăng khoảng 40% từ 17.4% lên đến 24.3%. 94% phụ nữ Việt Nam đã sinh con với hỗ trợ của cán bộ y tế/bà đỡ có chuyên môn. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 5 năm trước điều tra đã giảm mạnh xuống còn 19,7‰, gần đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2015 là 19,3‰. Tương tự, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi trong giai đoạn 5 năm trước cuộc điều tra là 16‰, gần đạt được mục tiêu đề ra là 14,8‰ vào năm 2015.

Để có được kết quả trên, nhiều địa phương, trên cơ sở những định hướng kế hoạch, ngân sách từ Trung ương, đã chủ động vận dụng linh hoạt để tổ chức triển khai truyền thông vận động phù hợp với nhóm đối tượng đích, với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - văn hóa - xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương đã đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động về DS - KHHGĐ như truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp của đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, cán bộ y tế và cộng tác viên dân số. Công tác tuyên truyền kết hợp với cung cấp dịch vụ hàng ngày, trong các chiến dịch hoặc từng chủ đề trọng tâm trong năm trên các phương tiện truyền thông đại chúng của địa phương. Hình thức truyền thông trực tiếp lồng ghép với cung cấp dịch vụ và phát tờ rơi cũng được tiến hành thường xuyên để tiếp cận với các nhóm đối tượng ở những nơi còn nhiều khó khăn về địa lý; tư vấn trong hoạt động CSSKSS được duy trì với chất lượng ngày càng cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, việc truyền thông vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn, một trong những nguyên nhân là do các sản phẩm truyền thông chưa đề cập đầy đủ đến đặc trưng văn hóa các dân tộc, vùng miền; chưa có sự chuyên biệt phù hợp với nét văn hóa, tập quán của nhiều dân tộc; chưa có sự khác biệt rõ rệt về nội dung tài liệu và hình thức truyền thông giữa các tỉnh đồng bằng nơi có đông người Kinh sinh sống và các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hầu như tất cả các tỉnh đều tuân thủ chung một mô hình truyền thông, mà chưa có những chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội riêng của từng tỉnh từng dân tộc.

 

 Sản phẩm truyền thông cần phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán....
từng vùng miền. Ảnh: internet.


Nhiều sản phẩm truyền thông, như tờ rơi, áp phích, băng rôn, tranh lật, tranh gấp… được sản xuất từ trung ương và chuyển xuống tuyến dưới, nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung thông điệp, ngôn ngữ nhiều khi cũng chưa phù hợp với văn hóa địa phương và đặc điểm các dân tộc. Trong khi đó năng lực chuyên môn và nguồn lực của tuyến dưới không đủ để có thể điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của địa phương.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động thực hiện DS-KHHGĐ chủ yếu chỉ tập trung ở những nơi thuận lợi về giao thông, có đầy đủ phương tiện thông tin, còn những hộ dân sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn thì ít được tuyên truyền vận động. Nên hệ quả của nó là tỷ lệ sinh ở những vùng này còn rất cao, gây nên tình trạng mất cân bằng về kinh tế, văn hóa ngày càng lớn giữa càng vùng trên địa bàn tỉnh. Một nguyên nhân khiếu hiệu quả tuyên truyền chưa được như mong muốn là do nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương và địa phương dành cho công tác truyền thông còn thấp, trong khi đó, ta lại chưa huy động được sự tham gia của cả cộng động, việc xã hội hóa được công tác DS-KHHGĐ còn kém.

Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền

Thực tiễn công tác CSSKSS trong giai đoạn trước cho thấy, nâng cao chất lượng tuyên truyền vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả cao. Do đó, tiếp tục chú trọng vào công tác truyền thông là một bước đẩy góp phần đạt mục tiêu đã đề ra cho công tác CSSKSS giai đoạn 2011 - 2020.

Để phát huy cao nhất hiệu quả của truyền thông, trước tiên, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở. Sự phối hợp chặt chẽ của các cấp lãnh đạo sẽ là một trong những giải pháp thúc đẩy công tác CSSKSS đạt được kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, cũng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, nổi bật trong đó là sự phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành đoàn thể và cán bộ y tế cung cấp dịch vụ CSSKSS; đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số. Cần đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể và huy động được đông đảo các lực lượng xã hội tham gia tuyên truyền vận động về CSSKSS dưới nhiều hình thức; đổi mới cách tiếp cận, nội dung, thông điệp, hình thức truyền thông phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm sống của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Xây dựng các thông điệp, sản xuất các sản phẩm truyền thông đơn giản, dễ hiểu, dễ làm theo và phù hợp với đặc điểm về phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ,... của các vùng, miền, dân tộc. Lựa chọn các kênh truyền thông đại chúng thích hợp, tăng cường các loại hình truyền thông trực tiếp bao gồm cả tư vấn để hướng dẫn các kỹ năng thực hiện hành vi có lợi phù hợp với đặc điểm văn hóa các dân tộc. Cuối cùng, trong công tác truyền thông, chúng ta cần quan tâm đến nguồn tin phản hồi và coi đây là một thước đo thiết thực để đánh giá sự thành công của công tác này.

Đây sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Dân số - SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực