Khuyến khích phát triển các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện

Thứ năm, 19/11/2015 14:10
(ĐCSVN) - Nhằm hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Nhà nước thành lập và có chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

 Ảnh minh họa (Ảnh: H.Q)


Theo đó, cơ sở do nhà nước thành lập là đơn vị sự nghiệp công lập, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Cơ sở do tổ chức cá nhân thành lập (cơ sở dân lập): Là cơ sở kinh doanh có điều kiện, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Số lượng, quy mô, vị trí của các cơ sở phải phù hợp với nhu cầu điều trị và tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm thuận lợi cho người bệnh, tránh dàn trải lãng phí. Cơ sở do nhà nước thành lập dựa trên cơ sở vật chất, tổ chức, nguồn nhân lực sẵn có của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Y tế tại địa phương.

Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn, khám và điều trị toàn diện cho người nghiện ma túy với các phương pháp điều trị thích hợp cho từng người.

Tổ chức sắp xếp, phát triển cơ sở điều trị nghiện tự nguyện trên cơ sở thực hiện lộ trình chuyển đổi Trung tâm thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm, đáp ứng yêu cầu của công tác điều trị nghiện. Sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của các cơ sở điều trị để bảo đảm các điều kiện theo quy định về điều trị nghiện.

Chuyển đổi Trung tâm bắt buộc sang cơ sở điều trị nghiện tự nguyện đối với những Trung tâm của các tỉnh, thành phố có quy mô dưới 200 đối tượng, gần cộng đồng dân cư và những Trung tâm thường xuyên có số người cai nghiện dưới 50% so với công suất thiết kế ở những tỉnh, thành phố có nhiều Trung tâm. Đối với những Trung tâm có quy mô đối tượng lớn hơn nếu có điều kiện thuận lợi thì chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần sang cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Được biết năm 2015 thí điểm chuyển đổi 80 Trung tâm trong đó 40 Trung tâm chuyển đổi hoàn toàn và 40 Trung tâm chuyển một phần sang điều trị nghiện tự nguyện. Giai đoạn 2016 - 2020: Các Trung tâm thí điểm chuyển đổi được hoàn thiện và đi vào hoạt động với đầy đủ chức năng của cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Phát triển và hoàn thiện các cơ sở điều trị thay thế thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện nhằm cung cấp dịch vụ toàn diện cho người nghiện. Rà soát các cơ sở điều trị nghiện thay thế, các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, cơ sở Y tế (Trung tâm y tế huyện, khoa, viện tâm thần), cơ sở hỗ trợ xã hội có thể tham gia công tác điều trị nghiện tự nguyện tại các địa phương để cải tạo, nâng cấp và giao nhiệm vụ về điều trị nghiện tự nguyện phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

Đồng thời, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng sắp xếp đội ngũ cán bộ đáp ứng đầy đủ các quy định của cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Bên cạnh đó, hình thành thêm 80 cơ sở điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện trong đó thí điểm nâng cấp 10 cơ sở thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Giai đoạn 2016 - 2020: 140 cơ sở điều trị thay thế được nâng cấp thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Nâng cấp, phát triển các Trung tâm dân lập thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện dân lập. Trung tâm chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị; tuyển dụng, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ bảo đảm các điều kiện theo quy định về cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Nhà nước hỗ trợ: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật; tiền thuốc, tiền ăn và các chi phí điều trị theo quy định của pháp luật.

Được biết Hiện, cả nước có 110 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và quản lý sau cai nghiện do Nhà nước quản lý, trong đó, có 9 trung tâm chuyển đổi hoàn toàn sang cơ sở cai nghiện tự nguyện, 4 trung tâm chuyển thành cơ sở xã hội và 19 cơ sở cai nghiện tư nhân do các tổ chức, cá nhân thành lập.

Các trung tâm này đang quản lý và cai nghiện cho 22.205 người, giảm 5.895 người so với thời điểm cuối năm 2014, trong đó, 38 trung tâm có số học viên dưới 50 người, 16 trung tâm có số học viên dưới 100 người. 6 tháng đầu năm 2015, các trung tâm đã tiếp nhận mới 6.373 học viên, trong đó, 2.732 học viên cai nghiện tự nguyện và 3.641 học viên cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Tòa án, tăng 3.305 học viên so với cuối năm 2014.

Các cơ sở cai nghiện tư nhân đã tiếp nhận cai nghiện tự nguyện cho 4.515 lượt người, chủ yếu mới thực hiện được giai đoạn điều trị hỗ trợ cắt cơn, giải độc với thời gian từ 15 - 30 ngày. Cùng với công tác cai nghiện ở trung tâm, công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, điều trị thay thế bằng Methadone cũng được chú trọng. Tính đến tháng 6-2015, các địa phương đã tổ chức cai nghiện cho 1.633 người, trong đó, 900 người cai nghiện tại gia đình, 733 người được cai nghiện tại cộng đồng.

Hiện có 46 tỉnh, thành phố điều trị nghiện thuốc phiện bằng Methadone với 170 cơ sở, tăng 37 cơ sở so với cuối năm 2014, trong đó có 7 cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, đang điều trị cho 1.224 người. Trong 7 cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone xã hội hóa có 3 cơ sở chuyên điều trị Methadone, 4 cơ sở điều trị Methadone đặt trong cơ sở cai nghiện tự nguyện. Hiện còn 11 cơ sở cai nghiện tự nguyện có chức năng điều trị Methadone đã được UBND các tỉnh, thành phố thành lập, song chưa tiếp nhận người cai nghiện, vì đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và biên chế theo quy định.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực