"Ca dao Vùng mỏ là "mỏ đá quý" mà hiện vẫn chưa khai thác được nhiều…"

Thứ hai, 14/12/2015 15:26
(ĐCSVN)- Ông Lê Văn Lạo là lương y hành nghề bốc thuốc; thế nhưng lại rất say mê sưu tầm văn học dân gian. Ông đã có một số công trình về văn học dân gian được xuất bản. Mới đây nhất, ông đã đăng ký thực hiện một công trình tìm hiểu về công nhân mỏ qua Ca dao Vùng mỏ. Hiện nay, công trình này đang được Hội VHNT Quảng Ninh thẩm định, góp ý bổ sung trước khi công bố xuất bản...

Ông Lê Văn Lạo

.- Thưa ông, có người nói, việc ông dự định đặt tên công trình của mình là “Tìm hiểu cuộc chuyển mình vĩ đại lịch sử của công nhân mỏ - công nhân Việt Nam qua Ca dao Vùng mỏ” nghe có vẻ hơi… “to tát”? Ông nghĩ sao?

+ Giai cấp công nhân mỏ tự thân vượt lên, làm nên lịch sử bằng cuộc  đấu tranh không mệt mỏi. Đây là sự chuyển ý thức hệ từ người nông dân ở quê ra Vùng mỏ bị cai ký dồn vào chân tường tự thân đứng lên. Bởi vậy, tôi xếp 2 chữ “vĩ đại” đứng trước “lịch sử” để nhấn mạnh. Có người cho rằng cái tên như thế hơi dài dòng, hơi đao to búa lớn. Tôi cũng đang xem xét một đề nghị rằng nên đặt tên là “Vị thế và tầm ảnh hưởng của Ca dao Vùng mỏ”…

- Vậy xuất phát từ đâu mà ông lại cất công sưu tầm Ca dao Vùng mỏ?

+ Tôi sinh ra ở Đông Triều, cách mỏ Mạo Khê không xa. Từ tấm bé tôi đã thấy người dân quê tôi cứ mở miệng ra là đọc ca dao, nói thành vần vè. Họ lại còn vận vào từng hoàn hoàn cảnh rất hợp lẽ, rất thấm thía. Sau này ra Hòn Gai lập nghiệp, tôi cũng được nghe nhiều ca dao, dân ca. Như anh đã biết, ca dao sinh ra từ quá trình làm ăn lam lũ. Ca dao tích luỹ kinh nghiệm sống và vốn tri thức của những người bình dân tuy ít học nhưng lại có những trải nghiệm sâu sắc về đời sống. Tôi may mắn sinh ra ở vùng có vốn văn học dân gian nên đã chú tâm học từ ca dao. Từ lúc học cấp 2, tôi đã bắt đầu để ý đến việc ghi chép. Tôi ghi lại từng mẩu rời rạc cần chắp nối lại. Những câu ca dao, phương ngôn, tục ngữ đã giúp tôi giải thích tên đất tên làng, địa danh văn hoá ở quê hương mình, giúp tôi có thêm vốn sống…

- Đến nay, ông đã sưu tầm được bao nhiêu câu, bao nhiêu bài ca dao ở Vùng mỏ?

+ Khoảng bảy ngàn, tám ngàn câu gì đó. Tôi cũng chưa làm thống kê cụ thể. Trước đây, tôi tập hợp lại để in cuốn sách “Phương ngôn thành ngữ, tục ngữ ca dao vùng Đông Bắc Việt Nam” (Sở Văn hoá Thông tin xuất bản 2007). Vừa qua, tôi chỉnh lý bổ sung để in thêm cuốn “Phương ngôn thành ngữ, tục ngữ ca dao vùng Đông Bắc Việt Nam” (2 tập) do NXB Khoa học xã hội ấn hành 2015. Bây giờ, nếu in đủ số lượng đã sưu tầm tôi sẽ có thêm một tập nữa đủ hoàn thiện bộ sách 3 tập. Nhưng cái đó còn chờ khi có đủ điều kiện. Tôi vẫn tiếp tục làm công việc sưu tầm của mình bởi tôi coi kho tàng ca dao Vùng mỏ là “mỏ đá quý” không vơi cạn…

- Theo ông thì tại sao vùng đất này lại có kho tàng ca dao, văn học dân gian phong phú đến vậy?

+ Điều này xuất phát từ lịch sử di dân ra khai thác than ở Vùng mỏ. Vì đến từ nhiều tỉnh khác nhau nên thành phần thợ mỏ rất đa dạng. Mỗi vùng miền mang đến Vùng mỏ những tri thức dân gian rất khác nhau ở cố hương đến. Có ca dao trung du đồng bằng Bắc bộ, ca dao vùng Trung bộ, miền núi, có ca dao của bà con ngư dân, nông dân v.v.. Khi người dân ở các vùng miền ra vùng than lập nghiệp, gặp tình huống phù hợp, họ ứng khẩu, “chế tác” lại tại chỗ những câu ca dao vốn là “bản gốc” ở cố hương mà thành ca dao Vùng mỏ. Bởi vậy tôi nghĩ, ca dao Vùng mỏ tập hợp trí tuệ của nhiều vùng quê trên đất nước ta. Ca dao Vùng mỏ là tài sản văn hoá phi vật thể đặc sắc quý giá của Vùng mỏ Quảng Ninh, là tiếng nói của người thợ phản ánh trung thực về đời sống cùng những tâm tư thời đại. Trong một thời gian ngắn, công nghiệp sản xuất than mới hình thành mà đã có kho tàng ca dao Vùng mỏ đồ sộ và có tính nghệ thuật cao như vậy tôi cho là rất đáng quý. Nếu anh để ý sẽ thấy ca dao Vùng mỏ như là sự “nối dài” của ca dao Bắc bộ, Trung bộ... Ví dụ bài ca dao “Tát nước đầu đình” cũng có một dị bản rất hay ở Vùng mỏ. Nói cách khác, ca dao Vùng mỏ gắn liền với quá trình di dân làm thợ mỏ phu phen. Từ nguồn đó, từ tố chất sẵn có đó mà ca dao Vùng mỏ lan toả, lên hương...

- Ông không phải là nhà khoa học, không phải là nhà ngôn ngữ học, vậy làm sao ông có đủ tự tin để thực hiện công trình khảo cứu này?

+ Trước hết, tôi xin khẳng định tôi không có nhiều tham vọng khi thực hiện công trình này. Và tôi không phải là người có học vấn chuyên sâu. Tôi làm chỉ vì say mê. Khả năng của tôi đến đâu tôi sẽ làm đến đó. Tôi nghĩ ca dao do người bình dân (có những người không được học hành) sáng tạo ra. Không ai khích lệ cũng không ai cấm họ. Khảo sát lại kho tàng này cũng không ai cấm một người không phải là nhà khoa học làm cả. Ở Việt Nam có những bác nông dân còn nghiên cứu máy bay, tàu ngầm mà. Ai cấm họ đâu? (cười).  Ban ngày đi sưu tầm, đêm về nghĩ rồi ghi lại, tâm niệm trăn trở đào sâu giúp tôi lý giải nhiều vấn đề của đời sống…

- Ông hy vọng gì vào cuốn sách này?

+ Tôi hy vọng, bằng các góc nhìn khách quan, các tầng ngữ nghĩa tự thân của các câu ca nói lên về những tri thức lịch sử văn hoá của một vùng đất, góp phần khẳng định vị thế của giai cấp công nhân mỏ. Tôi cũng mong cuốn sách gợi mở được những vấn đề khách quan mà ông cha ta đã đề cập trong những câu thơ dân dã. Những luận cứ đưa ra phải có cơ sở. Tự thân người ta thấy hay người ta sẽ tìm đọc. Tôi mong muốn góp phần giúp thế hệ thợ lò trẻ biết thêm một “tài nguyên quý giá” ngoài tài nguyên than, đó là vốn văn hóa truyền thống công nhân mỏ nói chung, ca dao dân ca nói riêng. Từ đó thêm tự hào về truyền thống, biết trân trọng và giữ gìn truyền thống ấy trong đời sống hôm nay. Ca dao Vùng mỏ cũng giúp tu tỉnh nhân tâm, giữ gìn cốt cách của con người. Bởi hồn vía cha ông ở đó, xương máu mồ hôi nước mắt ở đó cả. Ca dao rút từ tuỷ xương ông cha mà ra. Cái đó là rất đáng quý rất cần gìn giữ…

- Có một điều dễ nhận thấy khi đọc ca dao Vùng mỏ, đó là trong đó có rất ít bài đề cập đến nội dung đạo lý như trong ca dao, dân ca các vùng miền khác. Ông có nghĩ vậy không?

+ Đúng là ca dao Vùng mỏ ít nói đến đạo lý làm người hơn ca dao ở các vùng khác. Điều đó theo tôi nó xuất phát từ hoàn cảnh thực tế. Người thợ ra làm than, đời sống ngặt nghèo o bế… Người ta nghĩ nhiều, đề cập nhiều đến miếng cơm manh áo. Đây là chủ đề bức thiết hơn. Với 17 chương trong cuốn sách, tôi sẽ làm 17 vấn đề 17 thông điệp khác nhau. Riêng vấn đề đạo lý tôi đi sâu giải thích nguyên nhân tại sao nó mờ nhạt, nó có những biểu hiện gián tiếp qua những nội dung cụ thể nào…

- Xin hỏi thêm ông một câu cuối. Ông vốn làm nghề thuốc Đông y. Vậy niềm đam mê ca dao dân ca của ông có “dính dáng” gì đến nghề thuốc không nhỉ?

+ Tôi làm nghề thuốc để mưu sinh. Còn sưu tầm ca dao chỉ vì niềm đam mê từ nhỏ. Thôi thì làm đến đâu thì hay đến đấy, tuỳ sức của mình. Nhưng tôi ngẫm thấy công việc của người làm thuốc Đông y cũng có nét gì đó hơi giống công việc sưu tầm, tìm hiểu ca dao, dân ca. Tôi nói thật đấy, làm thuốc, tôi miệt mài ghi chép đơn thuốc, những phương pháp, kinh nghiệm dân gian, đào sâu nghề nghiệp để có lá bài biết rõ cơ thể bệnh nhân. Nó giống như đọc một câu ca dao nghe một câu ca dao muốn đào sâu hiểu cái hồn cốt trong đó...

- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo (Huỳnh Đăng báo QN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực