Lực lượng vũ trang Kiên Giang hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ năm, 15/08/2019 00:56
(ĐCSVN) - Từ đầu mùa mưa đến nay, các địa phương trong tỉnh Kiên Giang liên tiếp xảy ra các sự cố thiên tai do những diễn biến thất thường của thời tiết gây nhiều thiệt hại... Nhờ chủ động làm tốt công tác ứng trực, cán bộ, chiến sĩ tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nhanh chóng cơ động lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện An Minh giúp nhân dân di dời, dựng lại nhà
sau khi sóng lớn tràn vào tại xã Vân Khánh, huyện An Minh.

Trên địa bàn xã Vân Khánh và xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang ngày 3/8 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường, những con sóng lớn bất ngờ dâng cao hơn 1,8m. Nước dâng vào buổi chiều, lại lên quá nhanh nên bà con không kịp di dời tài sản. Những con sóng cao kết hợp với lốc đã nhấn chìm nhiều tài sản, vật dụng và làm sập hoàn toàn 36 căn nhà, tốc mái 10 căn nhà và hư hại tài sản khoảng 80 căn nhà.

Các hộ gặp nạn chủ yếu sống ven đê thuộc xã Vân Khánh, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, nhất là đoạn đê từ Tiểu Dừa đến Kim Quy khoảng 4,5km mà UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp trước đó.

Bà Phạm Thị Bình, ấp Cây Gỗ, xã Vân Khánh, huyện An Minh buồn bã cho biết: “Cả gia đình tôi đang trong nhà thì bất ngờ nhìn thấy con sóng rất lớn ập vào, chưa kịp làm gì thì sóng đã kéo trôi căn nhà qua bên kia bờ kênh, cả căn nhà của tôi bị nứt toạc, căn nhà lá kế bên thì sập hoàn toàn”.

Riêng Trạm kiểm soát Biên phòng Kim Quy thuộc Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu, BĐBP Kiên Giang do nằm phía sát ngoài bờ biển nên bị nước cuốn đi nhiều tài sản. Đại úy, Trần Hoàng Quân, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phỏng Xẻo Nhàu cho biết: Sóng lớn làm vỡ hoàn toàn cửa các phòng làm việc và nhà ở của cán bộ, chiến sỹ tại đơn vị. Các trang thiết bị điện tử bị hư hại hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 6,75 tỷ đồng, không có thiệt hại về người và tàu cá.

Nhận được tin báo, thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang đã trực tiếp đến hiện trường nắm tình hình và chỉ đạo gần 150 cán bộ, chiến sỹ, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên xã Vân Khánh và vân Khánh Tây đến nơi xảy ra thiên tai, phối hợp cùng lực lượng biên phòng và các lực lượng tại chỗ khẩn trương giúp bà con thu gom tài sản, tháo dỡ và dựng lại nhà cửa đang bị vùi trong đống đổ nát và bùn đất. Chính quyền địa phương cũng nhanh chóng hỗ trợ các nhu, yếu phẩm cần thiết và bố trí chỗ ăn, ở cho các gia đình có nhà bị cuốn trôi.

Thượng tá Phạm Thanh Lâm, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện An Minh cho biết: “Ngay khi nhận được tin báo, ban CHQS huyện đã nhanh chóng huy động 100% lực lượng đến để giúp dân. Do đã dự báo trước tình hình phức tạp của thời tiết nên các cơ quan, đơn vị đã phân công lực lượng ứng trực thường xuyên nhờ đó nên dù thời tiết mưa to tại khu vực xảy ra sự cố nhưng các lực lượng vẫn có mặt kịp thời bảo vệ tính mạng, vật chất và hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn”.



Nhờ chủ động làm tốt công tác ứng trực, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh đã nhanh chóng
phối hợp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai

 

Cùng với huyện An Minh, mưa to, lốc xoáy và sóng lớn, ngập lụt xảy ra trên địa bàn các huyện Vĩnh Thuận, An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp và Phú Quốc. Mưa lốc đã làm sập hoàn toàn 53 căn nhà, tốc mái 77 căn nhà, nước ngập trên 3.700 căn nhà, thiệt hại ước tính trên 40 tỷ đồng. Trước tình hình trên Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang đã huy động trên 500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản, giúp bà con nhân dân ổn định cuộc sống. Song song đó Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng vẫn tiếp tục ứng trực, sẳn sàng hỗ trợ cho nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra. Những việc làm đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương

Theo Đại tá Đàm Kiến Thức, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang: Những năm qua, địa bàn tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết như nước biển dâng, ngập úng, sạt lở đất... Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cơ quan quân sự luôn coi việc phòng, chống thiên tai, cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Để công tác này đạt được hiệu quả, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh luôn chủ động phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trong công tác cứu hộ - cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, đó là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và hậu cần tại chỗ. Xác định LLVT phải trở thành điểm tựa vững chắc của nhân dân mỗi khi có thiên tai, sự cố nghiêm trọng, vì thế, mỗi khi trên địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết cực đoan, LLVT tỉnh đã nỗ lực hỗ trợ giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân giảm nhiều thiệt hại, ổn định đời sống người dân.../.

Phương Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực