Đổi thay trên địa bàn biên giới Kỳ Sơn

Thứ bảy, 12/09/2020 11:34
(ĐCSVN) – Đồng hành cùng nhân dân địa phương, những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Khu Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) Kỳ Sơn bao gồm 8 xã (Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải thuộc huyện Kỳ Sơn và Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Bô Li Khăm Xay và Hủa Phăn của nước bạn Lào, với 163,7 km đường biên giới. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Thái, H’Mông, Khơ Mú...; đáng lưu ý, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đồng hành cùng bà con, những năm qua, Đoàn KT-QP 4 đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Vùng đất khó khăn nơi biên giới xa xôi, hẻo lánh Kỳ Sơn như khoác trên mình “tấm áo” mới.  

leftcenterrightdel

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn nhân dân xã Tri  Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Đức Mậu, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 4 cho biết, thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở Khu KT-QP Kỳ Sơn, những năm qua, Đoàn KT-QP 4 đã nỗ lực xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao để người dân học tập, làm theo. Chính những mô hình này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương mà còn góp phần hạn chế tình trạng di dịch cư tự do, đốt nương làm rẫy, bảo vệ rừng đầu nguồn, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung và nhiều việc làm với thu nhập cao.

 Đến thăm gia đình anh Lầu Chồng Của ở bản Ca Nọi, xã Na Ngoi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi mô hình 3 héc ta dong riềng, hàng trăm con gia súc, gia cầm các loại đã góp phần mang lại thu nhập gần 150 triệu đồng/năm cho gia đình anh Của. Nói về mô hình kinh tế của gia đình, anh Lầu Chồng Của bộc bạch: “Trước đây nhà mình nghèo lắm. Năm 2009, được Đoàn 4 hỗ trợ 8.700 chồi dong riềng và phân bón để trồng trên diện tích 1 héc ta; đến năm 2013, Đoàn lại hỗ trợ 1 con trâu cái sinh sản... Nhờ bộ đội Đoàn 4 hướng dẫn kỹ thuật, ngay mùa đầu tiên 1 héc ta dong riềng đã cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Được sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của đơn vị, vợ chồng mình mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng dong riềng lên đến 3 héc ta. Giờ đây gia đình mình không những thoát nghèo mà đã trở thành hộ khá ở địa phương”.

 Cũng giống như gia đình anh Của, gia đình ông Lỳ Tồng Sùa ở bản Huội Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong những ngày này đang tất bật thu hoạch chanh leo để nhập cho đơn vị thu mua. Theo lời ông Lỳ Tồng Sùa, năm 2010, gia đình ông gồm 5 người di cư từ Lào về, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên được cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban CHQS huyện Quế Phong hỗ trợ dựng căn nhà, cấp đất sản xuất. Gia đình ông được Đoàn KT-QP 4 lựa chọn triển khai thí điểm mô hình nuôi gà đen và trồng chanh leo. Ban đầu ông không mấy mặn mà nhưng được bộ đội Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình nên gia đình ông đã bắt tay vào thực hiện. Nhờ đó, hàng năm, mô hình canh tác và sản xuất này mang lại thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, không những giúp gia đình ông thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá trong bản Huội Mới 1. “Mắt thấy, tai nghe” mô hình trồng chanh leo của gia đình ông Sùa, đến nay nhiều hộ dân ở xã biên giới Tri Lễ cũng bắt tay vào triển khai trồng chanh leo, nuôi gà đen... Đặc biệt, các sản phẩm người dân làm ra đều được Đoàn KT-QP 4 liên hệ các đầu mối tiêu thụ hết, góp phần gia tăng kinh tế hộ gia đình.

 Được biết, để thực hiện có hiệu quả các Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại Khu KT-QP Kỳ Sơn, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 đã chủ động thành lập Ban Quản lý dự án; nghiên cứu, khảo sát kỹ tình hình địa bàn, kinh tế - xã hội để lập, thiết kế kỹ thuật, dự toán hợp lý; chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng dự án. Tính từ năm 2009 đến nay, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo của Đoàn đã đạt được kết quả đáng khích lệ, như triển khai thực hiện 91 mô hình chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức 105 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 2.430 lượt người tham gia; hỗ trợ trên 3,3 triệu chồi dong riêng, trên 400.000 cây chè Shan tuyết, 125.000 cây chanh leo, hàng nghìn con giống gia súc như trâu, bò ... cho 2.432 hộ nghèo trên địa bàn với tổng nguồn lực huy động hơn 30,3 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ đó, đã góp phần giúp 896 hộ thoát nghèo thành công, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vùng dự án giảm khoảng 13%. Năng suất cây trồng, vật nuôi tăng 16,76%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng khoảng 13 đến 15%, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, Đoàn KT-QP 4 đã giúp địa phương thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có điều kiện vươn lên. Trong đó, nổi bật là các mô hình trồng dong riềng, chè Shan tuyết, chanh leo, chăn nuôi gà đen, lợn bản địa... Việc đầu tư thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo Khu KT-QP Kỳ Sơn thực sự là đòn bẩy có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn như Kỳ Sơn./.


Bài, ảnh: Huy Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực