Dấu ấn tình nguyện nơi biên cương ​

Thứ năm, 16/11/2017 22:34
(ĐCSVN) - Các trí thức trẻ tình nguyện đã đem đến một luồng sinh khí mới cho đồng bào nơi biên cương, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, chính trị, tinh thần, giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi...
Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 hướng dẫn bà con bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (huyện Mường Lát) kỹ thuật sản xuất nấm rơm. Ảnh: Ngọc Thăng

Chúng tôi vào thăm bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hoá). Mới đầu giờ sáng mà cái nắng đã chói chang. Thế nhưng trên con đường liên bản đã rộn ràng tiếng cười nói và rạo rực không khí lao động của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 5 cùng lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 và bà con nhân dân địa phương. Đoạn đường liên bản ngày nào nham nhở ổ trâu, ổ gà sau mấy ngày góp sức của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 5 cùng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 nay đã trở nên phong quang sạch sẽ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bản Lát là một trong những bản có tỷ lệ người nghiện ma tuý và mù chữ lớn. Các tổ chức đoàn thể ở đây hoạt động hiệu quả còn thấp, bà con ít tham gia các phong trào. Trước tình hình đó, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 đã chỉ đạo Đội sản xuất 5, cùng lực lượng trí thức trẻ tình nguyện phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, giúp đỡ bản Lát xây dựng đời sống mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là từng bước khôi phục và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức quần chúng. Bằng các việc làm như, khám cấp thuốc miễn phí, mở lớp xoá mù chữ cho bà con, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao… Đến nay, các tổ chức quần chúng như chi đoàn, chi hội phụ nữ… đã duy trì chế độ sinh hoạt đi vào nề nếp. Đại úy Mai Xuân Cường, Phụ trách lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 tâm sự: Những ngày đầu chúng tôi vào vận động, tuyên truyền bà con tham gia lớp học xoá mù chữ, thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học nhiều người rất tự ti, e ngại. Chúng tôi đã chia nhau đến từng nhà cùng làm việc giúp gia đình vừa phân tích cho bà con hiểu về tác dụng của việc học chữ, của việc thực hiện nếp sống vệ sinh. Một thời gian sau, cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động và có nhiều việc làm ý nghĩa với dân bản nên bà con mạnh dạn tham gia các hoạt động cùng lực lượng trí thức trẻ tình nguyện. Nhiều gia đình như ông Hà Văn Ngoãn còn tình nguyện mang cả xe công nông chở đất làm đường, một số gia đình còn hiến đất để nắn lại con đường cho thẳng…

Đến bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, chúng tôi được nghe câu chuyện các trí thức trẻ tình nguyện cứu cháu Hà Văn On con anh Hà Văn Xôn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Hôm đó, Tổ văn hoá 1 do trí thức trẻ Trần Thị Thuỷ dẫn đầu vào bản Đoàn Kết tuyên truyền, vận động bà con tham gia lớp học xoá mù chữ. Vào nhà anh Hà Văn Xôn, chị Thuỷ thấy có một cháu nhỏ nằm liệt trên giường, hơi thở yếu ớt. Hỏi ra mới biết, cháu bị ốm 5 ngày nay, gia đình đã nhờ thầy mo làm vía mà vẫn chưa khỏi. Thấy vậy, chị Thuỷ cùng mọi người trong tổ vận động gia đình đưa cháu lên Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 cấp cứu. Theo các y, bác sỹ Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5, do cháu bị đau bụng đi kiết dài ngày nếu để chậm một thời gian ngắn nữa sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Câu chuyện các trí thức trẻ tình nguyện và y, bác sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 cứu cháu On qua cơn nguy kịch lan nhanh khắp các bản làng xã Tén Tằn. Sau lần đó và nhờ sự tuyên truyền của các trí thức trẻ tình nguyện nên mỗi khi đau ốm bà con đều tìm đến Bệnh xá đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5. Còn ông Hà Văn Hoà ở bản Piềng Mòn khi nói chuyện với chúng tôi không ngớt lời khen ngợi và cảm ơn trí thức trẻ Lê Văn Liêm. Nghe tin con trâu nhà ông Hoà bị ốm, bỏ ăn, kỹ sư thú y, trí thức trẻ Lê Văn Liêm báo với chỉ huy đơn vị vào giúp gia đình chữa bệnh cho trâu. Sau một hồi thăm khám, bằng trình độ chuyên môn của mình, anh kết luận: Do thả rông trong mùa nắng nóng nên trâu bị cảm nắng và có triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng. Anh vừa hướng dẫn gia đình làm chuồng cho trâu và dùng thuốc liều cao điều trị sau 2 ngày trâu trở lại ăn bình thường. Không chỉ chữa khỏi bệnh cho trâu nhà ông Hoà, trí thức trẻ Lê Văn Liêm còn tuyên truyền, hướng dẫn bà con làm chuồng cho trâu bò, giúp các gia đình phòng bệnh gia súc…

Đại tá Thiều Ngọc Vi, Chính uỷ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 cho biết: “28 trí thức trẻ tình nguyện lần này đều được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp về các chuyên ngành sư phạm, nông – lâm nghiệp... Lên đây công tác, ai cũng mang trong mình một sức trẻ và mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng vùng biên cương Tổ quốc”. Với suy nghĩ đó, sau gần 1 năm cùng với cán bộ, nhân viên đơn vị, 28 trí thức trẻ tình nguyện đã để lại những dấu ấn hết sức đậm nét nơi vùng biên này. Kết quả, các trí thức trẻ tình nguyện đã mở được 8 lớp xoá mù chữ cho bà con dân bản với hơn 200 người tham gia và đến nay đã biết đọc, biết viết. Cùng với cán bộ, y, bác sĩ Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt người, tham gia giúp đỡ các xã trong vùng dự án tu sửa, tổng dọn vệ sinh hàng trăm km đường giao thông nông thôn, giúp đỡ, hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc mới hơn 60 ha rừng... Điều ấn tượng nhất không thể thống kê bằng con số, đó là các trí thức trẻ tình nguyện đã trực tiếp vận động, tuyên truyền đồng bào thực hiện nếp sống mới, xoá bỏ các phong tục lạc hậu, không nghe lời kẻ xấu, vươn lên xóa đói giảm nghèo...

Qua trao đổi với cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong vùng dự án, tất cả đều đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả mà các trí thức trẻ tình nguyện đối với địa phương. Chính các anh, các chị đã đem đến một luồng sinh khí mới cho đồng bào nơi vùng biên cương này, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, chính trị tinh thần và giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi./.

Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực