Đầu xuân đến với người lính trên mặt trận kinh tế - quốc phòng

Thứ tư, 13/02/2019 15:31
(ĐCSVN)- Nói đến các đoàn KT-QP là nói đến những địa danh Sài Khao, Tén Tằn (Thanh Hóa); Nậm Càn, Na Ngoi (Nghệ An); Cuôi, Cu Vơ (Quảng Trị); A Đớt, A Roàng (Thừa Thiên Huế)… chỉ nghe thôi đã thấy xa xôi, hiểm trở. Vậy mà, những người lính trên mặt trận ấy luôn gác lại nỗi niềm riêng tư để hàng ngày, hàng giờ có mặt ở những nơi tận cùng biên giới ấy, chung tay cùng đồng bào đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu
 


Cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 5 giúp nhân dân Khu KT-QP Mường Lát dựng lại nhà bị sập do lũ, chuẩn bị đón Tết.

Mỗi khi nhắc đến những người lính trên mặt trận Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) của LLVT Quân khu 4 ấy, những người cầm bút chúng tôi luôn trào dâng một nỗi niềm thật khó tả, một tình cảm da diết, sâu thẳm tận đáy lòng cứ dội lên thôi thúc. Và khi sắc Xuân Kỷ Hợi đang ngập tràn khắp các bản làng, tôi có dịp ngược Đường 9 lịch sử, xuyên đại ngàn Trường Sơn theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đến với những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337 thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KT – QP Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Ngồi trước mặt tôi là Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Nông lâm 52. Anh Phong quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), một trong những người đầu tiên của Đoàn 337 hành quân lên xây dựng Khu KT – QP Khe Sanh. Từ đó đến nay, với quãng thời gian 20 năm có lẻ, anh đã chứng kiến biết bao đổi thay nơi miền biên viễn này. Anh Phong tâm sự: “Trong chiến tranh, dù “đói cơm, nhạt muối”, nhưng đồng bào Vân Kiều nơi vùng đất Hướng Hóa luôn đồng cam cộng khổ, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, cùng bộ đội đánh giặc. Chiến tranh qua đi, để lại cho Hướng Hóa bom mìn, chất độc da cam đi-ô-xin, đói nghèo… Điều đó luôn thôi thúc tôi cùng đồng đội gắn bó để tri ân đất và người nơi đây”. Nói chuyện với tôi hết một buổi chiều, anh Phong chỉ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần là làm sao để đồng bào thoát nghèo. Từ nói cho dân hiểu, làm cho dân tin rồi cầm tay chỉ việc và cuối cùng là thoát nghèo bền vững là cả một chặng đường kiên trì, kỳ công và bền bỉ.

Bản Cuôi là nơi mà chỉ vài năm trước đây thôi, khi tôi đến phải đi bộ gần một ngày trời, đường như sợi chỉ nhỏ vắt vẻo trên vách đá dựng đứng. Cuộc sống bị đảo lộn khi “cơn bão” vàng sa khoáng quét qua Cuôi khiến đời sống bà con khổ cực trăm bề, nhất là khi mưa rừng, lũ tràn về… Trở lại Cuôi giờ đây, xe chúng tôi bon bon trên tuyến đường dài hơn 10 cây số do “Bộ đội 337” thi công chạy dọc theo dòng Sê Băng Hiêng, rồi thêm nữa là điện thắp sáng, công trình nước sạch, bà con đang nhộn nhịp mang cả hương vị Tết lên nương rẫy… Anh Phong nói: “Chúng tôi kiên trì bám trụ vận động để bà con không bỏ nương, bỏ rẫy, phá rừng tìm vàng sa khoáng. Mưa dầm thấm lâu, bà con tin bộ đội, thêm nhiều thửa ruộng mới được khai phá, nhiều nương rẫy được khôi phục, mọi người lại gắn bó với cây ngô, cây lúa, trồng rừng. Cuôi đã hồi sinh”. Và hôm nay, khi thóc trong nhà luôn đầy bồ, câu chuyện về những người lính 337 đưa cây lúa nước lên đỉnh Trường Sơn vẫn được bà con kể mãi. Họ luôn biết ơn anh Phong và đồng đội, biết ơn dòng Sê Băng Hiêng ngàn đời nay vẫn miệt mài vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở mang về dòng nước mát lành, để dệt nên những mùa vàng ấm no cho dân bản.

Cũng bên dòng sông Sê Băng Hiêng, tôi gặp Thiếu tá Lầu Bá Thông, Đội trưởng Đội sản xuất 3. Chàng trai người H’Mông quê ở Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An đã có vợ và hai con. Với người lính, hậu phương quan trọng biết bao, nhưng với anh Thông có thời điểm tưởng chừng hậu phương ấy không đứng vững khi cậu con trai của anh không may qua đời khi mới 2 tuổi. Cú sốc quá lớn khiến vợ anh bị trầm cảm nặng, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ đơn vị, vừa là nguồn động viên cho vợ con. Hôm nào anh cũng gọi điện về để chuyện trò với cô con gái nhỏ nay đã lên lớp 6. Vợ chồng xa nhau (anh ở Quảng Trị, chị ở Nghệ An), đứa con như một cây cầu, với bộ đội vùng biên, có những cây cầu dài hàng trăm cây số. Giọng anh trầm xuống: “Hai chị em nó quấn quýt nhau lắm, giờ thì chỉ mong sao cháu cứng cáp để mẹ nó vững lòng. Được sự quan tâm của cấp trên, vợ chồng mình đang cố gắng cho cháu nó có chị có em”. Tôi mỉm cười nhìn anh mà thấy nước mắt mình như chực trào ra, chỉ mong sao niềm vui nho nhỏ ấy bừng sáng nơi núi rừng heo hút này.

Đêm mưa rừng! Trong giấc ngủ chập chờn, hình ảnh nước mưa tuôn đổ tưởng như không ngớt xuống mảnh đất Mường Lát (Thanh Hóa) nơi thượng nguồn sông Mã những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2018 lại ập về. Vẫn là hình ảnh người lính Đoàn KT-QP 5 tốp này, tốp khác lao vào màn đêm mưa gió giúp dân… Bản Poọng, xã Tam Chung tan hoang do mưa lũ lại hiện ra như khi tôi đang tác nghiệp ở đó với hình ảnh Đại tá Lê Thế Soái, người Đoàn trưởng quần ống cao, ống thấp, gương mặt phờ phạc vì mấy đêm mất ngủ bám trụ giúp dân. Còn ông Hà Văn Lằn, người dân bản Poọng thì chỉ vào đống bùn cao gần đầu người nói: “Quá khủng khiếp! Đang đêm bỗng đâu đất đá đổ ầm ầm, người già, trẻ em khóc thét khắp bản. Chạy ra cũng không được, chạy vào núi cũng không xong. May sao, bộ đội Đoàn 5 cắt đường, băng rừng, đến đây vật lộn với lữ dữ cứu sống chúng tôi”… Tinh mơ, tôi gọi điện thoại gặp Đại tá Lê Thế Soái, anh phấn khởi thông báo: “Nhờ sự chung tay, góp sức của mọi người, Mường Lát đã hồi sinh, đồng bào nơi đây được đón một cái Tết ấm áp nghĩa tình”.

Đón nhận tin vui từ Đại tá Lê Thế Soái, niềm vui của tôi lại càng nhân lên khi được Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT - QP 92 thông tin, mùa Xuân này có thêm những con đường mới nơi thung lũng Asho (A Lưới, Thừa Thiên Huế) do Đoàn thi công vừa đưa vào sử dụng. Niềm vui lan tỏa hòa cùng ký ức về những ngày được tham gia chương trình “Bánh chưng xanh – Vì người nghèo” Xuân Kỷ Hợi do những người lính Đoàn KT-QP 4 tổ chức tại Kỳ Sơn, Nghệ An để mang một cái Tết đủ đầy hơn đến với đồng bào các dân tộc nơi miền Tây xứ Nghệ lại ùa về trong tôi… Đón Xuân Kỷ Hợi, dấu ấn những người lính trên mặt trận KT-QP nơi núi rừng biên cương Tổ quốc càng in đậm, thật gần gũi, ấm áp trong tôi./.

Bài, ảnh: Trần Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực