Chọn mô hình giúp dân giảm nghèo

Thứ năm, 26/12/2019 12:20
(ĐCSVN) - Quế Phong (Nghệ An) là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thế nhưng, những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4, Bộ CHQS tỉnh nghệ An (cơ sở Quế Phong) cuộc sống bà con đã có nhiều đổi thay, phát triển.
leftcenterrightdel
Hướng dẫn kỹ thuật trồng bắp cải cho bà con bản Cống, xã Hạnh Dịch 

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong chuyến công tác lên huyện Quế Phong lần này là bản Huội Mới 1, xã Tri Lễ. Bản Huội Mới 1 nằm giữa thung lũng bao quanh là đồi núi với 71 hộ đồng bào Mông từ Lào di cư trở về. Khi trở về tài sản, tư liệu sản xuất không có và chủ yếu canh tác bằng phương thức sản xuất lạc hậu nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng, bám riết lấy họ. Từ khi Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 4, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh nghệ An (cơ sở Quế Phong) về đứng chân trên địa bàn, ngoài việc hỗ trợ giống cây, con, triển khai các dự án phát triển kinh tế, cán bộ, nhân viên đơn vị đã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt như trồng lúa nước, chanh leo, đào Mông, nuôi lợn, gà đen…đã góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống.

Chúng tôi đến tham quan mô hình vườn, chuồng của gia đình ông Lỳ Tồng Sùa ở bản Huội Mới 1. Những ngày cuối năm này, khu vườn gia đình nhộn nhịp thương lái đến đặt, mua hàng. Theo lời ông Lỳ Tồng Sùa thì năm 2010 từ Lào di cư trở về cả 5 người trong gia đình chỉ có mấy bộ quần áo cũ cùng một ít vật dụng sinh hoạt. Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban CHQS huyện Quế phong dựng cho căn nhà, cấp đất sản xuất và hơn hai năm nay được Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ một số giống cây, con gia đình đã từng bước ổn định cuộc sống.

Thượng tá Lê Phi Tài, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 4 phụ trách cơ sở Quế Phong cho biết: “Gia đình ông Sùa là một trong những hộ được chúng tôi lựa chọn triển khai làm điểm mô hình nuôi gà đen và trồng cây chanh leo để nhân rộng ra toàn bản. Khi chúng tôi đến đặt vấn đề giúp gia đình xây dựng mô hình trồng cây chanh leo và nuôi gà đen, lợn bản địa, ông Sùa cũng chưa thật sự mặn mà. Nhưng với sự phân tích tuyên truyền của cán bộ, nhân viên đơn vị và cán bộ, nhân viên Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong nên ông Sùa đã nhất trí làm theo. Từ mô hình gia đình ông Sùa, đến nay hầu hết các hộ dân trong bản đã nuôi gà, lợn đen với số lượng lớn và trồng chanh leo. Ngoài cung cấp giống, vốn, hằng tuần chúng tôi kết hợp với cán bộ, nhân viên Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong trực tiếp đến từng hộ gia đình, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh…”.

Không chỉ bản Huội Mới 1 mà ở các bản Na Niếng, Pà Khốm, Mường Lống… từ các mô hình phát triển kinh tế của Đoàn KT-QP 4 thí điểm, đến nay đã được bà con làm theo, nhân rộng. Nhiều gia đình nhờ trồng lúa nước 2 vụ đã đảm bảo đủ lương thực và thu nhập từ bán chanh leo, nuôi bò, lợn… đã sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền.

Để hiểu hơn về “hành trình” giúp người dân vượt khó của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4, cơ sở Quế Phong, chúng tôi đến xã Hạnh Dịch, đúng vào thời điểm bà con đang làm đất chuẩn bị gieo trồng lúa vụ Đông Xuân. Cánh đồng lúa nước ở bản Cống hôm nay rộn ràng không khí xuống đồng. Đứng trên thửa ruộng của gia đình, bà Lô Thị Bính chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi và các hộ dân trong bản nghèo lắm! Cơm không đủ no, phải ăn kèm thêm củ sắn, củ khoai. Từ ngày các chú bộ đội Đoàn 4 về làm cho cái đập đưa nước về ruộng, cho con bò, giống lúa, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, gia đình tôi không phải lo thiếu đói nữa. Chúng tôi cảm ơn các chú bộ đội nhiều lắm”. Đi đến các gia đình ở bản Cống, từ những khu vực ruộng nước bỏ hoang ngày nào nay đã trở thành hệ thống ao nuôi cá, thả vịt, trồng lúa nước; trên các triền đồi ven sông những vạt cải ngồng vàng rực khiến không khí ngày xuân đang đến rất gần với bà con nơi đây.

Đồng chí Trương Minh Cương, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong tâm sự: “Cuộc sống của bà con các xã biên giới Tri Lễ, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải những năm trước đây hết sức khó khăn nên thường bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo tham gia các tệ nạn như buôn bán, sử dụng ma túy, di dịch cư tự do… Thế nhưng, từ khi có cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4 đứng chân ở các địa bàn này cuộc sống của người dân địa phương đã từng bước giảm nghèo. Từ cuộc sống tự cung tự cấp, sản xuất theo phương thức cũ, đến nay bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi hàng hóa. Bây giờ, bà con yên tâm lao động sản xuất gắn bó với bản làng, góp phần chung tay bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

Bằng những mô hình cụ thể, những đóng góp thiết thực của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP4 đã góp phần làm thay đổi diện mạo, mang về sức sống mới cho đồng bào các xã biên giới Quế Phong./.

Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực