Quảng Ninh: Linh hoạt các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế

Thứ sáu, 27/03/2020 11:13
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020. Đặc biệt, trong quý I, tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh đã đạt 7,2%; các chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,65% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp như than đá, điện, sợi tăng so với cùng kỳ năm 2019. Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt 12.442 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, thu xuất nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Thực hiện mục tiêu kép năm 2020 vừa chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt, linh hoạt điều hành các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Đáng lưu ý, tỉnh đã đề ra các giải pháp tập trung phát triển ngành công nghiệp - xây dựng, ở những ngành ít chịu tác động của dịch, nhất là công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo. Đây là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lĩnh vực dịch vụ, du lịch sụt giảm.

Tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp duy trì và phát triển kinh tế, hạn chế tác động từ dịch Covid-19 (Ảnh: congthuong.vn) 

Tại hội nghị lần thứ 49 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa 14 vừa qua (lần đầu tiên được trực tuyến tới 3 điểm cầu tại 3 phòng họp, mỗi phòng không quá 20 người theo đúng yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ), Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Việc thực hiện “mục tiêu kép” chắc chắn sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và nhiệm vụ chính trị. Từng cấp, địa phương phải chịu trách nhiệm về kịch bản, vận hành cơ chế “4 tại chỗ” và giải quyết tốt tình huống nảy sinh, tỉnh chỉ hỗ trợ khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát của địa phương.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các địa phương, sở, ngành chủ động triển khai các phương án, kịch bản, tận dụng mọi cơ hội, khơi thông các nguồn lực để phục hồi kinh tế; trong đó, từng địa phương phải có kịch bản điều hành thu, chi ngân sách, tỉnh không bù hụt thu cho các khoản chi thường xuyên; dừng tất cả các khoản chi không cần thiết như hội nghị, hội thảo, trang sắm, đi học ở nước ngoài. Trong điều kiện hiện nay, quản lý chặt chẽ hơn các nguồn thu, tập trung các nguồn thu còn dư địa lớn.

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục tập trung chủ đạo tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng; chế biến chế tạo, tạo điều kiện thuận lợi tối đa sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp của ngành than, điện, xi măng, dệt may và các lĩnh vực ít chịu tác động của dịch COVID-19; thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cũng đã lấy ý kiến về Đề án và dự thảo Nghị quyết về phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định, ngành thủy sản Quảng Ninh hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; trong đó có nguyên nhân từ việc quy hoạch chưa đồng bộ, bài bản.

Việc ban hành Nghị quyết này nhằm hiện thực hóa mục tiêu thủy sản trở thành lĩnh vực mang tính mũi nhọn thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Đây cũng là giải pháp đột phá tăng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn kết với du lịch, dịch vụ.

Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào quy hoạch, nhất là quy hoạch mặt biển, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất.

Phương châm của tỉnh Quảng Ninh là không tăng diện tích nuôi mặt nước nội địa mà chỉ tập trung vào diện tích có khả năng nuôi công nghiệp, thâm canh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giải quyết tốt vấn đề con giống cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu người nuôi; bảo tồn những giống thủy sản quý hiếm như ghẹ Trà Cổ, ngán, sá sùng…/.

Văn Đức/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực