Chung sức đồng hành cùng nông dân vùng biên

Thứ ba, 06/03/2018 13:01
(ĐCSVN) - Thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, những năm qua, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ BĐBP ở mọi miền Tổ quốc đã thực sự trở thành cầu nối, chỗ dựa vững chắc đối với hội viên nông dân trên các tuyến biên giới…
Mô hình trồng lúa nước do lực lượng BĐBP tỉnh Nghệ An và Hội Nông dân
huyện Tương Dương triển khai tại xã biên giới Tam Hợp. (Ảnh: QM)


Điểm sáng trong công tác phối hợp hỗ trợ đồng bào vùng biên

Vừa nhanh tay rửa dọn chuồng nuôi và bổ sung thức ăn cho đàn lợn chuẩn bị xuất bán, ông Màu Pà Rê ở bản Sơn Thành, xã biên giới Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa vui vẻ cho biết: “Trước Tết Nguyên đán gia đình tôi bán 3 con lợn để có tiền sắm Tết. Số lợn còn lại tôi giữ lại để phát triển nhân đàn. Có được đàn lợn và cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ cả vào bộ đội biên phòng Đồn Nậm Càn đấy nhà báo ạ”. Nhìn nụ cười hạnh phúc của ông Màu Pà Rê, ít ai nghĩ trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Nói như cách chia sẻ mộc mạc của bà con dân bản, thì cuộc sống của người dân Sơn Thành chỉ thực sự bước sang trang mới khi Đồn biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An thực hiện các mô hình giúp dân phát triển kinh tế.

Nhớ lại những ngày đầu tiên triển khai mô hình giúp dân Sơn Thành phát triển kinh tế, đồng chí Trung tá Nguyễn Tư Hóa, Chính trị viên Đồn biên phòng Nậm Càn cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP về việc “Vận động nông dân các dân tộc khu vực biên giới, ven biển, hải đảo đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc” giai đoạn 2011 - 2016, chỉ huy đơn vị đã rất trăn trở tìm mô hình giúp người dân bản Sơn Thành thoát nghèo. Qua nghiên cứu, với số kinh phí hỗ trợ của các cấp, đơn vị đã xây dựng chuồng trại, triển khai thí điểm chăn nuôi giống lợn bản địa với 9 con lợn cái, 1 con lợn đực. Sau khi lợn sinh sản, Đồn biên phòng Nậm Càn đã tiến hành cấp 03 đợt với tổng số 30 con lợn giống cho 15 hộ gia đình trên địa bàn. Sau 4 tháng nhận lợn từ Đồn Biên phòng Nậm Càn về chăn nuôi, nhiều hộ gia đình chăm sóc lợn phát triển tốt, đã có những cặp lợn nặng 30 - 40kg.

Tìm hiểu được biết, để có những cơ sở chăn nuôi bước đầu hỗ trợ con giống cho người dân trên địa bàn biên giới, Hội Nông dân và BĐBP Nghệ An đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân các huyện, xã, các đồn biên phòng triển khai khảo sát địa điểm, xây dựng chuồng trại đúng theo tiêu chuẩn của đề án, lựa chọn con giống với yêu cầu là giống bản địa, độ tuổi từ 3 - 4 tháng, trọng lượng mỗi con lợn giống đảm bảo từ trên 15kg trở lên và giao cho các đồn biên phòng triển khai chăn nuôi và cấp lợn giống cho người dân. Tính đến cuối năm 2017, tại 8 cơ sở chăn nuôi thuộc 8 đồn biên phòng trên tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An đã có hệ thống chuồng trại tốt, bảo đảm đúng quy chuẩn của  Đề án, với 191 con lợn giống. Số lợn giống này sẽ tiếp tục được trao tặng cho các hộ dân nghèo trên địa bàn biên giới để tạo điều kiện giúp cho các gia đình có sinh kế phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.

Còn ở tỉnh Điện Biên, các mô hình trồng ngô lai, đậu tương, chè, nuôi bò sinh sản do BĐBP tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai đã và đang đem lại những hiệu quả tích cực. Từ việc thực hiện các mô hình này, đã có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo, có điều kiện kinh tế để mua sắm đồ dùng đắt tiền, chăm lo việc học hành của con trẻ; có tích lũy và tái đầu tư sản xuất. Và hiện tại, mô hình nuôi bò sinh sản do Đồn Biên phòng Thanh Luông phối hợp với Hội Nông dân xã Thanh Luông vận động người dân tham gia thực hiện đã có thêm 05 bê con để chuyển giao cho các hộ nghèo trên địa bàn. Cùng với đó, mô hình trồng lúa nước do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên khảo sát, phối hợp với Hội Nông dân huyện Điện Biên vận động các hộ dân ở xã biên giới Na Ư thực hiện cũng đã khẳng định rõ hiệu quả trong việc bảo đảm an ninh lương thực, giúp ổn định đời sống của người dân địa phương.

Đây chỉ là một vài mô hình tiêu biểu trong số hàng trăm mô hình giúp dân phát triển kinh tế có hiệu quả do cán bộ, chiến sỹ BĐBP và Hội Nông dân các cấp tại các tỉnh biên giới cùng phối hợp tổ chức thực hiện. Không chỉ vậy, trên cơ sở quy chế phối hợp, lực lượng BĐBP và các cấp Hội Nông dân đã thường xuyên vận động đồng bào các dân tộc khu vực biên giới đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Xây dựng điểm sáng vùng biên”... Từ các phong trào này đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết theo chuỗi; đồng thời cũng xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến vươn lên phát triển sản xuất, làm giàu bền vững…

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

Được triển khai từ năm 2012, những năm qua, các đơn vị BĐBP trong cả nước đã phối hợp chặt chẽ cùng các cấp Hội Nông dân Việt Nam bám sát đặc điểm địa bàn khu vực giáp biên; trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân khu vực biên giới, biển đảo đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thông qua hàng loạt những hình thức vận động, tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, từng dân tộc, những chương trình, kế hoạch, mô hình giúp dân do lực lượng BĐBP và Hội Nông dân triển khai đã được hội viên nông dân đồng tình và tham gia tích cực. Trong đó, nhiều mô hình đã trở thành “điểm sáng” và được nhân rộng tại nhiều tỉnh biên giới như mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; mô hình chăn nuôi bò sinh sản và luân chuyển cho các hộ nghèo khu vực giáp biên; mô hình bản, làng vùng biên thi đua xây dựng nông thôn mới...

Với phương châm “phù hợp, thiết thực, bền vững, lâu dài”, cùng với việc quan tâm, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất kinh tế, những người lính quân hàm xanh tại nhiều tỉnh biên giới còn phối hợp mở các lớp xóa mù chữ, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết và tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hàng chục nghìn lượt đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2012 - 2017, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng và bàn giao gần 3.700 căn nhà cho người nghèo nơi biên giới; tổ chức tặng quà cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo ở các xã, thị trấn giáp biên trị giá hàng chục tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, lực lượng BĐBP và các cấp Hội Nông dân cũng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó thiết thực góp phần phát huy sức mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các xã, thị trấn biên giới. Đến hết năm 2017, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã được triển khai sâu rộng tại 44 tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển với hơn 38 nghìn hộ dân tham gia trong 1.460 Tổ tự quản đường biên, cột mốc; thành lập được gần 7.900 Tổ tự quản an ninh trật tự, đăng ký 1.438 Tổ tàu thuyền an toàn, 916 bến bãi an toàn, 54 Đội sản xuất an toàn trên biển. Hội viên nông dân cũng chủ động phối hợp cùng BĐBP tuần tra, phát quang đường tuần tra, đường thông tầm nhìn biên giới; cung cấp cho các đồn Biên phòng gần 5.800 nguồn tin có giá trị phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh với các loại tội phạm.

Theo đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP, phát huy những kết quả đã đạt được, lực lượng BĐBP sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hội Nông dân Việt Nam làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc khu vực biên giới thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ các cấp; giáo dục để hội viên, nông dân và nhân dân các dân tộc nhận rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, nâng cao tinh thần cảnh giác và tự giác tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới. Đồng thời, tăng cường nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong phát triển kinh tế qua đó giúp bà con mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống; thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng an ninh góp phần xây dựng khu vực biên giới ổn định, vững mạnh và phát triển./. 


Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực