Thanh Hóa: Cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản bằng những giải pháp thiết thực

Thứ hai, 23/11/2015 15:47

(ĐCSVN) - Trong những năm qua, các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được phấn đấu thực hiện bằng những giải pháp thiết thực và có hiệu quả. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đã đạt và vượt chỉ tiêu Chiến lược CSSKSS giai đoạn 2011-2015.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm CSSKSS tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng năm 2015, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 15‰ (năm 2014) xuống còn 14‰ (năm 2015); tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 19,5‰ (năm 2014) xuống còn 19‰ (năm 2015); tỷ suất tử vong mẹ liên quan đến thai sản giảm từ 63,5 (năm 2014) xuống còn 61,0 (năm 2015) trên 100.000 trẻ đẻ sống; tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý tăng từ 96% (năm 2014) lên 97% (năm 2015); tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ tăng từ 96% (năm 2014) lên 97% (năm 2015); giảm tỉ lệ tai biến sản khoa từ 0,34% (năm 2014) xuống còn 0,28% (năm 2015)…

Trong 9 tháng năm 2015, số lượt phụ nữ đến khám phụ khoa tăng gấp 125% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này cho thấy việc phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản đã được mở rộng, độ bao phủ tăng lên và bao phủ hiệu quả. Theo đó, số lượt khám sàng lọc ung thư cổ tử cung trong 9 tháng đầu năm đã tăng từ 4.500 lượt lên 5.000 lượt so với cùng kỳ năm 2014; số lượt điều trị phụ khoa tăng từ 125.926 lượt lên 138.228 lượt;… Tỉnh cũng đã chú trọng hơn đến các hoạt động CSSKSS cho nhóm đối tượng vị thành niên, xây dựng hoàn chỉnh chiến lược CSSKSS vị thành niên của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 định hướng đến năm 2020, triển khai kế hoạch thực hiện đến 27 huyện, thị và các ban ngành liên quan. Những hoạt động này nhằm mục đích nâng cao nhận thức, kiến thức và thay đổi hành vi của vị thành niên và thanh niên cũng như tăng cường tiếp cận và chất lượng dịch vụ CSSKSS cho nhóm đối tượng này.


Để có được những kết quả trên, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến dưới nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS, đặc biệt là kỹ thuật cấp cứu sản phụ khoa, sơ sinh. Đến nay, các kỹ thuật như mổ lấy thai, cấp cứu sản phụ khoa, truyền máu, điều trị sản giật, tiền sản giật, phá thai bằng PP hút chân không đến 12 tuần tuổi thai, chăm sóc, điều trị sơ sinh tại các BVĐK tuyến huyện đều cung cấp đầy đủ. Trong năm 2015, công tác cấp cứu sản khoa, hạn chế tai biến luôn được quan tâm hàng đầu. Ở tuyến tỉnh đã thành lập được Đội cấp cứu lưu động luôn sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới trong mọi tình huống. Đối với tuyến huyện, đến nay, các dịch vụ khám thai, khám và điều trị phụ khoa, cung cấp bao cao su, đặt/tháo dụng cụ tử cung, xử trí tai biến, phá thai bằng bơm hút chân không được triển khai ở tất cả các khoa CSSKSS – Trung tâm Y tế (TTYT) huyện. Ở một số TTYT đã cung cấp các dịch vụ thăm dò chức năng như siêu âm, xét nghiệm, soi cổ tử cung… đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bệnh nhân. Tại tuyến xã, các dịch vụ CSSKSS theo phân tuyến đều được triển khai đầy đủ, năm 2015 các xã đều có Vitamin K1 để tiêm cho trẻ sơ sinh phòng xuất huyết não.

Điển hình như tại khoa Sản BVĐK khu vực Ngọc Lặc, nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân của 11 huyện miền núi với số lượng bệnh nhân đến khám rất đông, trung bình mỗi ngày có khoảng 65 - 70 bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân người Lào; có 8 - 10 ca đẻ/ngày, thậm chí ngày cao điểm có tới 10 - 15 ca đẻ/ngày; tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến chiếm khoảng 40% (thường do các nguyên nhân như mổ đẻ, sinh non, thai to, nguy cơ tai biến)… BS Nguyễn Ánh Tuyết, chuyên khoa I, Trưởng khoa Sản BVĐK khu vực Ngọc Lặc cho biết, trước đây, trong công tác hồi sức sản, đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, trình độ chuyên khoa sâu cũng còn hạn chế. Nhiều trường hợp sản phụ bị rối loạn cơ chế đông máu đều phải chuyển tuyến mới cứu được nhưng nay đã có thể tiến hành tại BVĐK khu vực Ngọc Lặc. Gần đây nhất có sản phụ ở huyện Bá Thước, 26 tuổi, sinh con lần đầu, chưa bao giờ khám thai và chỉ siêu âm một lần duy nhất khi thai được 6 tháng tuổi. Khi người nhà thấy sản phụ này có biểu hiện đau bụng dữ dội đã chuyển thẳng xuống BVĐK khu vực Ngọc Lặc. Sản phụ nhập viện trong tình trạng có các cơn co dữ dội ở tử cung, dò tim thai thấy tim đập dồn dập, máu ồ ạt ra nhiều, Bệnh viện đã cho kết hợp thở ôxy, dùng monitor theo dõi tim thai, siêu âm cấp cứu tại giường phát hiện thấy khối máu tụ sau rau diện rộng, ngay lập tức các bác sỹ đã tiến hành lấy máu xét nghiệm và mổ cấp cứu, rất may trường hợp đó cứu được cả mẹ và bé. Cháu bé được 2,6 kg, mẹ bé may mắn được cứu sống, không phải cắt tử cung do xung huyết nhẹ.

Cùng với những kết quả đạt được, công tác CSSKSS thời gian qua của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn không ít khó khăn. Ths. BS. Lương Ngọc Trương - Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc tiếp cận và chất lượng CSSKSS bà mẹ trước, trong và sau sinh còn nhiều hạn chế; tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đã giảm nhưng tử vong sơ sinh còn cao, tốc độ giảm còn chậm; suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao; tỷ lệ phá thai đã giảm nhưng chưa bền vững; nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa thiếu, đặc biệt là tại tuyến huyện… Ngoài ra, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn còn diễn ra thường xuyên, công suất sử dụng giường bệnh ở tuyến tỉnh luôn ở mức 150 - 200%; ở các tuyến dưới, công tác truyền thông không hiệu quả và chủ yếu là thiếu kinh phí để hoạt động; khoa CSSKSS, TTYT huyện tại nhiều đơn vị còn thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn hạn chế, công tác quản lý thai nghén còn nhiều bất cập, công tác vô khuẩn tại TYT còn nhiều tồn tại…

  

 Tập huấn đào tạo các CĐTB tại Trung tâm CSSKSS tỉnh. Ảnh: T.H


Lý giải một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trên, theo ông Lương Ngọc Trương, mặc dù Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều các hoạt động can thiệp như triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hướng dẫn đào tạo đỡ đẻ có kỹ năng, chăm sóc thiết yếu trước, trong và sau sinh… nhằm cải thiện chất lượng công tác CSSKSS, tuy nhiên rất khó để triển khai đồng bộ các hoạt động này trên địa bàn một tỉnh rộng như Thanh Hóa. Cũng theo ông Trương, Thanh Hóa là một tỉnh lớn, còn nghèo (thu nhập bình quân đầu người ở mức 2/3 bình quân chung của cả nước), dân số đứng thứ 3 toàn quốc (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội), có 11 huyện miền núi, 7 huyện 30a (trong tổng số 63 huyện nghèo của cả nước), do vậy, đời sống kinh tế còn thấp, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu, đặc biệt, tại khu vực miền núi, việc đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Với những đặc thù như vậy, việc tiếp cận của các bà mẹ với cơ sở y tế còn rất hạn chế, trong khi đó, mạng lưới y tế lại rất mỏng.

Để giải quyết những khó khăn đó, Thanh Hóa đã lựa chọn giải pháp tập trung đào tạo nữ hộ sinh ở các huyện miền núi; tiếp đó, đào tạo giảng viên nguồn là cán bộ khoa sản ở các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện Sản – Nhi; đào tạo giảng viên nguồn tại TTCSSKSS tỉnh để triển khai các hoạt động can thiệp nhằm nâng cao chất lượng công tác CSSKSS. Cùng với đó, thành lập các đội giám sát, hỗ trợ tuyến; hàng quý xuống các TTYT, khoa Sản bệnh viện huyện hỗ trợ tuyến và tổ chức giao ban nữ hộ sinh theo các chuyên đề trọng điểm. Đội ngũ Cô đỡ thôn bản (CĐTB) cũng là một trong những giải pháp can thiệp hiệu quả, góp phần giảm hẳn tỉ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những nơi có tỉ lệ đẻ tại nhà cao, khác biệt về phong tục tập quán, đặc biệt là địa bàn có nhiều đồng bào H’Mông đang sinh sống. Tại những chòm, bản như Lang Chánh, Lâm Phú… tỷ lệ đẻ tại nhà còn khá cao, thậm chí có nơi 100% sản phụ đều thực hiện sinh con tại nhà. Do vậy rất cần CĐTB tiếp cận với đồng bào để tuyên truyền, hướng dẫn bà con đến các trạm y tế. Hiện, đội ngũ CĐTB được đào tạo từ năm 2012 bằng nguồn kinh phí của TTCSSKSS tỉnh vẫn đang hoạt động rất hiệu quả bởi họ được đồng bào tin tưởng do các cô đều là con em trong bản họ.

Ngoài những giải pháp trên, ngành Y tế tỉnh cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp và định hướng tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác CSSKSS. Trong đó, chú trọng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nhất là hoạt động quản lý, điều hành, giám sát; đẩy mạnh các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và nghiên cứu khoa học; tích cực chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần vào thành tích chung của ngành y tế tỉnh Thanh Hóa./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực