Điểm tựa của người nghèo nơi biên giới

Thứ sáu, 17/03/2017 16:33
Hướng đến người già yếu, gia đình neo đơn có nguy cơ rơi vào diện nghèo do mất sức lao động trên địa bàn, từ năm 2008, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Đồng Tháp thực hiện phong trào "hũ gạo tình thương". Phong trào được triển khai đầu tiên tại Đồn Biên phòng Thông Bình, huyện Tân Hồng.

Theo đó, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Bình nhận đỡ đầu 3 địa chỉ nhân đạo với 15kg gạo/tháng. Đến năm 2012, phong trào được nhân rộng ở các đồn Biên phòng tại Đồng Tháp. Theo thống kê của Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, đến nay, mỗi năm có gần 8 tấn gạo được tiết kiệm từ phong trào "Hũ gạo tình thương", qua đó giúp đỡ được gần 300 hộ nghèo trên địa bàn đóng quân.Năm 2016, các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đã quyên góp và giúp đỡ 32 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn mỗi suất 20 kg gạo và 200 ngàn đồng/ tháng, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)

Chiến sĩ nuôi quân Huỳnh Tiến Đức, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự chia sẻ, cứ mỗi bữa ăn, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lại trích một phần gạo trong khẩu phần ăn của mình để giúp người nghèo. Việc làm nhỏ nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều cảm thấy rất vui. 

Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí được trích từ đồng lương của các cán bộ, chiến sĩ, những người lính mang quân hàm xanh còn hỗ trợ học sinh vùng biên giới được đến trường. Theo đó, từ đầu năm 2016, toàn lực lượng Biên phòng Đồng Tháp đã chung tay thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Mỗi tháng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vận động cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị quyên góp và hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đóng quân, mỗi em 500.000 đồng/tháng. Qua một năm triển khai, 42 em đã được nhận đỡ đầu, với tổng số tiền hỗ trợ là 252 triệu đồng. 

Mẹ mất, bị bố bỏ rơi, phải sống nương nhờ vào người bà đã 85 tuổi, em Huỳnh Thị Thu Hằng, học sinh lớp 9, trường THCS Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng chia sẻ: “Đã có lúc vì nhà quá nghèo, em muốn nghỉ học để bớt gánh nặng cho bà. Được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà động viên, hỗ trợ chi phí, em tiếp tục được đến trường theo đuổi con chữ”. 

Thượng tá Lê Văn Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng nói, một trong những biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới là xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc. Vì thế, lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ tại các đồn biên phòng luôn quán triệt tư tưởng chắc tay súng nhưng cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn trên địa bàn theo tinh thần “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, nêu cao tình thương, đề cao trách nhiệm”. 

Tuy cuộc sống của người lính nơi biên giới vẫn còn không ít khó khăn nhưng những việc làm thiết thực của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Đồng Tháp đã làm tôn thêm nét đẹp truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam; góp phần tạo nền tảng thế trận lòng dân vững chắc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia./. 

Chương Đài/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực