Ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam: Những vấn đề bất cập và giải pháp phát triển

Thứ bảy, 09/09/2017 09:01
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập toàn cầu và sự đi lên của kinh tế đất nước, ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Việt Nam phát triển bùng nổ và có những bước tiến đáng kể.

Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện nay đang xuất hiện khá nhiều vấn đề bất cập giải pháp nào để phát triển ngành này đồng thời đảm bảo được lợi ích của người dân là vấn đề được đặt ra.

Ảnh minh họa. (Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Nếu như những năm 1990 chỉ có các cơ sở y tế tư nhân mới có dịch vụ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và số cơ sở có giấy phép hành nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hiện nay, số cơ sở y tế được cấp phép phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ lên tới con số hàng trăm và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các cơ sở phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ ngày càng áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới, trình độ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Mặc dù được kỳ vọng và trên thực tế đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều vấn đề bất cập. Do những quy định, chế tài cũng như công tác quản lý chưa đồng bộ, sự phối kết hợp giữa các cơ quan ban ngành còn thiếu nhịp nhàng đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động chui, hoạt động vượt quá phạm vi được cấp phép, quảng cáo quá chuyên môn của mình... gây ra nhiều sự cố và hệ lụy cho khách hàng.

Thực trạng của ngành Phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam

Thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xảy nhiều vụ việc liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ, điển hình là vụ Cát Tường. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là chế tài xử phạt lỏng lẻo, chưa đủ tính răn đe. Đánh giá về vấn đề này, tại buổi Giao lưu trực tuyến “Ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam: Những vấn đề bất cập và giải pháp phát triển” do  Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Vận động thành lập Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam tổ chức ngày 8/9, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Nhu cầu thẩm mỹ là nhu cầu thực tế đi theo sự phát triển xã hội và là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các trung tâm dạy nghề (liên quan đến Bộ LĐTBXH) chưa được cấp phép lại dậy về cắt mí, cắt môi, nâng mũi… Bà Trang thẳng thắn: “Trong ngành nghề của chúng tôi, mọi người không biết phải phát triển theo hướng nào, cứ thấy kiếm được tiền là đưa nhau đi học, rồi ra làm nghề. Hội cũng đã có nhiều chương trình hội thảo về vấn đề này, và cũng mong muốn được tổ chức các hội nghị quy tụ các cơ quan ban hành để có được những quy định hướng dẫn cũng như xử phạt. Hội cũng mong muốn các cơ quan ban ngành nghiêm túc trong thanh kiểm tra, xử phạt”.

Một trong những nguyên nhân chính hiện nay dẫn đến thị trường phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra thiếu lành mạnh chính là việc được cấp phép một đằng, quảng cáo và làm một nẻo, trang thiết bị, đội ngũ y bác sỹ thiếu thốn không đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là tình trạng làm vượt quá lĩnh vực được cấp phép. Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Việc khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ khác với các chuyên khoa khác bởi đối tượng không phải là bệnh nhân đến khám và điểu trị bệnh mà đối tượng khách hàng là người bình thường không có bệnh.

Trong quá trình quản lý những năm gần đây, việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động càng ngày càng tăng cao. Đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép cho 65 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 7 BV có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, hiện nay có 1 lượng lớn spa, thẩm mỹ viện không có bác sĩ cũng tiến hành kĩ thuật phẫu thuật thẩm mỹ. Tất cả các spa và thẩm mỹ này đều hoạt động trái pháp luật.

Đặc biệt, có tình trạng hồ sơ cấp phép chỉ được làm 1 số danh mục kĩ thuật nhất định nhưng khi thực hiện lại quá phạm vi cho phép. 1 số cơ sở khi quảng cáo thì nội dung khác với nội dung được duyệt. Cơ sở được cấp phép cũng quy định về số lượng người hành nghề nhưng thực tế số lượng bác sĩ và điều dưỡng viên tăng lên nhiều. Điều này gây không an toàn cho khách hàng. Sở Y tế Hà Nội rất mong muốn thị trường phẫu thuật thẩm mỹ được minh bạch, trong sáng, an toàn, các bác sĩ giỏi được công nhận, người dân biết được các cơ sỏ không đủ điều kiện hoạt đông để không sử dụng dịch vụ. Thời gian tới, Sở Y tế cần chỉ đạo quyết liệt để mục đích cuối là tạo an toàn cho ng sử dụng tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong khuôn khổ tọa đàm, bà Phan Thị Hải - Phó Trưởng Phòng Quản lý hành nghề khám chữa bệnh (Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế) cũng nêu rõ: Điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động đối với phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đã được quy định cụ thể trong Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/112011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ở góc độ quản lý, tôi cho rằng Thông tư 41 đã phân cấp các bệnh viện, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, yêu cầu các đơn vị phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực. Chúng tôi cũng cho phép các đơn vị này được thực hiện theo Thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thực tế, khi thẩm định, các cơ sở này đều đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định, thế nhưng trong quá trình hoạt động, thường có nhiều biến động về nhân sự. Với lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng trong khi số các cơ sở y tế quá lớn, mặc dù đã cố gắng, nhưng lực lượng thanh kiểm tra vẫn chưa thực hiện thanh kiểm tra và báo cáo thường xuyên, dẫn đến việc, một số cơ sở đã làm vượt quá chuyên môn cho phép, gây ra tai biến cho người bệnh.

Giải pháp khắc phục giúp ngành phẫu thuật tạo hình Việt Nam phát triển

Nếu phát triển đúng hướng, ngành phẫu thuật thẩm mỹ sẽ có những đóng góp không nhỏ đối với nền kinh tế đất nước. Vấn đề là phải tìm ra những nguyên nhân để thị trường phẫu thuật thẩm mỹ phát triển thiếu lành mạnh, đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp và kịp thời giúp các cơ sở hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ phát triển ổn định.

Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS Lê Hành - Chủ tịch Hiệp Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM - Trưởng ban Vận động thành lập Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho rằng: Đầu tiên, phải tăng cường đào tạo, đào tạo chính xác, cấp chứng chỉ hành nghề trên cơ sở người đã được đào tạo. Thứ hai, phải tăng cường truyền thông, giáo dục, sức khỏe về thẩm mỹ cho đại chúng. Thứ ba, khi làm việc trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, các cơ sở phải chú ý đến cơ sở, hạ tầng, trang trí. Thực tế, so với các cơ sở trên thế giới, ví dụ Hàn Quốc thì trang trí, cơ sở vật chất của Việt Nam không thua, thậm chí còn đẹp hơn Hàn Quốc. Thứ tư, lực lượng của cơ quan chức năng kiểm tra giám sát các hoạt động dựa vào các giấy phép được cấp để quản lý. Ngoài ra, cần thanh kiểm tra thêm các cơ sở của khách sạn, hay các cơ sở nước ngoài tại Việt Nam. Tại TP HCM, lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng, không thể quản lý hết được các cơ sở.

Trong lĩnh vực quản lý của mình, bà Trần Thị Nhị Hà cũng thẳng thắn: Đối với Sở Y tế Hà Nội, giải pháp đưa ra quản lý ngành phẫu thuật thẩm mỹ là được ưu tiên. Trong thời gian tới, những giải pháp này càng ngày càng phải quyết liệt hơn. “Chúng tôi đồng ý là phải truyền thông và phải tích cực, qua đó giúp người dân hiểu được vấn đề. Người dân thường có tư tưởng “sính ngoại” thích những bác sĩ nước ngoài thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, chưa chắc những bác sĩ này đã được cấp phép hành nghề. Do đó, tôi rất mong báo chí sẽ hỗ trợ tích cực truyền thông cho việc này. Chúng tôi cũng mong muốn các Hội cùng tham gia truyền thông tới các hội viên của mình để hiểu những vấn đề về chính sách, quy định. Ở những cơ sở spa thì phải có bác sĩ hành nghề mới được thực hiện các hoạt động tiêm, gây tê…Ngoài ra, chúng tôi tích cực truyền thông cho người hành nghề. Chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền cho các cơ sở cấp quận, huyện để thực hiện. Đối với những người cố tình vi phạm thì ngoài phạt tiền thì sẽ bị thu hồi, tước giấy phép hành nghề mới có tác dụng răn đe. Chúng tôi sẽ thực hiện và làm công khai, minh bạch, công bằng trong kiểm tra, giám sát và xử phạt”.

Cũng theo bà Trần Thị Trang, về quy định pháp luật thời gian tới cần hướng dẫn rõ thêm. Bộ Y tế sẽ ban hành bổ sung các văn bản quy định rõ về các văn bằng chứng chỉ, cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo,… để đảm bảo học đi đôi với hành và xuyên suốt quá trình từ học đến hành như thế nào. Về phạm vi chuyên môn thì học chuyên ngành gì và đi thực hành phạm vi nào. Học ngành gì thì được thực hành phẫu thuật gì. Về tổ chức thực hiện sẽ có những giao thoa, nên cần có sự phối hợp Sở Y tế và Sở Công Thương phát hiện vấn đề, hướng dẫn và xử lý vấn đề một cách nhanh và chặt chẽ nhất. Quá trình tổ chức triển khai có quy định mới phải phổ biến các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chứ không chỉ dừng lại ở Sở Y tế để tuyên truyền, phổ biến cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý nhanh chóng hơn. Về kiểm tra giám sát, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức hội nghề nghiệp và cơ quan truyền thông kiểm tra liên ngành, đột xuất, giám sát và xử lý các vấn đề kịp thời. Tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng pháp luật của người dân nhất là những người làm dịch vụ thẩm mỹ tìm hiểu quy định pháp luật và thực hiện đúng.

Riêng về phía các cơ sở thẩm mỹ, doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này, bác sĩ Trần Bảo Khánh - Giám đốc Trung tâm tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Hà Thành (Kan Clinic) cho rằng: Nên tăng cường mở các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu về mắt, mũi, bụng…. Các bác sĩ đã có chứng chỉ, khi cảm thấy chưa đạt yêu cầu vẫn tiếp tục có thể đào tạo lại, đào tạo tiếp. Sau 3 năm hoặc 5 năm có thể xét lại chứng chỉ hành nghề. Phải làm chặt chẽ như vậy để cơ sở hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ phát triển một cách lành mạnh.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực