Đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn dược liệu

Thứ ba, 14/11/2017 18:09
(ĐCSVN) - Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng, đồng thời cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây làm thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta vẫn phải nhập một lượng dược liệu lớn mỗi năm do chưa cung ứng đủ cho nhu cầu.

 

Thu hoạch cây ba kích (Ảnh: QĐ)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết quả điều tra năm 2016 đã ghi nhận 5.117 loài và dưới loài thực vật, trong đó có nhiều loài dược liệu bản địa và nhập nội quý cả về công dụng chữa bệnh và giá trị kinh tế đã được phổ biến rộng trong sản xuất.

 

Qua điều tra, khảo sát đã phát hiện được các vùng lợi thế để phát triển cây dược liệu, như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và một phần của Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Giang trồng quế, Địa liền, Bạch truật, Sả, Ý dĩ, Ba kích,... Vùng Tây Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình trồng: mộc hương, xuyên khung, đỗ trọng, đương quy, bạch chỉ, độc hoạt, hoàng bá, sa nhân, thảo quả, atisô, nghệ, táo mèo.

 

Hiện nay, đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP – WHO), bao gồm: trinh nữ hoàng cung, actisô, bìm bìm biếc, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu đắng,...

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường cũng như hiệu quả kinh tế từ sản xuất cây dược liệu, thời gian qua một số địa phương đã có những chính sách nhằm khuyến khích đẩy mạnh phát triển cây dược liệu. Tỉnh Lâm Đồng đã hình thành được các vùng trồng dược liệu tập trung và cung cấp nguyên liệu sản xuất các chế phẩm từ cây Actisô, Diệp hạ châu đạt tiêu chuẩn VietGap, hai sản phẩm này được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền đã mang lại thu nhập cao cho người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng với các sản phẩm thuốc Việt. Tỉnh Lào Cai xây dựng dự án “Phát triển vùng trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2016 -2020” có quy mô đến năm 2020 đạt 350 ha gồm đương quy, xuyên khung, atiso, tam thất.

 

Hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính từ 60.000 - 80.000 tấn/năm. Dù vậy, sản lượng từ nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta mới đáp ứng được khoảng 30%, lượng còn lại chủ yếu được nhập khẩu. Diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu được sản xuất ở Việt Nam còn rất hạn chế. Cho đến nay có hơn 500 loài cây thuốc đã được trồng với các mức độ khác nhau, nhưng chỉ có 50 loài được trồng phổ biến có quy mô trên 10 ha.

 

Cùng với đó, ngành dược liệu nước ta hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm khảo nghiệm đối với cây dược liệu vẫn chưa được ban hành gây khó khăn cho công tác khảo nghiệm và công nhận giống cây dược liệu mới. Các đề tài, dự án đối với việc nghiên cứu, chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển cây dược liệu vẫn còn ít được quan tâm.

 

Kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu còn hạn chế. Cây dược liệu có yêu cầu khắt khe trong kỹ thuật canh tác làm sao vừa đảm bảo hàm lượng hoạt chất vừa đảm bảo năng suất; yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao tuy nhiên việc nghiên cứu về thành phần sâu, bệnh hại trên cây dược liệu, quy trình canh tác tổng hợp, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại chưa được thực hiện. Hiện nay tại một số vùng sản xuất tập trung các công ty sản xuất cây dược liệu đang tiến hành theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), nhưng các vùng sản xuất nhỏ, sản xuất nông hộ… người dân đều làm theo kinh nghiệm.

 

Việc khai thác chưa hợp lý, công tác bảo vệ tài nguyên dược liệu còn chưa được quan tâm đúng mức. Khai thác tràn lan, tận thu cây dược liệu trong khi công tác đầu tư bảo tồn và tái tạo phát triển sản xuất chưa được quan tâm chú trọng, chưa có sự phối hợp trong công tác nghiên cứu, phát triển cây dược liệu giữa các ngành y tế và nông nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng. Việc quản lý nguồn gốc của dược liệu khai thác rất khó khăn cần phải có sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành để đảm bảo dược liệu lưu hành trên thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

 

Mặc dù giá trị thu nhập từ trồng cây dược liệu cao nhưng do cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu cao, thị trường đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp đầu tư thu mua nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, do cơ sở hạ tầng còn thiếu, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả cho người sản xuất.

 

Cho đến nay tiêu chuẩn kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong cây dược liệu vẫn chưa được coi trọng, chưa được xem như là một tiêu chí để kiểm soát chất lượng nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc thảo mộc.

 

Nhìn chung, mặc dù có tiềm năng to lớn nhưng hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu dược liệu với số lượng lớn. Để công tác phát triển dược liệu trong thời gian tới được phát triển tiến tới việc tự chủ sản xuất thuốc trong nước và tham gia thị trường khu vực và thế giới, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ tổng thể cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai nuôi trồng và khai thác dược liệu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, hạn chế nhập khẩu dược liệu thô.

 

Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với công tác phát triển dược liệu, như: hỗ trợ đầu tư về tín dụng, vay vốn, cơ sở vật chất, hỗ trợ giống và kỹ thuật, công nghệ… cho người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến cây dược liệu.

 

Tăng cường công tác khuyến nông cho cây dược liệu theo hướng chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân. Tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch. Các địa phương cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

 

Sản xuất cây dược liệu yêu cầu vốn đầu tư tương đối lớn, đặc biệt đối với những cây dược liệu dài ngày so với các cây trồng khác. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để các hộ trồng cây dược liệu có điều kiện phát triển sản xuất.

 

Cùng với đó, tập trung nghiên cứu chọn tạo, phục tráng, công nhận, bảo hộ các giống cây dược liệu; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về canh tác, khảo nghiệm, chứng nhận chất lượng đối với cây dược liệu. Cần nghiên cứu và phát triển giống dược liệu mới do phần lớn bộ giống dược liệu trong nuôi trồng hiện nay vẫn dựa vào các giống địa phương, năng suất thấp.

 

Công tác khai thác phải đảm bảo hài hòa, phù hợp với công tác bảo tồn, duy trì nguồn gen cây dược liệu. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch và chế biến cây dược liệu. Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, điều tra thành phần sâu bệnh hại trên cây dược liệu, nghiên cứu đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại trên cây dược liệu nhằm đảm bảo năng suất vừa chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bổ sung các đề tài dự án về quản lý chất lượng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý sâu bệnh, dịch hại đối với cây dược liệu.

 

Bên cạnh đó, xác định nhóm cây dược liệu đã được đầu tư nghiên cứu có tiềm năng đáp ứng tiêu chí làm sản phẩm quốc gia để ưu tiên đầu tư chuyển hóa thành sản phẩm thương mại có giá trị gia tăng cao. Xây dựng chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm tập trung giải quyết bằng công nghệ tiên tiến từ quy trình: tạo giống, thu hái, chế biến dược liệu, chiết xuất cao và hoạt chất từ dược liệu đến quy trình sản xuất sản phẩm từ dược liệu.

 

Tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến dược liệu phối hợp với người dân, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây thuốc theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của từng địa phương./.

 

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực