Tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh

Thứ sáu, 09/10/2015 14:40
 

 Ảnh minh họa: Hồng Phượng

(ĐCSVN) – Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ, trẻ em Việt Nam đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có mức thu nhập bình quân trên đầu người tương tự. Tử vong mẹ và tử vong trẻ em đã giảm đáng kể. Tỷ số tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 ước còn khoảng 60/100.000 sơ sinh sống năm 2014. Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm gần 3 lần từ 44,4‰ vào năm 1990 xuống còn 14,9‰ năm 2014, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn một nửa từ 58‰ vào năm 1990 xuống còn xuống 22,4‰ năm 2014.

Mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhưng vẫn còn có sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em và tử vong sơ sinh giữa các vùng, miền. Tử vong sơ sinh vẫn còn cao, chiếm đến 70% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Tốc độ giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em trong những năm gần đầy đã có xu hướng chậm lại, nếu không có những giải pháp quyết liệt và đầu tư thỏa đáng thì sẽ khó có thể đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em vào năm 2015 như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Tuy tỷ suất tử vong mẹ và tử vong sơ sinh đã giảm mạnh, nhưng ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng 580 – 600 trường hợp tử vong mẹ và khoảng trên 10.000 trường hợp tử vong sơ sinh.

Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần làm giảm hơn nữa tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương thông qua nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung thực hiện các mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh; nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách của địa phương nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ chuyên ngành sản, nhi về công tác tại các vùng khó khăn; thực hiện chính sách đối với cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số; đồng thời, chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành Y tế và các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh;…

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần rà soát tình hình cán bộ về số lượng và năng lực; trang thiết bị và tổ chức nhân sự làm công tác chăm sóc sản khoa, nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế trên địa bàn; những cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định thì phải được kịp thời củng cố, tăng cường hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa trên địa bàn, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cần thiết cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, đặc biệt cho các nội dung về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Quan tâm đầu tư cho các bệnh viện huyện ở xa trung tâm tỉnh để có thể thực hiện chăm sóc sản khoa toàn diện (có thể mổ đẻ và truyền máu)…

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa các tuyến, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động để các bà mẹ có thai được khám thai, quản lý thai sớm, biết được các dấu hiệu nguy cơ khi mang thai, lựa chọn và quyết định nơi sinh phù hợp; thực hiện đúng quy trình khám thai, phát hiện sớm các nguy cơ và tai biến có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi trong quá trình mang thai để xử trí hoặc chuyển tuyến kịp thời; thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh ngày đầu và tuần đầu sau đẻ đặc biệt là theo dõi tích cực trong 6 giờ đầu nhằm phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con để xử trí kịp thời…

Các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Những nơi quá khó khăn về nhân lực nếu có yêu cầu hỗ trợ, cần cử cán bộ chuyên môn về tăng cường cho tuyến dưới; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành về cấp cứu, hồi sức sản khoa, sơ sinh cho cán bộ y tế chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa của các tỉnh;…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực