Bệnh viện vệ tinh, cơ hội chăm sóc y tế chất lượng cao tới gần người dân hơn

Thứ ba, 06/12/2016 14:41
(ĐCSVN) - Nhiều kỹ thuật cao trước chỉ làm tại các bệnh viện (BV) tuyến trên như: mổ máu tụ trong não, mổ chấn thương sọ não, thay khớp háng toàn phần... với chi phí hàng trăm triệu thì nay nhiều BV địa phương đã làm thành thường quy. Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, ngành y tế đã thực hiện hiệu quả Đề án BV vệ tinh.

Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh (Ảnh: YT)
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, sau hai năm (2013-2014) thực hiện Đề án BV vệ tinh, được sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và sự ủng hộ của các Bộ, ngành và sự tham gia của UBND các tỉnh, thành phố cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các BV hạt nhân và vệ tinh, đến nay, Đề án BV vệ tinh của Bộ Y tế bước đầu thu được một số kết quả đáng được khích lệ. Mạng lưới BV vệ tinh đã được thiết lập một cách chặt chẽ giữa tuyến trung ương và địa phương ở 5 chuyên khoa đang có tỉ lệ quá tải cao là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Thống kê của Cục quản lý khám và chữa bệnh, Bộ Y tế nêu rõ, 48 BV vệ tinh của 37 tỉnh, thành đã hoạt động khá hiệu quả dưới sự trợ lực của 14 BV hạt nhân gồm: Việt Đức, Bạch Mai, BV E, Phụ sản TW, Nhi TW; ĐKTW Huế; Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Nhi Đồng 1 và 2 (TP. HCM). Các chuyên ngành như: ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới; tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật; ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật; nhi đã hoàn thành 34 lượt chuyển giao kỹ thuật; sản đã hoàn thành 28 lượt chuyển giao kỹ thuật… Nhìn chung, một số BV vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, điển hình là bệnh viên đa khoa (BVĐK) tỉnh của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam…

Đánh giá về việc triển khai Đề án, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, với việc tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ BV hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến của các BV vệ tinh đã giảm rõ rệt, 37,5% số BV vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ, ví dụ như BVĐK tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ chuyển tuyến chấn thương sọ não năm 2013 là 104 ca, năm 2014 còn 12 ca, giảm chuyển tuyến 88,46%; BVĐK tỉnh Phú thọ sau khi được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ung bướu, số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật ung bướu tại BV tăng lên: năm 2013 là 2.876 ca, năm 2014 là 5.535 ca. “Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp cấp cứu, nếu di chuyển xa, bệnh nhân có thể tử vong ngay trên đường đi nhưng nếu được điều trị ở tuyến dưới, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống. Hơn nữa, khi tuyến dưới thực hiện được các kỹ thuật khó thì sẽ giảm tải cho BV tuyến trên, đỡ gánh nặng ăn ở, đi lại cho bệnh nhân” - PGS Khuê nói.

Chia sẻ về hiệu quả của Đề án, BS Nguyễn Trọng Diện, Phó Giám đốc BVĐK Quảng Ninh, cho biết, vài năm trước, với những kỹ thuật khó như xử lý gãy xương đùi, thay khớp háng…, bệnh nhân thường được sơ cứu sau đó chuyển thẳng về BV Việt Đức nhưng nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ đề án BV vệ tinh, phẫu thuật gãy xương đùi đã trở thành kỹ thuật thường quy của BVĐK Quảng Ninh. Là 1 trong số 7 BV vệ tinh của BV Việt Đức, những năm qua, gần 20 kỹ thuật ngoại khoa, gây mê phức tạp về phẫu thuật sọ não, mạch máu, chấn thương chỉnh hình… đã được BV Việt Đức chuyển giao thành công cho BVĐK Quảng Ninh. Hai năm thực hiện đề án BV vệ tinh, BV ĐK Quảng Ninh đã phẫu thuật 425 ca chấn thương sọ não, trong đó có 37 ca máu tụ trong não, 73 ca ghép khuyết sọ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong hồi sức và điều trị chấn thương sọ não nặng như đặt máy đo áp lực nội sọ…

Ông Trần Bình Giang, Phó giám đốc BV Việt Đức cũng đánh giá: “Sau chuyển giao kỹ thuật, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được kỹ thuật khó khá hiệu quả như mổ máu tụ trong não. Trước khi chuyển giao, nhiều nơi chưa thực hiện được nhưng hiện nay thì khác, tỷ lệ chuyển tuyến lên chỉ còn 1-3%”.

Tại BVĐK Phú Thọ, TS Nguyễn Huy Ngọc, Phó Giám đốc BV cho biết, nhờ triển khai mô hình BV vệ tinh của BV Việt Đức, BV K, BV Bạch Mai mà tỷ lệ chuyển tuyến của BV giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, chuyên ngành ngoại khoa tỷ lệ chuyển tuyến xuống BV Việt Đức của BVĐK Phú Thọ hàng năm là 35-40% thì hiện nay chỉ còn khoảng 0,9%; hay chuyên ngành ung bướu trước đây là gần 60% thì hiện nay tỷ lệ chuyển tuyến xuống BV K của BV chỉ còn hơn 1,2%...

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ sở hạ tầng tốt hơn tuyến trung ương, trang bị máy móc không kém và thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao tốt như các tuyến TW chính là cơ sở để BV vệ tinh giúp giảm tải. Ví dụ như BV Thanh Hóa, Nhi Thanh Hóa nay đều đã có thể mổ tim, trước đó vài ba năm thì không thể làm được. Hay BV Nghệ An, Hà Tĩnh nay còn to đẹp hơn BV Trung ương, thậm chí họ đang hướng tới ghép tạng. Nếu BV vệ tinh không phát triển sẽ không thể giảm tải được vì thế hệ thống BV vệ tinh sẽ tiếp tục được tăng cường.

Do đó, Bộ trưởng cam kết Bộ sẽ tích cực tuyên truyền cho người dân về những BV quá tải đó có BV quá tải thật, có BV quá tải ảo. Đồng thời, Bộ trưởng cũng khuyến cáo, người dân cần tạo ra thói quen khám ở tuyến gần gần nhất có chất lượng cao, ngày càng cao. Về phía Bộ Y tế, Bộ cũng sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, đồng thời tiếp tục khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án BV vệ tinh giai đoạn vừa qua, làm cơ sở để xây dựng và phê duyệt Đề án giai đoạn 2016-2020, mở rộng số BV vệ tinh trong thời gian tới.

 

Hà Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực