Người cao tuổi và bệnh không lây nhiễm

Thứ ba, 26/07/2016 14:29
(ĐCSVN) - Số năm sống khoẻ của người cao tuổi Việt Nam đã tăng trong một số năm gần đây. Nhưng, cùng với tuổi tác, hiện tượng hạn chế chức năng cũng tăng theo.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: hoinguoicaotuoi.vn)

Tại Việt Nam, tỉ lệ người cao tuổi bị mắc ít nhất một khuyết tật gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày tăng từ 28% trong nhóm 60 - 69 tuổi lên trên 50% đối với nhóm từ 80 tuổi trở lên, trong đó tỉ lệ phụ nữ cao hơn. Trong số những người cần trợ giúp trong cuộc sống hàng ngày, trên 25% không nhận được sự trợ giúp cần có, và tỉ lệ người không được trợ giúp là nữ và người sống tại địa bàn thành thị cao hơn hẳn.

Tuy già hoá không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng cũng là yếu tố quan trọng đóng góp vào hiện tượng gia tăng các bệnh không lây nhiễm (NCD) trong thời gian gần đây tại Việt Nam. Bệnh NCD là yếu tố quan trọng làm gia tăng gánh nặng y tế. Già hoá là nhân tố đóng góp lớn vào xu thế này đó tỉ lệ lưu hành các bệnh NCD trong nhóm người cao tuổi cao hơn hẳn so với mức chung, và thường là nhiều bệnh mãn tính cùng đồng thời tồn tại. NCD đòi hỏi cách tiếp cận y tế hoàn toàn khác so với các bệnh truyền nhiễm và bệnh cấp tính là những bệnh đặc trưng tại Việt Nam trước đây. Khoảng 80% bệnh nhân NCD chỉ đòi hỏi mức độ chăm sóc thấp dựa trên một hệ thống chăm sóc ban đầu tốt. Chỉ có 5% bệnh nhân NCD đòi hỏi chăm sóc phức tạp thực hiện bởi chuyên gia hoặc điều trị tại bệnh víện.

Diện bảo hiểm y tế đã tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng chi phí y tế vẫn là áp lực tài chính lớn đối với người cao tuổi. Năm 2012, khoảng 30% hộ gia đình với độ tuổi trung bình từ 50 trở lên đã phải chi những khoản lớn về y tế, chiếm 25% tổng số chi thực phẩm trở lên. Trong nhóm những người rất cao tuổi (hộ gia đình với tuổi trung bình từ 80 trở lên), tỉ lệ phải chi những khoản lớn là 40%, và riêng tại khu vực đô thị tỉ lệ đó là trên 50%.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới trong hướng đổi mới chính sách y tế nhằm đối phó với hiện tượng già hoá nhanh chóng và các bệnh NCD. Điểm đáng chú ý, Chính phủ Việt Nam đã chọn già hoá làm chủ đề chính trong Báo cáo Đánh giá Y tế hỗn hợp hàng năm. Hy vọng qua đó sẽ tăng cường sự hiểu biết về tác động của hiện tượng già hoá lên hệ thống y tế và các cách quản lý hiện tượng này một cách hiệu quả. Trong tương lai cần tập trung vào các lĩnh vực sau: Trước hết, hệ thống cung ứng dịch vụ phải chuyển trọng tâm từ bệnh víện sang mô hình tập trung vào chăm sóc ban đầu với chất lượng cao, trong đó các cơ sở cung cấp dịch vụ tuyến dưới là trung tâm trong một hệ thống đồng bộ. Người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi sẽ được quản lý tại cấp cơ sở là cấp thích hợp nhất và đỡ tốn kém nhất. Muốn vậy cần thực hiện một loạt biện pháp dài hạn mà chỉ sau một thế hệ nữa mới phát huy đầy đủ tác dụng nhưng cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Cần đổi mới chính sách và chương trình phát trịển nhân sự, phân bổ nguồn lực, kể cả cơ chế chi trả nhà cung cấp, phương thức chuyển víện, và phối hợp chăm sóc. Cần thực hiện các chương trình đào tạo đại học và sau đại học mới, và đào tạo lại cán bộ. Đây là những biện pháp đổi mới khó khăn và chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến, nhưng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác trong khu vực, ví dụ tại Thái Lan để thực hiện thành công.

Đổi mới công tác mua sắm thuốc và thói quen kê đơn sẽ giúp kiểm soát chi phí, thúc đẩy điều trị hợp lý - một đòi hỏi ngày càng cấp thiết hơn trong quá trình già hoá. Nếu tập trung hoá mua sắm ở cấp cao hơn sẽ có cơ hội được chiết khấu do mua số lượng lớn trong các đợt đấu thầu. Ngoài ra, theo kinh nghiệm thế giới cũng có thể áp dụng một số cách làm, ví dụ đấu thầu cung cấp toàn bộ, theo đó bên thắng thầu sẽ là nhà cung cấp duy nhất, trong một thời hạn nhất định, giá thuốc điều trị tham khảo, tức là định giá tương đối so với thuốc cơ bản trong cùng loại thuốc điều trị, hoặc áp dụng quy trình chặt chẽ hơn đối với việc kê đơn trong y tế. Các nước như Thái Lan, Sri Lanka và Hàn Quốc đều có kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này.

Phấn đấu giảm rủi ro mắc bệnh NCD ngày càng trở nên quan trọng. Các biện pháp cần xem xét gồm: tăng mạnh thuế thuốc lá hiện đang quá thấp nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư phổi và các bệnh khác. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm tốt từ Phí-lip-pin và Tonga. Ngoài ra cũng nên xem xét tăng thuế đánh vào rượu và các loại thực phẩm không lành mạnh; khuyến khích vận động thể chất và nâng cao chất lượng bữa ăn nhằm tăng cường sức khoẻ và kiểm soát bệnh béo phì; tăng cường tầm soát và quản lý bệnh cao huyết áp, và chẩn đoán và chữa trị sớm bệnh ung thư; chú ý đến vấn đề định dưỡng trẻ em vấn đề đã được chứng minh là có ảnh hưởng mạnh lên sức khoẻ khi trưởng thành; và tập trung hơn vào ý thức tự chăm lo sức khoẻ và tuân thủ quy tắc y tế về quản lý bệnh NCD.

Hệ thống y tế và cộng đồng cần được chuẩn bị sẵn sàng để quản lý tốt sự gia tăng các bệnh tuổi già, ví dụ bệnh mất trí, theo cách tiết kiệm, nhân đạo và phù hợp với nguồn nhân lực sẵn có. Bước đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về quy mô vấn đề và xúc tiến đào tạo cơ quan cung cấp dịch vụ và các hộ gia đình. Thứ hai, cần đánh giá ưu tiên điều trị các bệnh tuổi già, chi phí liên quan và khả năng chi trả. Do hệ thống bảo hiểm y tế còn nhiều hạn chế về tài chính nên sẽ phải đưa ra những Lựa chọn khó khăn về cái được cái mất trong mỗi phương án. Trong quá trình đó cần chú ý đến chăm sóc dựa trên cộng đồng vì đây là phương pháp ít tốn kém và đáp ứng đúng nhu cầu của người cao tuổi.

Hiện nay nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đang tăng mạnh và cũng chưa theo kịp cầu nhưng Việt Nam vẫn chưa có chính sách cụ thể về chăm sốc tuổi già và chăm sóc dài hạn. Vợ, chồng và gia đình vẫn sẽ là nguồn hỗ trợ chính đối với người già yếu, nhưng hình thức chăm sóc phi chính thức như thế này sẽ ngày càng bị hạn chế. Trong tình trạng như vậy thì các chính sách vẫn chưa được xây dựng. Hiện nay cần có một chiến lược vạch ra vai trò của Nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ ngoài Nhà nước, cộng đồng, hộ gia đình, và đi kèm với nó là một chiến lược đảm bảo bền vững tài chính.

Nguồn kinh phí cho công tác chăm sóc người cao tuổi chắc chắn sẽ rất da dạng, và thông thường bao gồm các nguồn ngoài Nhà nước. Trong lĩnh vực này cần có chính sách rõ ràng nhằm tránh tình trạng dựa quá nhiều vào các cơ sở chính thức. Hình thức đó thường đắt đỏ và không được người cao tuổi ưa chuông. Trong quá trình xây dựng chiến lược phải đưa ra được các đối tượng nào sẽ được ưu tiên nhận trợ giá từ Nhà nước. Tất nhiên người nghèo cao tuổi sẽ là đối tượng ưu tiên, nhưng cũng cần chú ý xét ưu tiên dựa trên tiêu chí thương tật.

Cũng như tại các nước xung quanh, Việt Nam nên theo cách tiếp cận “già tại chỗ”, tức là cố gắng cung cấp dịch vụ tại nhà hoặc tại cộng đồng ở mức tối đa để vừa đạt mục tiêu bền vững và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Một ví dụ là Trung Quốc đề ra mục tiêu cung cấp 90% dịch vụ tại nhà, 7% tại cộng đồng, 2% tại cơ sở y tế. Để thực hiện cung cấp dịch vụ tại cộng đồng và gia đình, Hội người cao tuổi là cơ sở rất giá trị. Ngoài ra còn có các ví dụ khác như sáng kiến “Bạn giúp bạn” tại Thái Lan, theo đó các nhóm người cao tuổi nhận được nguồn kinh phí công để huấn luyện nhân viên tình nguyện chăm sóc người cao tuổi đau yếu, và những người tình nguyện đó cũng là những “người cao tuổi còn trẻ”. Trung Quốc cũng thực hiện nhiều dự án thí diểm và các sáng kiến cấp địa phương ví dụ sáng kiến “ngân hàng thời gian” - người cao tuổi ít tuổi hơn chăm sóc người cao tuổi nhiều tuổi, sau đó thời gian chăm sóc của họ được tích luỹ vào “ngân hàng” để sau này khi trở về già họ lại nhận được chăm sóc từ người khác.

 

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực