“Biên cường, quốc thịnh” nơi biên cương Đông Bắc

Thứ sáu, 19/05/2017 11:19
(ĐCSVN) - Đứng chân ở địa bàn trọng yếu, Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 327, Quân khu 3 luôn xác định, giúp dân phát triển kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng để vừa phát triển kinh tế, vừa hỗ trợ công tác dân vận, góp phần xây dựng vùng biên giới Đông Bắc bình yên, phát triển…

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 327 giúp người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) khắc phục hậu quả mưa lũ.

Nỗ lực giúp dân xoá đói, giảm nghèo

Với 9 xã, 1 phường biên giới và 1 phường giáp biên giới thuộc 2 huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh, địa bàn quản lý của Đoàn KTQP 327 thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại không thuận tiện, dân cư phân bố không đều, còn nhiều chỗ trắng dân, tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 50%.

Trên địa bàn có 6 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa. Trình độ dân trí của người dân không đồng đều cũng với sự tồn tại của nhiều phong tục tập quán lạc hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trước tình hình đó, với phương châm “3 bám, 4 cùng”, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 327 đã luôn sát cánh cùng bà con gây dựng cơ sở vật chất, chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị.

Trong 40 năm qua, những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã tích cực tham gia có hiệu quả vào việc di giãn dân ra bám biên, giúp họ ổn định cuộc sống và an tâm làm ăn phát triển kinh tế, đời sống ngày một khấm khá hơn, trụ vững nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Nhờ thế mà đến nay, toàn tuyến biên giới Đông Bắc đã không còn điểm trắng dân, không còn “bản trắng” đảng viên. Khu vực đóng quân của đơn vị đã thực sự trở thành "phên giậu" vững chắc, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biên Đông Bắc.

Có mặt tại bản Nà Sa, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Hoàng Thiêm Hưởng, một điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Với sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 327 và nhờ biết cách làm ăn, giỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình trang trại VAC đã mang lại cho gia đình anh Hưởng nguồn thu nhập khá lớn. Dẫn mọi người đi thăm vườn cam đường sai trĩu quả, anh Hưởng cho biết: "Cây giống do Đoàn KTQP cấp, lại được tham gia tập huấn kỹ thuật và các anh bộ đội còn trực tiếp hướng dẫn cách trồng nên vườn cam của gia đình tôi phát triển tốt, ít bị sâu bệnh; năng suất ổn định”. Hàng năm, cộng các khoản thu từ vườn cam, ao cá giống, đàn trâu gần chục con, gần hai chục con lợn rừng… bình quân thu nhập của gia đình anh Hưởng cũng được khoảng gần 200 triệu đồng.

Theo Đại tá Lê Công Thảo, Chính ủy Đoàn KTQP 327, thành công lớn nhất trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị đó là đã xây dựng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng rộng rãi trong đời sống nhân dân. Điển hình như các mô hình: trồng cây na dai, măng tre Bát Độ, thanh long ruột đỏ, cây ba kích… Tính đến đầu năm 2017, Đoàn KTQP 327 đang phối hợp triển khai 16 mô hình trồng trọt và 17 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá song… tại các vùng dự án.

Điển hình là các mô hình: nuôi gà sao, chim cút (ở các xã Quảng Sơn, Quảng Đức, huyện Hải Hà); bò sinh sản, dê núi (ở huyện Bình Liêu); sò huyết, cá song (ở thành phố Móng Cái),… Qua đánh giá bước đầu, các mô hình nói trên đều đạt hiệu quả khá, giúp cho hơn 3 nghìn hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các mô hình này.

Tích cực củng cố biên cương

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KTQP 327 cũng thường xuyên coi trọng việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn vững mạnh; tổ chức, quy hoạch lại dân cư trên địa bàn; giúp dân phát triển sản xuất, từng bước tạo dựng nền kinh tế hàng hóa; đưa các dịch vụ văn hóa, y tế về thôn, bản, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên vùng biên giới của Tổ quốc.

Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, Đoàn KTQP 327 đã phối hợp với địa phương vận động di dân, giãn dân hơn 1.680 hộ, với gần 4.000 nhân khẩu; tách hộ tại chỗ hơn 560 hộ, với hơn 2.300 nhân khẩu; khôi phục 15 bản, cụm dân cư thuộc các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái. Các hộ ra định canh, định cư ở vùng giáp biên cơ bản ổn định cuộc sống, tích cực phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đồng thời, tập thể cán bộ, chiến sỹ Đoàn KTQP 327 cũng luôn tích cực phối hợp cùng địa phương thực hiện tốt công tác cứu hộ cứu nạn, phòng chống lụt bão; khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

Công tác giáo dục, y tế được Đoàn đặc biệt coi trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực sự yên tâm gắn bó với dải đất biên cương Tổ quốc.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị trong Đoàn KTQP 327 đã xây dựng được 30 trường học để bàn giao cho địa phương; mở được 8 lớp học văn hóa ở các bản giáp biên; phối hợp với các trường học vận động được gần 1.000 em nhỏ trong độ tuổi đến trường; cấp sữa uống miễn phí cho 1 lớp học mầm non của xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu và nhận đỡ đầu 8 cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bằng cách hỗ trợ kinh phí để có điều kiện đến lớp. Các y, bác sỹ trong Đoàn đã khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hơn 30 nghìn lượt người với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc điểm địa bàn bao gồm hầu hết các xã đặc biệt khó khăn về kinh tế, dân cư thưa thớt, là khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh, Đoàn KTQP 327 đã thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong tiến hành bố trí, sắp xếp, ổn định lại dân cư. Đoàn đã mở được 7 lớp giáo dục quốc phòng an ninh; tham gia huấn luyện cho các trung đội dân quân tự vệ của các xã giáp biên; phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần ổn định dân cư, ngăn chặn được tình trạng di cư tự do. Các vùng trắng trên tuyến biên giới xưa kia nay đã hình thành các cụm dân cư mới, tạo nên “phên giậu” vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc.

Đặc biệt, những năm qua, Đoàn KTQP 327 đã tích cực tham mưu giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị tại các địa bàn trọng yếu: Đã tiến hành mở 15 lớp bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng Đảng cho 165 lượt bí thư, phó bí thư và cấp ủy viên các cấp. Cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm tham mưu giúp địa phương tổ chức lựa chọn bầu 339 trưởng thôn (bản) có uy tín, xây dựng 76 cảm tình viên, kiện toàn 14 tổ chức đảng, 14 đoàn thể ở các bản giáp biên.

Những nội dung hoạt động phong phú, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 327 đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực của cả hệ thống chính trị tại các xã biên giới, tạo nền tảng phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân ngày một vững chắc./.

Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực