Cần đổi mới công tác dự phòng trong cai nghiện ma túy

Thứ hai, 19/12/2016 14:40
(ĐCSVN) - Điều trị nghiện ma túy là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi triển khai đồng bộ các giải pháp y tế, tâm lý, xã hội, pháp luật nhưng kết quả rất hạn chế. Vì vậy việc làm tốt công tác dự phòng trong cai nghiện ma túy sẽ giúp kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, giảm tác hại của nghiện ma túy…

Ảnh minh họa (Ảnh:T.Q)

Ngày 27/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ- TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 với quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ; điều trị cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Đề án cũng nhấn mạnh quan điểm đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị bắt buộc tại trung tâm theo hướng giảm dần, tiến tới điều trị tự nguyện tại cộng đồng là chủ yếu.

 Sau 3 năm thực hiện, các địa phương cơ bản đã triển khai thực hiện Đề án. Thực tế đã xuất hiện những mô hình cai nghiện tốt, việc điều trị thay thế bằng methadone được làm rất bài bản, đem lại hiệu qủa rõ rệt, đó là tỷ lệ bỏ được thuốc, không lệ thuộc vào thuốc và trở lại hòa nhập cộng đồng đạt 50%. Tuy nhiên vẫn còn một số nơi còn lúng túng. Có nơi làm được nhiều theo hướng đổi mới của Chính phủ, có nơi chỉ làm một số việc, có nơi chưa rõ dẫn đến việc các trung tâm không còn học viên, cơ sở vật chất lãng phí, nguồn lực con người chưa được sử dụng hiệu quả. Vấn đề đáng bàn là  nhận thức về vấn đề nghiện và việc tổ chức cai nghiện ở một số địa phương vẫn còn nhiều quan niệm, ý kiến cho rằng cai nghiện tại cộng đồng không thể làm được, đối với người nghiện là phải cai nghiện tập trung nên hoạt động cai nghiện ở cộng đồng chưa được quan tâm. Từ đó dẫn đến việc bố trí nguồn lực chưa tương xứng, chỉ đạo chưa quyết liệt.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian qua các cơ sở cai nghiện tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giáo dục; tăng cường công tác chống bỏ trốn, chống thẩm lậu ma túy và các tiêu cực trong quản lý học viên, tạo môi trường thân thiện để người nghiện ma túy yên tâm cai nghiện… Việc đưa người nghiện mà túy không có nơi cư trú ổn định vào lưu trú tạm thời trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã dần đi vào nền nếp.

 Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy (gọi tắt là điều trị nghiện) là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.

Để kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, giảm tác hại của nghiện ma túy theo các chuyên gia cần làm tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai, giúp giảm thiểu sự gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy. Cụ thể, cần xác định cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện ma túy, giảm số người nghiện mới, nâng cao sức khỏe cho người sau cai, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức điều trị nghiện ma túy theo hướng tăng dần số người điều trị tại cộng đồng và khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại trung tâm. Xác định điều trị lâu dài, liên tục, tăng cường cung cấp các dịch vụ, tư vấn, tạo việc làm kết hợp với giảm hại của việc sử dụng ma túy và dự phòng lây nhiễm HIV.

Muốn đạt được những mục tiêu trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, coi nghiện ma túy là căn bệnh mãn tính do sự rối loạn của não bộ. Điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi, kéo dài thời gian ổn định bệnh nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và làm giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.

Chú trọng thực hiện các biện pháp mang tính xã hội hóa đối với công tác điều trị và quản lý sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Phát động toàn dân phòng ngừa tệ nạn xã hội và vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp, nhất là hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng. Lồng ghép công tác cai nghiện với các chương trình kinh tế - xã hội khác như: Xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm tại địa phương.

Ngoài ra, cần thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm). Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân. Tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng.

Nhà nước đầu tư nguồn lực và có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị nghiện; hỗ trợ điều trị nghiện cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Các đối tượng khác do cá nhân và gia đình người nghiện có trách nhiệm tham gia, đóng góp.

Đổi mới về nhận thức, biện pháp điều trị nghiện và hệ thống cơ sở dự phòng, điều trị nghiện trong phạm vi cả nước. Người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy, các cơ sở điều trị nghiện, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện.

M.P
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực