Chung tay giúp dân xóa đói giảm nghèo

Thứ ba, 24/12/2019 18:06
(ĐCSVN) - Việc xây dựng và phát triển các mô hình quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng ở địa phương
leftcenterrightdel
 Bộ đội Biên phòng An Giang gặt lúa chạy lũ giúp dân.

Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, các huyện biên giới An Giang phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Nhiều mô hình điểm sáng như: “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Điểm sáng văn hóa biên giới”, “Thanh niên làm chủ biên giới”, “Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”, “Tổ nông dân tự quản đường biên cột mốc”...đã thu hút hàng ngàn lượt hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia. Qua đó, nhân dân đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng 4.720 tin, trong đó có 1.880 tin có giá trị, góp phần giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Liêm cho biết: “Hiện, An Giang đã thành lập 30 tổ mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc biên giới” ở 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới đang phát huy hiệu quả, huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ hướng về các xã biên giới trong công tác nắm tình hình địa bàn  biên giới. Các mô hình sánh bước cùng phụ nữ nghèo khu vực biên giới, giúp chị em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia".

Còn chị Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Nông (huyện Tịnh Biên – An Giang) chia sẻ: “Tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới xã An Nông được thành lập từ năm 2013. Đến nay, tổ có 16 thành viên, hằng tháng đều duy trì sinh hoạt đều đặn và phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tuần tra đường biên, cột mốc. Chị em trong tổ là những người đi đầu tích cực tuyên truyền, vận động người thân, hàng xóm tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

 Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy Bộ đội Biên phòng An Giang thông tin: Hưởng ứng phong trào “Bộ đội Biên phòng An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đồn Biên phòng đã thực hiện 350 công trình, phần việc, tập trung giúp dân khắc phục thiên tai, lao động sản xuất; xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội...với trên 30.500 ngày công lao động; tham gia xây dựng 186 nhà tình nghĩa, tình thương, trị giá 5,6 tỷ đồng; di dời và sửa chữa 828 căn nhà, trị giá 1,2 tỷ đồng;san lấp, sửa đường giao thông nông thôn dài 25,430km... có 4.998 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đơn vị còn phối hợp với mặt trận, chính quyền các cấp thực hiện Chương trình “Mái ấm cho người nghèo trên biên giới”, xây cất 385 căn nhà trị giá 8 tỷ đồng. Phối hợp hỗ trợ tiền quà, hiện vật cho dân nghèo biên giới đón tết hàng năm, với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng 4 công trình dân sinh (trạm xá quân dân y kết hợp trị giá gần 4 tỷ đồng, triển khai 4 dự án nước sạch trị giá 9 tỷ đồng phục vụ cho bộ đội và 1.000 hộ dân biên giới); khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới 689.696 lượt người (miễn phí 30.784 người), trị giá tiền thuốc trên 1,5 tỷ đồng".

leftcenterrightdel
 Bộ đội Biên phòng An Giang hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho nhân dân biên giới.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng An Giang đã giúp đỡ các em có đủ điều kiện đến trường học tập và rèn luyện; thực sự đã trở thành điểm tựa nâng bước các em học sinh nghèo vươn lên học giỏi. Em Neáng Ros, học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, phải ở nhờ nhà bác họ. Ba, mẹ em đi làm ăn xa, ở nhà còn lại Neáng Ros và em trai đang học lớp 1. Tuy điều kiện khó khăn, nhưng em luôn cố gắng học tập tốt, từ lớp 1 đến lớp 8 đều đạt học sinh giỏi và học sinh giỏi cấp huyện. Neáng Ros chia sẻ: “Em còn được các chú cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng tặng nhà “Mái ấm biên cương” trị giá 30 triệu đồng, tặng xe đạp trị giá 2 triệu đồng. Được các chú ở đồn Biên phòng hỗ trợ, em nguyện sẽ cố gắng chăm chỉ học tập để không phụ lòng mong mỏi của gia đình và các chú Bộ đội Biên phòng”

Theo Đại úy Vũ Văn Khu, Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ Đôi Biên phòng An Giang cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã phân công giao nhiệm vụ cho 73 đồng chí đảng viên ở các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 73/73 Chi bộ khóm (ấp) biên giới; phân công 230 đảng viên, phụ trách 1.158 hộ gia đình ở khu vực biên giới...Từ đó, góp phần cùng các huyện biên giới xây dựng thành công 32 khóm, ấp đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 đồn Biên phòng, có 42.350 hộ/49.167 hộ gia đình văn hóa. Đồng thời, triển khai, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp dân xóa đói giảm nghèo, đi đầu trong công tác thiện nguyện, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo… góp phần xây dựng địa bàn biên phòng ngày càng vững mạnh.

Có thể khẳng định, việc xây dựng và phát triển các mô hình quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng ở địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên tuyến biên giới./.

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực