Hiệu quả, thiết thực trong công tác hậu cần

Thứ sáu, 20/09/2019 01:21
(ĐCSVN) - Đóng quân trên địa bàn rộng, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, đất đai bạc màu, những năm qua, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) đã có nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả bảo đảm tốt công tác hậu cần cho bộ đội, góp phần để cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng Đại úy Trần Văn Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 14 Cối 100 (Phòng Tham mưu, Sư đoàn 324, Quân khu 4), thm quan khu tăng gia, chăn nuôi tập trung của đơn vị, từ xa chúng tôi đã nhìn rõ dòng chữ “Thực túc binh cường - ăn no đánh thắng” được làm bằng gạch sơn màu trắng nổi bật giữa vườn tăng gia. Như hiểu sự tò mò của tôi, anh Tuấn giải thích: “Dòng chữ “Thực túc binh cường - ăn no đánh thắng” bố trí ở vườn tăng gia vừa là khẩu hiệu hành động, vừa để nhắc nhở anh em thực hiện lời dạy của Bác Hồ để vượt mọi khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bộ đội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao”.

Một góc vườn tăng gia Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1

Trong câu chuyện với anh Tuấn chúng tôi được biết, đơn vị đóng quân trên địa hình đồi núi, có diện tích đất rộng, nhưng trước đây chủ yếu trồng keo, sắn...; tăng gia, chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Năm 2014, Tiểu đoàn 14 được Sư đoàn lựa chọn xây dựng điểm về công tác hậu cần. Phát huy lợi thế có diện tích đất rộng lại nằm gần sông rào gang, tiểu đoàn đã cải tạo sườn đồi thành khu tăng gia theo bậc thang với diện tích hơn 12.500 m2 , chia thành từng lô trồng các loại rau khác nhau. Hàng tháng tiểu đoàn xây dựng kế hoạch gieo trồng các loại rau phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Sau từng đợt thu hoạch rau, đơn vị tiến hành rải vôi bột cải tạo đất để phòng trừ sâu bệnh... Vì vậy, từ một đơn vị thiếu rau ăn, đến nay không những đủ rau xanh phục vụ nhu cầu bữa ăn hàng ngày của bộ đội mà Tiểu đoàn còn cung cấp cho người dân khu vực xung quanh đơn vị.

Cũng như Tiểu đoàn 14 Cối 100, vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 335, Sư đoàn 324) đóng quân trên đồi cao, đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm, mùa mưa thì bị xói mòn. Song, với chủ trương biến đất cằn, sỏi đá thành vườn rau xanh, năm 2018, tiểu đoàn đã huy động hàng nghìn ngày công của cán bộ, chiến sỹ tổ chức lấy đất phù sa ở các bãi bồi ven sông Lam về thay thế lớp đất cằn, sỏi đá. Sau gần 2 tháng, tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ, đơn vị đã cải tạo được hơn 12.000 m2 đất tăng gia.

Thiếu tá Đậu Đình Hưng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 chia sẻ: “Ban đầu khi đưa ý tưởng thay đất vườn tăng gia ra bàn bạc trước tập thể quân nhân không ít người ái ngại, bởi khối lượng công việc nhiều, huy động sức người, sức của lớn nhưng hiệu quả thì chưa biết ra sao. Thế nhưng, với quyết tâm cao của cán bộ, chiến sỹ, chỉ sau thời gian ngắn, hàng nghìn mét vuông đất cằn cỗi, sỏi đá đã trở thành vườn rau xanh mát mắt. Có vườn tăng gia mới anh em rất phấn khởi. Hằng ngày, sau giờ làm việc cán bộ, chiến sỹ lại cùng nhau ra vườn tăng gia vun xới, chăm bón rau xanh tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong đơn vị”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình chăn nuôi của đơn vị, Đại tá Nguyễn Đình Tăng, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 324 chia sẻ: “Những năm trước đây, các đơn vị trong Sư đoàn đã đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi như nuôi thỏ, ngỗng, vịt trời... Thời gian đầu tuy phát triển tương đối thuận lợi, nhưng nhìn vào thực tế những mô hình này không thiết thực với đời sống bộ đội. Bởi, các loại thực phẩm này giá thành cao, đưa vào bữa ăn hàng ngày của bộ đội không phù hợp. Chính vì vậy, Sư đoàn đã có chủ trương đầu tư các mô hình chăn nuôi theo hướng hiệu quả, thiết thực, phục vụ nhu cầu bữa ăn bộ đội. Đến nay, Sư đoàn đã tổ chức 4 trại chăn nuôi tập trung ở 3 trung đoàn và cơ quan sư đoàn”.

Đến khu chăn nuôi tập trung của Trung đoàn 1 (Sư đoàn 324), chỉ vào những con gà có màu lông đen mượt, thân cao, cổ dài, chân chì chắc khỏe, anh Tăng giới thiệu: “Đây là giống gà lai chọi, loại gà này thịt chắc, thơm ngon, dễ nuôi. Đơn vị đã triển khai nuôi và đạt hiệu quả tốt”.

Được biết để thực hiện chủ trương chăn nuôi hiệu quả, phục vụ trực tiếp nhu cầu của bộ đội, sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm từ một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đầu năm 2013, Ban Hậu cần Trung đoàn đã tổ chức thí điểm mô hình nuôi gà lai chọi tại khu tăng gia sản xuất tập trung. Với diện tích 350m2 , gồm 150m2 chuồng và 200m2 sân chơi cho gà, đơn vị đã mua 500 con gà lai chọi giống về nuôi. Nhờ có hệ thống chuồng thoáng mát, được chăm sóc đúng kỹ thuật mà đàn gà lớn rất nhanh, lứa đầu đã thu lãi hơn 14 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, đơn vị đã nhân rộng toàn trung đoàn. Đến nay, toàn Trung đoàn luôn duy trì đàn gà lai chọi trên 7.500 con/lứa, mỗi năm cho xuất chuồng hơn 34 tấn gà thịt. Sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Mô hình gà lai chọi đã được nhân rộng trong toàn Sư đoàn.

Cùng với nuôi gà lai chọi, mô hình nuôi ếch lồng cũng được triển khai rộng rãi, mang lại hiệu quả cao ở Sư đoàn 324. Theo Thiếu tá Đặng Tuấn Hưng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 335) thì ếch là loại động vật lưỡng cư, có thể sống cả trên cạn và dưới nước, thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng thịt ngon và lành. Nuôi ếch trong lồng có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, tận dụng được diện tích mặt nước ao thả cá. Thức ăn của ếch chủ yếu là cám ngô, rau nên lượng thức ăn của ếch dư thừa thải ra ao cũng là nguồn thức ăn cho cá. Với diện tích 2.000 m2 ao thả cá, Tiểu đoàn 5 đã làm 10 lồng nuôi ếch, mỗi lồng có diện tích 6m2 , nuôi khoảng 500 con, sau 3 tháng thu lãi trên 30 triệu đồng/lứa. Mỗi năm có thể nuôi được 2 - 3 lứa trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 9.

Tham quan mô hình trại chăn nuôi của Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) chúng tôi mới thấy tính “chuyên nghiệp” trong công tác chăn nuôi của đơn vị. Ngay lối vào khu chuồng là khay vôi bột sát trùng, khử khuẩn, trên bức tường trắng là tấm bảng theo dõi lịch tiêm phòng và hộp thuốc phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; vào sâu hơn chút nữa là khu chế biến thức ăn. Hai dãy chuồng dài hun hút sạch sẽ với 30 con lợn nái và gần 200 con lợn giống. Từng ô chuồng được chú thích rõ ràng trên những tấm biển thể hiện số thứ tự chuồng, giống lợn, ngày đẻ, trọng lượng... Đại tá Nguyễn Đình Tăng cho biết thêm: “Nhờ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi khép kín và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nên thời gian qua công tác chăn nuôi của đơn vị phát triển rất tốt. Đặc biệt, trong đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa qua, đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An - là những trọng điểm dịch bệnh nhưng đàn lợn đơn vị vẫn bảo đảm an toàn”.

Hiệu quả từ công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi, các đơn vị trong sư đoàn đã trích 30% lợi nhuận đưa vào ăn thêm cho bộ đội trong các ngày lễ, tết, ra quân huấn luyện, kết thúc huấn luyện chiến sỹ mới...; trích 25% để thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ ốm đau, gặp khó khăn đột xuất; tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn đóng quân nhân các dịp lễ, tết và củng cố cảnh quan môi trường; số còn lại để đầu tư tái sản xuất và bổ sung vào quỹ vốn đơn vị... Đặc biệt, các sản phẩm từ tăng gia, sản xuất, chăn nuôi nhập vào bếp ăn có giá thành thấp hơn giá thị trường 8 đến 25%. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bộ đội, nhất là những thời điểm giá cả thị trường có sự biến động./.

Bài, ảnh: Huy Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực