Tăng cường xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc thẩm quyền quản lý Bộ Y tế

Thứ ba, 23/10/2018 14:27
(ĐCSVN) - Về trình tự thu hồi tự nguyện, trong thời gian tối đa 24h, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh về sản phẩm không đảm bảo an toàn, nếu xác định sản phẩm thuộc trường hợp phải thu hồi, chủ sản phẩm có trách nhiệm thông báo bằng điện thoại, email hoặc các hình thức thông báo phù hợp khác,…

Đó là một trong những quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BYT vừa ban hành của Bộ Y tế về việc quyết định thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: PH

Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư quy định chi tiết hình thức, trình tự, trách nhiệm thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (gọi tắt là sản phẩm) không đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Thông tư nêu rõ về trình tự thu hồi tự nguyện, trong thời gian tối đa 24h, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh về sản phẩm không đảm bảo an toàn nếu xác định sản phẩm thuộc trường hợp phải thu hồi, chủ sản phẩm có trách nhiệm thông báo bằng điện thoại, email hoặc các hình thức thông báo phù hợp khác, sau đó thông báo bằng văn bản tới toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh để dừng việc sản xuất, kinh doanh và thực hiện thu hồi sản phẩm.

Bên cạnh đó, thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trường hợp việc thu hồi được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên phải thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp trung ương để thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm thu hồi.

Về trình tự thu hồi bắt buộc, trong thời gian tối đa 24h, kể từ thời điểm xác định sản phẩm thuộc trường hợp phải thu hồi bắt buộc, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi (quy định tại Khoản 2, Điều 3 theo Thông tư này) phải ban hành quyết định thu hồi theo mẫu quy định tại phụ lục 2 ban hành theo Thông tư này.

Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi ban hành quyết định thu hồi sản phẩm có trách nhiệm giám sát việc thu hồi và thông báo tới cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm, các cơ quan có liên quan để phối hợp.

Đặc biệt, về trình tự thu hồi trong trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp khi chủ sản phẩm không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ việc thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn theo quyết định thu hồi bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền hoặc các trường hợp cấp thiết khác quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều 55 Luật An toàn thực phẩm thì cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi và tổ chức việc thu hồi sản phẩm. Quyết định cưỡng chế thu hồi phải nêu rõ cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện việc cưỡng chế, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giám sát hoặc chứng kiến, thời hạn cưỡng chế và hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2018.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có trách nhiệm tổ chức triển khai Thông tư này trong phạm vi toàn quốc. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng y tế ngành, cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành các quy định tại Thông tư này./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực