Hòa Bình: Từng bước cải thiện chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thứ ba, 10/11/2015 10:29

(ĐCSVN) – Trong giai đoạn 2011 – 2014, ngành y tế tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp để củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nói chung, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trên địa bàn.

    

Tập trung đẩy mạnh truyền thông về tầm quan trọng của công tác làm mẹ an
             toàn và chăm sóc sơ sinh. Ảnh minh họa: Dương Ngọc

Thời gian qua, người dân đã được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao hơn, mạng lưới cán bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được kiện toàn hơn, nhờ đó các chỉ số sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã từng bước được cải thiện. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai đủ 3 lần vào 3 thời kỳ tăng từ 84,1% năm 2011 lên 86,1% năm 2014; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế tăng từ 99,6% năm 2011 lên 99,9% năm 2014; chăm sóc sản phụ sau đẻ từ tăng 99,7% năm 2011 lên 99,9% năm 2014; tỷ suất tử vong bà mẹ duy trì dưới 47/100.000 trẻ đẻ sống. Tỷ suất tử vong sơ sinh giảm từ 8,1‰ năm 2010 xuống còn 5,8‰ năm 2014; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 15,2‰ xuống còn 13,8‰ năm 2014; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 17,5‰ xuống còn 15,3‰ năm 2014.

Riêng đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, ngành y tế tỉnh Hòa Binh vừa tập trung tuyên truyền, vận động sản phụ sinh con tại các cơ sở y tế, vừa tiếp tục triển khai mô hình đào tạo để cô đỡ thôn bản có kiến thức và kỹ năng về đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn; cùng với đó, phát hiện và chuyển tuyến đối với các trường hợp nguy cơ cao để giảm tai biến sản khoa…

Đặc biệt, Hòa Bình còn là một trong bốn tỉnh được áp dụng thí điểm triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (SKBMTE)từ tháng 2/2011 đến tháng 12/2014. Đây là cuốn sổ theo dõi, cung cấp các thông tin cơ bản và hữu ích về việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ khi mang thai tới khi trẻ lên 6 tuổi mà trước đây chưa từng có trong bất kỳ sổ tay chăm sóc sức khỏe nào tại Việt Nam. Việc sử dụng SKBMTE đã góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận kết quả thực hiện cho thấy, số bà mẹ luôn mang sổ theo dõi SKBMTE khi đến khám thai và sinh con tại cơ sở y tế đạt từ 65% đến 76%; tổng số lượt phụ nữ có thai tái khám tại các cơ sở y tế đạt 95.530 người, trong đó số phụ nữ có thai tái khám có ghi chép sổ là 70,6%...

Trong khuôn khổ các hoạt động chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), ngành Y tế tỉnh đã tổ chức được 8 khóa đào tạo cho 176 cán bộ tuyến tỉnh và huyện về hồi sức cấp cứu sản khoa, nhi khoa.

Về trang thiết bị, cơ sở vật chất, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu đã triển khai đơn nguyên sơ sinh để thực hiện Chăm sóc sơ sinh thiết yếu tương đối hiệu quả. Hiện có 3/10 Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện (Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy) có đơn nguyên sơ sinh do Dự án UNFPA hỗ trợ được triển khai hoạt động thường xuyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong giai đoạn vừa qua vẫn còn tử vong bà mẹ do tai biến sản khoa, phá thai không an toàn. Tại các cơ sở cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phương tiện, trang thiết bị, thuốc cấp cứu phục vụ cho công tác hồi sức sơ sinh chưa đầy đủ (50% số xã thiếu bộ hồi sức sơ sinh, hệ thống oxy…)

Tình hình cán bộ chuyên sâu về sản, nhi khoa tại các tuyến còn thiếu; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh chỉ có 2 bác sỹ chuyên khoa sản, nhi; cán bộ Trạm Y tế xã thiếu kiến thức, kỹ năng về hồi sức sơ sinh cơ bản. Trong giai đoạn 2010 – 2014, cán bộ tuyến xã hầu như không được đào tạo mới hoặc đào tạo cập nhật kiến thức về SKSS. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh chưa cao, đặc biệt là phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai, sau đẻ và giai đoạn sơ sinh.

Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại, tỉnh Hòa Bình đã xác định công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo đó, trong giai đoạn tới sẽ ưu tiên vào nhóm giải pháp về nhân lực như: bổ sung số lượng nhân lực sản nhi bằng việc tăng cường tuyển dụng, luân chuyển hộ sinh và đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng hộ sinh cho cán bộ trực tiếp làm công tác đỡ đẻ tại các Trung tâm y tế xã, Phòng khám đa kha khu vực, ưu tiên các cơ sở có đỡ đẻ tại các vùng khó khăn về địa lý, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; bổ sung số lượng bằng việc tăng cường tuyển dụng, luân chuyển bác sỹ chuyên khoa sản, nhi; cử bác sỹ đa khoa tham gia khóa đào tạo thành bác sỹ chuyên khoa định hướng sản và nhi, đặc biệt ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý, xa BVĐK tuyến tỉnh như: Huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Đà Bắc;…

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của công tác làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh cho các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo và các đại biểu dân cử; duy trì nguồn cung cấp các thuốc cần thiết cho phụ nữ có thai, bà mẹ và cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là các thuốc cấp cứu sản khoa ở tuyến xã; tăng cường năng lực cho mạng lưới CSSKSS về quản lý dựa trên kết quả đầu ra; triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá công tác thực hiện kế hoạch về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh tại các tuyến;…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực