Cần đánh giá đúng về vai trò của y tế học đường trong bối cảnh hiện nay

Thứ sáu, 17/11/2017 15:49
(ĐCSVN) – Được đánh giá là nơi sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh học đường cho học sinh, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong trường học...
Vai trò của y tế học đường rất quan trọng (Ảnh tư liệu)

Thêm nữa, phát triển y tế học đường còn được coi là biện pháp chủ yếu để tạo nền tảng sức khỏe, trí tuệ, tinh thần giúp các em học sinh, sinh viên vững bước phát triển trong tương lai.

Học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, dần hình thành thói quen sinh hoạt cho cuộc sống sau này, vì vậy  rất cần được chú ý trong giáo dục, rèn luyện, qua đó tạo thuận lợi, góp phần giúp  các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Trong quá trình đó, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, tác động đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của các em.

Quan trọng là thế nhưng bấy lâu nay, công tác y tế học đường vẫn “mỗi nơi mỗi kiểu”, chưa được xem trọng đúng mực. Với vai trò là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, quá trình giáo dục, rèn luyện, tạo thuận lợi để các em học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ luôn được Đảng, Nhà nước ta chú trọng. Xuyên suốt quá trình đó, không thể phủ nhận vai trò của công tác y tế trường học bởi trong y học, sơ cấp cứu còn quan trọng hơn điều trị.

Học sinh ở độ tuổi đến trường (từ cấp mầm non đến THPT) hằng ngày phải đối diện với rất nhiều nguy cơ bệnh tật, tai nạn. Ở trẻ nhỏ thì cảm sốt, nôn trớ; trẻ lớn thì nghịch ngợm, leo trèo dẫn đến tai nạn thương tích; con gái ở tuổi dậy thì trong những ngày kinh nguyệt dễ bị tụt can-xi, đau bụng… Cho nên, vai trò của nhân viên y tế trường học là rất cần thiết. Hiện nay, tại một số trường mầm non, tiểu học, cán bộ y tế còn chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ phụ trách giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu xảy ra ngộ độc.

Vào mỗi mùa dịch bệnh, cán bộ y tế còn chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh trong trường học như sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay - chân - miệng, viêm màng não mô cầu... Ngoài ra, nhân viên y tế trường học còn chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học thông qua bệnh án được khám bệnh vào mỗi đầu năm.

Hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn là tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường, xây dựng khung dinh dưỡng-y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh. Vai trò của hoạt động y tế học đường là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai công tác này tại cơ sở giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó một phần là do tình trạng kiêm nhiệm công tác y tế học đường.

Theo Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, trường học có thêm 2 chỉ tiêu biên chế nhưng thực tế có tới 4 vị trí: văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế. Do đó, nhân viên y tế trường học luôn phải kiêm nhiệm thêm công việc khác. Còn theo Thông tư 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT quy định về công tác y tế trường học có hiệu lực kể từ ngày 30-6-2016, nhân viên y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên mới đạt chuẩn.

Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, thực tế đang gặp phải không ít khó khăn nhất định; một trong những khó khăn đó xuất phát từ đặc điểm của môi trường trong các trường học. Đây là nơi tập trung đông học sinh, trong khi phần lớn các em còn nhỏ tuổi, chưa có ý thức cao trong về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, kiến thức phòng bệnh và thực hành phòng bệnh còn rất hạn chế. Nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh, bệnh tật học đường là không hề nhỏ. Đáng ngại hơn là những hành vi không bảo đảm vệ sinh, phòng bệnh, không có lợi cho sức khỏe hiện tại cũng như về sau này dễ được hình thành do quá trình tương tác, học hỏi lẫn nhau trong lớp học. Nếu không có sự quản lý, theo dõi và uốn nắn, nhắc nhở thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ môi trường học tập trong trường học, mà cả quá trình sống, làm việc sau này.

Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả công tác y tế trường học, cần chú ý: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao nhận thức về vai trò của y tế trường học trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên, cũng như xây dựng và nuôi dưỡng nhân cách con người từ giai đoạn còn trẻ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và gia đình học sinh, sinh viên cần phải nhận thức rõ điều này để phối hợp xây dựng các chiến lược, các giải pháp thực hiện hiệu quả nội dung của công tác y tế học đường ở mỗi địa phương, mỗi cấp học, mỗi ngành học.

Bên cạnh đó, nhà trường là đơn vị tổ chức, đáp ứng trực tiếp việc bảo đảm, rèn luyện và nâng cao sức khỏe của học sinh, sinh viên bằng các việc làm cụ thể; từ bố trí sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí y tế học đường – trích từ Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), đầu tư trang thiết bị, nhân lực, các hoạt động triển khai thực hiện y tế học đường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, trước tiên cần các định rõ vị trí, vai trò chức năng của từng bộ phận, cá nhân trong đơn vị và quán triệt thực hiện bài bản, nghiêm túc. Đội ngũ những người làm công tác y tế học đường, nhất là cán bộ y tế học đường và nhận thức, sự tham gia của đội ngũ cán bộ, giáo viên cần được thường xuyên nâng cao cả về chất lượng và số lượng.

Hàng năm, lãnh đạo các Nhà trường cần có kế hoạch tuyển chọn, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo chế độ lương cán bộ y tế. Phải nhận thức rõ, cán bộ phụ trách y tế trong trường học có vai trò quan trọng, trực tiếp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thực hành một số kỹ thuật y khoa. Bên cạnh đó, đây còn là người đóng vai trò là đầu mối kết nối với các cơ sở y tế trên địa bàn để triển khai các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh trong các nhà trường.

Thêm nữa, về mặt chuyên môn kỹ thuật, cần bổ sung trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, vật tư và thuốc thiết yếu tại phòng y tế nhà trường để đáp ứng điều kiện khám, chữa bệnh thông thường, xử trí chấn thương, tai nạn, tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh học đường, phòng bệnh không lây nhiễm, truyền nhiễm.

Trong tổ chức thực hiện, để nâng cao chất lượng công tác y tế học đường, đáp ứng với nhu cầu thực tế và phù hợp với điều kiện  nhân lực hiện nay, trường học cần phối hợp chặt chẽ với trạm y tế xã hoặc trung tâm y tế huyện và cơ quan BHXH để sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ BHYT trích lại cho chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên, cũng như từ các nguồn kinh phí khác.

HNV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực