ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận tại hội trường

Thứ ba, 21/11/2017 11:20
(ĐCSVN)- Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Đại biểu Lê Minh Chuẩn tham gia thảo luận về dự án Luật đo đạc và bản đồ
(Ảnh :Báo Quảng Ninh)



Đại biểu Đỗ Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu:

Thứ nhất, về sự cần thiết và trình tự thủ tục ban hành Nghị quyết: Thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất cả nước, sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực, năng động, sáng tạo, có nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự quan tâm của Nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng kinh tế cao 11,4%, các năm sau đạt cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, thu ngân sách cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước 28% trong tổng số thu của cả nước.

Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần, hệ thống hạ tầng bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và đảm bảo đời sống dân sinh. Tình trạng ách tắc giao thông, ngập lụt tại thành phố, nhu cầu đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục, nhà ở, dân cư, bảo vệ môi trường là những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho Thành phố, rất khó khăn, chưa có nguồn lực đầu tư và giải quyết những bất cập này. Trong khi ngân sách Nhà nước có khó khăn đã giảm mạnh tỷ lệ điều tiết phần thu ngân sách trên địa bàn của Thành phố, tăng nộp ngân sách nhà nước, giảm tỷ lệ để lại chi ở Thành phố chỉ còn 18,2% giai đoạn trung hạn so với 31,6% trong giai đoạn trước. Do vậy, Đại biểu thống nhất với việc rất cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh mà không làm ảnh hưởng nhiều đến ngân sách nhà nước. Thí điểm có cơ chế mới, phù hợp với Thành phố để giải quyết những vấn đề bất cập, khó khăn thực tại, đảm bảo nguồn lực, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu, tăng thu ngân sách cho Thành phố và cả nước, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết, Bộ Chính trị đã có nghị quyết và cũng đã có kết luận về việc đồng ý cho Thành phố thí điểm để thực hiện cơ chế chính sách mới, phù hợp với Thành phố để khắc phục những khó khăn và làm thí điểm để chuẩn bị ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện trong cả nước. Để đảm bảo chính sách sớm đi vào cuộc sống, sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Thành phố còn phải cùng với các Bộ liên quan báo cáo với Chính phủ, trình với Ủy ban Thường vụ quyết định, ví dụ như đối với chính sách thuế để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Do vậy, đại biểu đề nghị cần áp dụng thủ tục ban hành Nghị quyết theo hình thức rút gọn tại một kỳ họp và sẽ thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp này để cũng có đủ thời gian chuẩn bị các bước tiến hành thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, rút kinh nghiệm và thực hiện trong cả nước.

Về các cơ chế, chính sách cụ thể, đại biểu tham gia:

Thứ nhất, tại Điều 5 về thẩm quyền quản lý tài chính ngân sách nhà nước. Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đề xuất để Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ quyết định thí điểm mở rộng đối với đối tượng chịu thuế, tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, mức tăng không quá 25% so với mức thuế hoặc là thuế suất hiện hành. Theo đại biểu  rất cần thiết và phù hợp. Dự thảo trước đây đối với tất cả các sắc thuế đều tăng mức thuế, chỉ trừ thuế xuất khẩu và nhập nhẩu thì như vậy rất rộng và sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các doanh nghiệp và thu nhập của người dân. Do vậy, đại biểu đồng tình với sửa đổi của dự thảo luật lần này tại Điều 5 khoản 2.

Thứ hai: Tại khoản 11 Điều 5 quy định ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tổ chức thuộc UBND Thành phố quản lý. Để có thêm nguồn thu và có thêm một số các giải pháp khác như: Được vay lại toàn bộ phần vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, để sử dụng cho việc đầu tư các dự án đầu tư phát triển. Đại biểu thấy rằng, đây là giải pháp tháo gỡ được nhiều vướng mắc về vốn đầu tư và thống nhất với khoản 11 của Điều 5.

Tuy nhiên: Trung ương không bổ sung cho Thành phố 10.000 tỷ như dự kiến theo kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đại biểu đề nghị  nếu trong quá trình thực hiện việc thu từ cổ phần hóa và thu thoái vốn có khó khăn vì đây là nguồn thu rất khó mà dự toán ngân sách đã đặt ra nhiều năm qua, chúng ta chưa thực hiện năm nào đạt được mục tiêu. Nếu không đạt được phần thu đối với thu ngân sách từ cổ phần hóa doanh nghiệp, phải thực hiện phần vay lớn, thì đề nghị ngân sách nhà nước có thể xem xét để hỗ trợ một phần, làm sao đảm bảo được việc thực hiện đầu tư các dự án trong đó có dự án cấp bách của thành phố trong thời gian tới.

Đối với các cơ chế, chính sách khác, đại biểu thống nhất với các cơ chế, chính sách Dự thảo nghị quyết đề ra, với giải pháp đồng bộ, có thể tháo gỡ được vấn đề nguồn lực đầu tư phát triển, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cho Thành phố và cả nước.

Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật đo đạc và bản đồ (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh có đại biểu Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn thống nhất với những nội dung thẩm định của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ. Đồng thời đánh giá rất cao sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu của Ban soạn thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng dự án luật. Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, chuyên gia, các nhà khoa học về công tác đo đạc và bản đồ. Đo đạc và bản đồ là lĩnh vực khoa học kỹ thuật sử dụng các phương pháp thu nhận và xử lý thông tin nhằm xác định đặc trưng hình học và thông tin thuộc tính của các đối tượng địa lý mặt đất về lòng đất, lòng nước và khoảng không để biểu thị dưới dạng mô hình thu nhỏ bằng ký hiệu toán học. Từ hoạt động thực tiễn của mình trong công tác đo đạc và lập bản đồ, đại biểu tham gia vào dự án Luật Đo đạc và bản đồ một số nội dung sau:

Nội dung thứ nhất, sự cần thiết để ban hành Luật Đo đạc và bản đồ. Ngoài 7 vấn đề yêu cầu cần thiết phải ban hành Luật Đo đạc và bản đồ nêu tại Tờ trình của Chính phủ thì bất cập lớn nhất hiện nay trong công tác đo đạc và bản đồ của chúng ta là sự không đồng bộ và thống nhất về hệ tọa độ trong một quốc gia.

Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại 5 hệ tọa độ khác nhau: Thứ nhất hệ tọa độ địa lý; Thứ hai hệ tọa độ vuông góc phẳng; Thứ ba hệ tọa độ vuông góc UTM mà trước năm 1975 quân đội Mỹ sử dụng để phát triển mạng địa hình cho khu vực miền Nam nước ta sử dụng hệ tọa độ Elip Soit của Everest; Thứ tư là hệ tọa độ HN 72.

Năm 1972, quốc gia ban hành hệ tọa độ Hà Nội 72 và sau năm 1975 Cục Đo đạc bản đồ nhà nước đã tiếp tục phát triển hệ tọa độ này vào phía Nam. Từ năm 1959 đến 1966 chúng ta dùng lưới tọa độ nhà nước hạng 1 và hạng 2 để phủ trên miền Bắc, sau đó dùng hệ tọa độ của các nước xã hội chủ nghĩa truyền hệ tọa độ từ lưới tọa độ quốc gia của Trung Quốc về Việt Nam. Trong quá trình thực hiện HN 72 thì quá trình xây dựng lưới tọa độ nhà nước gặp rất nhiều bất cập. Đến năm 2000, Thủ tướng phê duyệt Quyết định 83 ban hành VN 2000, từ đó đến nay được áp dụng thống nhất trong toàn quốc để xây dựng hệ tọa độ lưới cấp hạng, hệ tọa độ bản đồ địa hình nền, bản đồ địa hình địa chính, bản đồ hành chính quốc gia và các loại bản đồ chuyên ngành khác. Song, việc chuyển đổi từ các hệ tọa độ khác sang VN 2000 gặp nhiều khó khăn.

Để thống nhất và đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc, bản đồ, để đảm bảo pháp lý phù hợp với trình độ khoa học phát triển công nghệ hiện nay và nhất là công nghệ 4.0 mà trước kia thì những dữ liệu, thông tin, sản phẩm đo đạc ở dạng bí mật thì nay có thể nói được chia sẻ và việc khai thác dữ liệu ở mọi lúc, mọi nơi hiện nay với độ chính xác cao thì đang rất dễ dàng. Vì những bất cập trên, đại biểu đề nghị sự cần thiết phải có Luật Đo đạc và bản đồ để quyết định sự thống nhất về hệ quy chiếu, về hệ tọa độ quốc gia rất cần thiết.

Nội dung thứ hai, về tên luật và phạm vi điều chỉnh.

Thứ nhất, về tên luật, dự án Luật xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ, đại biểu cho rằng đầy đủ và hợp lý.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật xây dựng về phạm vi điều chỉnh cơ bản đã bao trùm các nội dung, nếu bổ sung thêm những sản phẩm trong công tác đo đạc, trong phạm vi điều chỉnh sẽ phủ khắp hơn.

Thứ ba, tại Điều 51 khoản 4 điểm c về điều kiện cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, Ban soạn thảo đã giải trình. Tuy nhiên, đại biểu vẫn đề nghị xem xét bỏ thủ tục sát hạch khi cấp chứng chỉ hành nghề, vì các văn bản, chứng chỉ, trình độ chuyên môn đã được qua thi cử sát hạch mới đạt được và kinh nghiệm, thời gian thực tế cũng được xác lập trong thực tế khi chúng ta xác định để cấp chứng chỉ hành nghề.Điều 51 khoản 4 điểm b về kiến thức pháp luật có liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, bổ sung vào điểm b khoản 4 Điều 51 là đủ. Khi đó Điều 51 khoản 4 điểm b như sau: Có trình độ chuyên môn được đào tạo thời gian, kinh nghiệm tham gia công việc và kiến thức pháp luật phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Điều 51 khoản 7 về thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ là 10 năm, đại biểu đề nghị không nên quy định về thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề vì thời hạn quy định khi cần phải thực hiện khối lượng công việc, nội dung công việc cụ thể cần thiết thực hiện theo đúng tiến độ thì mới quy định. Trường hợp chứng chỉ hành nghề vừa là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do đó khi hoạt động hành nghề không nên quy định thời hạn cấp chứng chỉ. Có thể quy định sau thời gian liên tục nhất định mà không hành nghề đo đạc và bản đồ thì thu  hồi chứng chỉ và khi cần hành nghề trở lại thì lúc đấy cấp trở lại.

 

 



K.T (Theo Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực