Thừa Thiên Huế: Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thứ ba, 13/10/2015 15:34
 

 Ảnh minh họa: daidoanket.vn

(ĐCSVN) – Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề về sức khỏe sinh sản (SKSS) và truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) nhằm củng cố và kiện toàn mô hình tổ chức, nội dung hoạt động, đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc SKSS và TTGDSK trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực chăm sóc SKSS như: Đội ngũ nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa còn rất thiếu; bố trí phòng chức năng tại khoa sản và đội chưa hợp lý.

Về việc triển khai đơn nguyên sơ sinh, một số đơn vị chưa được Sở Y tế thẩm định và ra Quyết định. Một số đơn vị đặt vị trí của đơn nguyên chưa thuận tiện, nhân lực còn thiếu, phân công trách nhiệm giữa các khoa phụ trách Đơn nguyên sơ sinh chưa rõ ràng nên chất lượng hoạt động của các Đơn nguyên sơ sinh còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều trạm y tế không sinh tại trạm trong thời gian dài. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015 có tới 105/152 (69,08%) trạm y tế không có trường hợp nào sinh tại trạm (trong đó TP Huế, Hương Thủy 100% trạm y tế không có trường hợp nào sinh tại trạm).
 
Công tác phối hợp giữa các Trung tâm y tế (TTYT)  với đơn vị chuyên môn tuyến tỉnh chưa chặt chẽ, thông tin báo cáo thiếu kịp thời. Về tổ chức triển khai việc khám, theo dõi, chăm sóc và xử lý trong điều trị vẫn còn nhiều khó khăn. Tại tuyến huyện, một số dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến triển khai chậm hoặc thiếu thường xuyên; việc ứng dụng các kỹ thuật cận lâm sàng còn hạn chế. Bố trí kíp trực tại các bệnh viện tuyến huyện nhiều đơn vị chưa hợp lý, việc sẵn sàng cấp cứu tại viện chưa chủ động, kịp thời. Tại tuyến xã, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn bị động, thiếu thường xuyên, chưa có chiều sâu và chất lượng chưa cao, năng lực chuyên môn còn hạn chế…

Trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe vẫn còn một số khó khăn như: Mô hình tổ chức của Tổ truyền thông chưa thống nhất giữa các đơn vị. Phần lớn cán bộ làm công tác kiêm nhiệm. Tổ truyền thông tuyến huyện chưa thực sự là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo TTYT về hoạt động truyền thông toàn diện, hoạt động còn bị động và lúng túng trong công tác phối hợp hoạt động giữa các chương trình trong đơn vị cũng như với các đơn vị liên quan trong huyện. Nội dung hình thức truyền thông chậm được đổi mới; thiếu các tài liệu truyền thông…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Nam Hùng nhấn mạnh: đối với lĩnh vực chăm sóc SKSS, không chỉ đơn thuần quan tâm đến vấn đề sinh tại trạm, mà cần quan tâm đến cả lĩnh vực chăm sóc SKSS để nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Việc quyết định sinh tại trạm phải được khảo sát cẩn trọng và phù hợp với thực tế của địa phương. Lãnh đạo Trung tâm y tế phải quyết định việc đặt các đơn nguyên sơ sinh tùy theo tình hình thực tế của từng bệnh viện sao cho thuận lợi và khoa học nhất; phải chủ động trong việc đào tạo và điều động cán bộ hợp lý với mục đích thực hiện tốt việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; cần triển khai đồng bộ cơ chế phối hợp giữa Đội Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Khoa Sản.

Đối với lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe, lãnh đạo các Trung tâm y tế cần chú trọng và quan tâm đến việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cho các tổ truyền thông giáo dục sức khỏe. Phụ trách truyền thông giáo dục sức khỏe huyện là Phó giám đốc Trung tâm y tế, số lượng cán bộ của tổ truyền thông do Giám đốc Trung tâm y tế quyết định. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe cần tham mưu cho Sở Y tế xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể về truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để công tác truyền thông giáo dục sức khỏe ngày càng được xã hội hóa hơn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực