Đóng quân ở đâu, "xanh - sạch - đẹp" ở đó

Thứ tư, 26/08/2020 22:06
(ĐCSVN) - Trong muôn vàn khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu 4 luôn xác định rõ tinh thần “đi trước về sau”, thầm lặng rà phá bom mìn, xây công trình phòng thủ, làm đường tuần tra biên giới, phòng chống thiên tai... Mỗi nơi ở ngắn hay dài tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ, rồi chuyển vị trí mới. Nhưng dù ở đâu, doanh trại của bộ đội công binh vẫn luôn chính quy, "xanh - sạch - đẹp".

Đến thăm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 đang thi công công trình quân sự, chúng tôi khá ấn tượng với những căn nhà được thiết kế bằng khung sắt, tường cót ép, mái lợp tôn, xung quanh cây cối, thảm cỏ xanh mướt, tràn đầy sức sống. Mặc dù được lợp bằng mái tôn, dưới cái nắng mùa hè hầm hập, nhưng khi bước vào trong, cảm giác khá mát mẻ, dễ chịu bởi sự ngăn nắp, sạch sẽ. Phản nằm của bộ đội được kê thẳng tắp với những hàng chăn vuông thành sắc cạnh; quần áo, giày dép, đồ dùng sinh hoạt sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Thiếu tá Hoàng Văn Tuấn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Công binh 414 chia sẻ, mặc dù đóng quân dã ngoại nhưng chúng tôi luôn duy trì nghiêm các nền nếp chế độ để rèn bộ đội tính kỷ luật, ý thức tự giác và tác phong chính quy. Chính nhờ môi trường cây xanh, thảm cỏ và nhà cửa gọn gàng, thông thoáng nên mới giảm được nắng nóng và đảm bảo cho sinh hoạt của bộ đội. Cũng theo Thiếu tá Hoàng Văn Tuấn chia sẻ, vì yêu cầu nhiệm vụ nên đơn vị di chuyển liên tục. Mỗi nơi ở 6 tháng, 1 năm cũng có khi vài năm, công trình này xong lại đi công trình khác. Tuy vậy, doanh trại của bộ đội lại không thiếu hạng mục nào. Từ nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí, thể thao, vườn tăng gia, khu chăn nuôi tập trung… phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giải trí bộ đội đến công trình thanh niên với hệ thống bồn hoa dọc lối đi; cụm tiểu cảnh được thiết kế hài hòa, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, khiến cho doanh trại thêm sạch đẹp, thân thiện.

Mỗi nơi ở ngắn hay dài tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ, rồi chuyển vị trí mới. Nhưng dù ở đâu, doanh trại của bộ đội công binh vẫn luôn chính quy, "xanh - sạch -  đẹp". 

Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn cho biết, với bộ đội công binh, công việc nặng nề vất vả nhất là xây dựng công trình ở biên giới, hải đảo. Có những đơn vị hết ở biên giới 6 tỉnh lại ra các đảo… Để hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu tiên quyết đối với bộ đội công binh là tăng gia sản xuất, chăn nuôi phải trở thành nhu cầu thiết yếu. Lán trại dựng ở đâu là tăng gia sản xuất, chăn nuôi phải phát triển ở đó; công trình ở đâu là cây trồng, vật nuôi đi theo đến đó, bất luận hoàn cảnh nào cũng phải tự cung, tự cấp. Từ đó, góp phần bảo đảm điều kiện về sức khỏe và môi trường sống trong lành, giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Minh chứng lời mình nói, Thượng tá Mai Văn Thanh dẫn chúng tôi đi một vòng các đơn vị thuộc Lữ đoàn. Trước khi đến đây, chúng tôi cứ đinh ninh rằng, với đặc thù hoạt động phân tán, ăn ở trong điều kiện dã ngoại, di chuyển liên tục thì công tác đảm bảo đời sống cũng như tăng gia sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Khu tăng gia, chăn nuôi ở đây được đầu tư, quy hoạch khoa học, bài bản, chính quy không kém bất kỳ đơn vị nào với những luống đất vuông vắn, bằng phẳng, hệ thống tưới nước, mái che… Để có được vườn tăng gia với những luống đất vuông vắn, bằng phẳng như bây giờ, được biết, đơn vị đã vận chuyển một lượng lớn đá khai thác từ các công trình về kè quanh vườn tăng gia chống xói mòn, rửa trôi. Rồi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước, hệ thống mái che… Tiếp đó, cả đơn vị bắt tay vào “chiến dịch” cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất; khu vực chăn nuôi, chuồng trại khép kín, tạo thành hệ thống V-A-C đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm … Nhờ đó, các khu đất bạc màu, trơ cằn sỏi đá ngày nào giờ đã trở nên màu mỡ; rau, củ, quả tốt tươi, đủ đầy quanh năm.

Đi giữa màu xanh tươi mát, ngọt lành của những luống rau, hàng cây trái trĩu quả; tiếng vật nuôi rộn rã quanh khu chuồng trại ... chúng tôi ai cũng thầm cảm phục khối óc và bàn tay những người lính công binh, không chỉ “Mở đường thắng lợi” mà họ còn chính quy cả trong tăng gia sản xuất, “buộc” những vùng đất khô cằn sỏi đá, thung lũng nơi rốn gió phải “cho” rau, “cho” thịt phục vụ đời sống bộ đội…/.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực