Nậm Pồ (Điện Biên): Nỗ lực quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Thứ ba, 04/09/2018 16:58
(ĐCSVN) - Nậm Pồ (Điện Biên) là huyện miền núi biên giới mới được thành lập và còn nhiều khó khăn đặc thù. Những năm qua, để bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nậm Pồ đã đặc biệt chú trọng công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ các loại...

Chủ động ngăn chặn nguy cơ mất an toàn từ vũ khí, vật liệu nổ

Được thành lập năm 2012, huyện Nậm Pồ là địa bàn sinh sống của 11 dân tộc anh em với gần 100 km đường biên giới, bao gồm 15 đơn vị hành chính, trong đó có 8 xã giáp biên. Đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao lại cư trú ở địa hình rừng núi nên từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc Nậm Pồ vốn có truyền thống săn bắn để mưu sinh. Đó cũng là lý do khiến cho lượng vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân còn tương đối lớn. Ở một số địa bàn, nhất là các xã, bản vùng sâu vùng xa, vùng giáp biên, việc đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ còn hạn chế; người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và thường cất giấu trong rừng, ở khu vực giáp biên… Nguy hiểm hơn, ngoài việc săn bắn, đánh bắt cá, một số người còn sử dụng vũ khí, vật liệu nổ vào nhiều mục đích khác dễ gây hậu quả nghiêm trọng như khai thác khoáng sản trái phép; giải quyết xích mích, mâu thuẫn cá nhân… Đặc biệt, tình trạng các đối tượng tội phạm hình sự và mua bán ma túy sử dụng vũ khí “nóng”, vũ khí quân dụng như súng ngắn, súng tiểu liên AK, lựu đạn… chống người thi hành công vụ cũng có dấu hiệu phức tạp. Trong giai đoạn 2014 - 2015, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã xảy ra không ít vụ chết người do vũ khí gây ra, chủ yếu là súng săn tự chế, trong đó có cả những vụ vô ý làm chết người (săn bắt nhầm) và những vụ cố ý giết người.

Trước tình hình đó, thực hiện Pháp lệnh số 16 của UBTV Quốc hội về “Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở huyện Nậm Pồ đã tăng cường quản lý, vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ các loại còn cất giữ trong nhân dân. Phát huy vai trò nòng cốt, Công an huyện Nậm Pồ đã phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn, bám sát kế hoạch của trên, chủ động mở các đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng. Trong đó, trọng tâm là tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện giáo dục, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2018, toàn huyện Nậm Pồ đã thu hồi được trên 1.500 súng các loại như súng kíp, súng quân dụng… Đồng bào cũng đã tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng hơn 320 nòng súng, gần 200 cò súng, 1.200 bẫy kiềng, dao kiếm cùng hàng trăm viên đạn các loại…

Đồng bào dân tộc Mông xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ
giao nộp vũ khí tự chế cho cán bộ Bộ đội Biên phòng (Ảnh: Phan Anh)

Điểm nổi bật nhất trong thực hiện quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ ở huyện Nậm Pồ thời gian vừa qua đó là đã phát huy có hiệu quả vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín. Ở đâu, cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, làm tốt vai trò cầu nối giữa các lực lượng chức năng với người dân; đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thực sự gương mẫu, đi đầu thì ở đó công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ sẽ được thực hiện có hiệu quả. Chính đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín sẽ giúp các lực lượng chức năng điều tra, khảo sát nắm rõ tình hình, số lượng vũ khí còn tồn đọng trong nhân dân; trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí cụ thể đối với từng thôn, bản bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

“Tuyên truyền sâu rộng, kiên trì vận động”

Thành lập tháng 6/2013, với 392 hộ dân, trong đó 99% là đồng bào dân tộc Mông, xã Nậm Chua được biết đến như là một trong những xã tiêu biểu trong thực hiện công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Từ khi thành lập đến nay, người dân trên địa bàn xã đã tự nguyện giao nộp 32 khẩu súng các loại, 04 cò, 05 nòng súng kíp… Đó là kết quả tích cực từ việc tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Hiểu rõ tâm lý “e dè” của người dân khi mới được vận động giao nộp vũ khí do sợ sẽ bị xử lý về mặt pháp luật, cấp ủy chính quyền, các đoàn thể địa phương đã cùng với lực lượng biên phòng, công an đến tận thôn bản tuyên truyền rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua tuyên truyền đã giúp bà con hiểu được sự nguy hại của việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép cũng như chính sách hỗ trợ tiền cho các hộ tự nguyện giao nộp. Nhờ đó, đồng bào người Mông tại các thôn bản trên địa bàn xã đã tự nguyện giao nộp nhiều vũ khí, vật liệu nổ cho cơ quan chức năng. Ông Lèng Văn Sương, Chủ tịch UBND xã Nậm Chua cho biết: Cây súng vốn có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa truyền thống của người Mông, tiếng súng là báo hiệu gia đình có tang hay tiễn đưa người quá cố về trời… nên vận động bà con giao nộp vũ khí tự chế cần phải kiên trì vận động, thuyết phục người dân. Nhờ tích cực tuyên truyền nên hầu hết người dân trong xã đều đã có ý thức tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn xã đã ngày càng ổn định. Từ năm 2014, xã Nậm Chua không để xảy ra tình trạng bắn nhầm người liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ.

Đi sâu tìm hiểu được biết, không chỉ ở xã Nậm Chua mà tại 15 xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ, công tác tuyên truyền, vận động đã luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện có hiệu quả. Với phương châm “Tuyên truyền sâu rộng, kiên trì vận động”, lực lượng chức năng đã không ngại khó, ngại khổ để đến các bản làng giáp biên, vào từng hộ gia đình để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tính nguy hại của việc cất giữ vũ khí, vật liệu nổ… Nội dung tuyên truyền còn được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư; được sân khấu hóa và được đưa vào tuyên truyền tại các trường học, qua đó giúp người dân hiểu được việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ chính là góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của gia đình, bản làng. Nhờ vậy, việc tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ đã dần lan rộng trong cộng đồng dân cư.

Xác định việc quản lý, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ chỉ có được hiệu quả bền vững trên cơ sở nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân nên các cơ quan chức năng ở Nậm Pồ đã luôn coi trọng tính thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trên địa bàn. Đến nay, đã có gần 5.000 hộ gia đình tại 89 bản, 22 tổ dân cư tự nguyện đăng ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ. Chỉ khi mỗi người dân, mỗi gia đình tự ý thức được sự nguy hiểm, tác hại của việc sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ cũng như những hậu quả khi sử dụng súng săn, bẫy để săn bắt thú rừng thì bà con mới tự giác giao nộp hay tố giác những hành vi vi phạm pháp luật của người khác.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng công an và Bộ đội Biên phòng, công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn huyện thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Không chỉ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ còn trực tiếp góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Có thể thấy, với những giải pháp cụ thể, cách làm hiệu quả, huyện biên giới Nậm Pồ đã và đang từng bước thực hiện tốt công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Trên cơ sở đó, giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn từ việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn./.

Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực