Nỗ lực phòng chống sốt rét, lao và các bệnh khác

Thứ sáu, 18/03/2016 16:59
(ĐCSVN) - Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc giảm tử vong do sốt rét thông qua việc củng cố chương trình phòng chống sốt rét.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: vietnamplus.vn)

Từ năm 2000, số ca mắc và tử vong do sốt rét đã giảm khoảng 90%. Năm 2014, cả nước chỉ có 6 ca tử vong do sốt rét, tương đương với tỷ số tử vong là 0,016/100.000 và tỷ lệ mắc là 0,35/100.000. Các chỉ số sốt rét cả nước năm 2015 so với cùng kỳ 2014 đều giảm mạnh: bệnh nhân sốt rét giảm gần 40%; sốt rét ác tính giảm hơn 56% và số ca tử vong do sốt rét giảm 50%. Đặc biệt là các chỉ số tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong năm ngoái giảm gần 50% so với năm 2014. Tuy nhiên, sốt rét vẫn phổ biến ở các khu vực đông dân cư, tỷ lệ nghèo cao, hoặc ở vùng núi, vùng sâu vùng xa nơi người dân tộc thiểu số vẫn duy trì thói quen di cư hoặc ngủ ngoài trời. Ký sinh trùng sốt rét có khả năng kháng thuốc đã tăng đáng kể và có nguy cơ lan ra các khu vực khác.

Việt Nam là một trong những nước gặp trở ngại lớn nhất trong việc chống lại bệnh lao, với 100.000 ca nhiễm mới mỗi năm. Trong giai đoạn 1990-2013, kết quả ước tính cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đã giảm 4,6%, tỷ lệ nhiễm mới giảm 2,6% và tỷ lệ tử vong giảm 4,4% mỗi năm. Tỷ lệ ca nhiễm mới bệnh lao đã giảm từ 375/100.000 (2000) xuống còn 209/100.000 (2014). Với hơn 50 năm thực hiện, việc phòng chống lao đã lần đầu được tuyên bố là Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 với tầm nhìn 2030. Việc kiểm soát bệnh lao đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như sự xuất hiện ngày càng nhiều của vi trùng lao kháng đa thuốc và đồng nhiễm lao - HIV.

Theo Báo cáo tiến độ - Hội nghị lần thứ 9 của nhóm tư vấn kỹ thuật và Chương trình Chống lao Quốc gia về phòng chống lao tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đã kiểm soát thành công sự lây lan của nhiều bệnh lây nhiễm mới như tiêu chảy cấp (không có ca mắc mới nào trong năm 2014), thương hàn (không có ca tử vong trong năm 2014, tỷ lệ nhiễm mới giảm 49,3% so với năm 2013), chân tay miệng (8 ca tử vong trong năm 2014, tỷ lệ nhiễm mới giảm 61,9%)... Tuy nhiên sự diễn tiến và xuất hiện với xu hướng ngày càng phức tạp của những dịch bệnh mới như MERS-CoV, Ebola, cúm gia cầm chủng H7N9 và H5N6... hiện là thách thức đối với khả năng của Việt Nam trong việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Trở ngại lớn nhất trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS cũng như là các bệnh phổ biến khác là sự bền vững về mặt tài chính của các chương trình. Tài trợ quốc tế cho việc phòng chống và kiểm soát HIV/AIDS đang giảm trong những năm gần đây. Trong khi Việt Nam vẫn còn khá phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế trong việc phòng và kiểm soát HIV/AIDS (94% những người điều trị ARV được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ quốc tế), nhiều nhà tài trợ đã dừng tài trợ cho chương trình AIDS của Việt Nam, như DFID và Ngân hàng Thế giới vào năm 2013. Chương trình phòng chống lao và sốt rét cũng bị giảm hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.

Với sự cắt giảm đáng kể của các nguồn lực quốc tế, việc huy động tối đa các nguồn lực trong nước là yêu cầu hết sức cấp bách để đảm bảo những thành tựu được duy trì và nâng cao. Trong giai đoạn 2014-2020, các nguồn lực trong nước huy động từ Nhà nước, bảo hiểm y tế, các doanh nghiệp và chi trả của người sử dụng dịch vụ dự kiến chỉ đáp ứng được 45,7% của tổng nhu cầu vốn để chống lại HIV/AIDS.

Các hạn chế vốn có của hệ thống y tế cũng tạo nên nhiều khó khăn lâu dài. Những chương trình trọng yếu như ART và MMT chưa được lồng ghép hoàn toàn vào hệ thống y tế tạo ra khó khăn trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế. Các dịch bệnh cũng trở nên phức tạp và khó quản lý ở nhiều khu vực, như vùng xa, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số nơi người dân còn có ít kiến thức và dịch vụ còn hạn chế cùng với những vấn đề bất cập khác như thiếu nhân lực, dụng cụ y tế, máy móc và phòng khám.

Đ.H
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực