Lạng Sơn: Hiệu quả từ việc thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới

Thứ hai, 12/03/2018 16:10
(ĐCSVN) - Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác ngoại giao nhân dân, đẩy mạnh thực hiện kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Những hiệu quả tích cực thu được từ các hoạt động này đã trực tiếp góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới; củng cố, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia...

Giao lưu văn nghệ giữa cụm dân cư thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn
và Khu dân cư Trĩ Lãng, xã Trí Lãng, huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh QĐ

Tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị

Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lạng Sơn có 5 huyện biên giới với 21 xã, thị trấn và 90 thôn, bản có đường biên giáp với nước bạn Trung Quốc.

Xuất phát từ những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa nên tại các thôn, bản giáp biên, từ nhiều đời nay, người dân ở hai bên biên giới thường có mối quan hệ thân tộc, dân tộc, gắn bó với nhau. Bám sát đặc điểm đó, lực lượng BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tham mưu cho địa phương làm tốt chương trình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới với nhau nhằm tạo thêm tình đoàn kết, gắn bó, khơi dậy tính thân tộc, dân tộc, dòng họ; giúp nhân dân hai bên có thêm điều kiện giao lưu, cùng nhau hợp tác, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chia sẻ nguồn nước, bảo vệ môi trường, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống; giữ gìn an ninh trật tự khu vực giáp biên.

Là một trong những địa điểm đầu tiên của Lạng Sơn thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, tháng 12/2015, cụm dân cư thôn Chi Ma, thuộc xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã chính thức kết nghĩa với Khu dân cư Trĩ Lãng thuộc xã Trí Lãng, huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Nội dung ký kết kết nghĩa chủ yếu là cùng tích cực tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, dòng chảy sông, suối biên giới...

Đại úy Đỗ Văn Hiệu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma ở huyện Lộc Bình vui vẻ cho biết: Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc sinh sống trên khu vực biên giới của huyện đã có mối quan hệ thân thiết với người dân ở các thôn, bản bên kia biên giới. Vào các dịp kỷ niệm hàng năm, được sự nhất trí của cơ quan chức năng hai bên, lãnh đạo các thôn đều tổ chức sang thăm hỏi, chúc mừng lẫn nhau. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn nằm ở khuôn khổ quan hệ nội bộ giữa thôn với thôn mà chưa có thống nhất giữa chính quyền hai bên. Từ khi cụm dân cư thôn Chi Ma tổ chức lễ ký kết nghĩa với Khu dân cư Trĩ Lãng, nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy định của mỗi nước về biên giới...

Nhiều hiệu quả thiết thực

Những năm trước đây, lợi dụng giao thông đi lại khó khăn, đời sống của người dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn nên các đối tượng xấu thường xuyên tìm mọi cách lôi kéo đồng bào sinh sống ở khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn di cư tự do, vượt biên trái phép... Vì vậy, mô hình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới đã thực sự có ý nghĩa quan trọng trong gìn giữ bình yên trên tuyến biên giới cực Bắc của Tổ quốc.

Tìm hiểu được biết, đến tháng 12/2017, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã được triển khai thành công tại 9 cặp cụm dân cư trên địa bàn 5 huyện biên giới là: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Tại các cặp cụm dân cư này, người dân hai bên biên giới đã thường xuyên nêu cao ý thức xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương, truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, thân tộc, dòng họ vốn lâu đời giữa hai bên biên giới; thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau trong dịp lễ, tết, lúc ốm đau và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản giàu đẹp; cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống cháy rừng và dịch bệnh xảy ra đối với người, vật nuôi, cây trồng; tăng cường và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, thân tộc, dòng họ vốn lâu đời giữa hai bên; thường xuyên giao lưu, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá, truyền thống của dân tộc; giao lưu thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ để cùng nhau xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển bền vững…

Anh Hoàng Văn Thanh, người dân thôn Nà Vang, xã Bính Xá, huyện Đình Lập chia sẻ: Từ khi thôn Nà Vang và thôn Bản Tát (Trung Quốc) thực hiện kết nghĩa, việc đi lại thăm thân của người dân hai bên rất thuận lợi. Bà con cũng tự bảo nhau phải có ý thức nhiều hơn trong bảo vệ đường biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Đến nay, qua đánh giá bước đầu, hoạt động kết nghĩa đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân hai bản, hai nước. Hoạt động thăm thân giữa người dân hai bên trở nên thuận lợi; mối quan hệ thân tộc và tình nghĩa hàng xóm của nhân dân hai nước cũng được củng cố bền vững. Việc trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm của bà con cũng được thúc đẩy, hiệu quả.

Thực tế công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia ở Lạng Sơn những năm gần đây cho thấy, một trong những hiệu quả thiết thực từ việc thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên tuyến biên giới của tỉnh Lạng Sơn là người dân hai bên biên giới kết nghĩa đã tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới mỗi bên. Việc tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý nhưng vẫn đúng hiệp định, quy chế biên giới và quy định pháp luật của mỗi nước. Cùng với đó, thông qua các hoạt động kết nghĩa và nội dung trao đổi, gặp gỡ giao lưu, nhận thức về chủ quyền, ý thức quốc giới cũng như việc chấp hành các quy định của hiệp định quy chế biên giới của người dân sống hai bên biên giới cũng đã được nâng lên rõ rệt...

Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các xã, thị trấn trên tuyến biên giới của tỉnh./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực