Nghĩa tình ở Hướng Hóa

Thứ năm, 12/03/2020 15:31
(ĐCSVN) - Cùng với nhiệm vụ triển khai các mô hình xóa đói giảm nghèo, các dự án phát triển kinh tế, xây dựng Khu Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) Khe Sanh vững mạnh, những năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đoàn KT-QP 337, Quân khu 4 luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, một lòng, một dạ đi theo Đảng, Bác Hồ, hy sinh cống hiến cho cách mạng nước nhà.
Đoàn KT-QP 337 phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Hướng Hóa tổ chức Lễ truy điệu 11 hài cốt liệt sĩ đợt tháng 4/2019 

Chúng tôi có chuyến đi thực tế địa bàn Tây Quảng Trị trong tiết trời Xuân ấm áp đặc trưng nơi biên giới. Đón tôi và Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Nông lâm 52, thuộc Đoàn KT-QP 337 trong căn nhà ấm áp nghĩa tình, ông Hồ Thanh Hiền, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Hồ, xã Hướng Sơn không giấu được niềm vui. Ông Hiền là đối tượng chính sách, tham gia cách mạng trong những năm tháng đánh Mỹ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trò chuyện với chúng tôi, vợ ông Hiền chia sẻ: “Sức khỏe ông nhà tôi được như vậy là nhờ bộ đội Đoàn KT-QP 337 thường xuyên chăm sóc. Ốm đau nhẹ thì có cán bộ Đội sản xuất 1 thăm khám còn nặng thì các anh đưa ra Bệnh xá Đoàn để điều trị”.

Cho đến hôm nay, vợ chồng ông vẫn còn vẹn nguyên niềm xúc động khi căn nhà này được hoàn thành. Ông Hiền nhớ lại, căn nhà trước đây bị xuống cấp trầm trọng, vách mục nát, mưa xuống là dột, gió to thì lung lay. Được Đoàn hỗ trợ kinh phí, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Trung đoàn Nông lâm 52 hỗ trợ ngày công xây dựng, gia đình ông đã có căn nhà mới khang trang, vững chãi hơn với diện tích gần 50m2, trị giá gần 150 triệu đồng. Ông xúc động nói: “Nhờ nghĩa tình của bộ đội “Ba ba bảy” mà gia đình tôi mới có ngôi nhà để ở đúng nghĩa, không phải lo ngay ngáy mỗi khi mưa to, gió lớn nữa”.

Được biết, Hướng Hóa là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Trong chiến tranh, Hướng Hóa là vùng căn cứ địa cách mạng, dù “đói cơm, lạt muối”, nhưng đồng bào một lòng đồng cam cộng khổ đi theo cách mạng. Đặc biệt, đồng bào nơi đây luôn sát cánh cùng bộ đội vây, lấn, tấn, diệt các cứ điểm quân sự của địch, tạo nên chiến thắng Khe Sanh, làm nức lòng đồng bào cả nước. Đến nay, toàn huyện có 26 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 1.000 liệt sỹ, hơn 700 thương, bệnh binh; gần 800 người có công với cách mạng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ xây dựng Khu KT-QP Khe Sanh nhưng Đoàn KT-QP 337 luôn đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm phần nào bù đắp và làm vơi đi sự mất mát hy sinh của các đối tượng chính sách.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện cho biết: “Hàng năm, cứ ngày 27/7 hay ngày lễ, tết, Đoàn KT-QP 337 đều tổ chức nhiều hoạt động tri ân đối với mảnh đất sâu nặng nghĩa tình này như: Thăm, tặng quà các đối tượng chính sách; chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, tu bổ các di tích lịch sử: Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh, làng Vây, sân bay Tà Cơn... trao tặng, hỗ trợ các gia đình chính sách giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình…”.

 Niềm vui của vợ chồng ông Hồ Thanh Hiền trong ngôi nhà mới khi cán bộ Đoàn 337 đến thăm, tặng quà

Một trong những việc làm mà Đảng ủy, chỉ huy Đoàn luôn quan tâm đó là công tác khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ. Những năm qua, cán bộ, nhân viên Đội quy tập hài cốt liệt sỹ Đoàn đã không quản đường sá xa xôi, cách trở, băng rừng, lội suối đến khắp các bản làng, vùng núi cao hiểm trở hay tận biên giới Việt - Lào để tìm kiếm, cất bốc hài cốt của các anh hùng, liệt sỹ đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện. Điển hình như đợt tháng 3 và tháng 5/2018, theo nguồn tin do nhân dân địa phương cung cấp, tại thôn Coóc, xã Hướng Linh có hài cốt nghi của liệt sĩ, cán bộ, nhân viên Đội quy tập đã không quản ngại rừng thiêng, nước độc triển khai lực lượng xuyên rừng tìm kiếm, khai quật ròng rã nhiều ngày đêm và cất bộc được 5 hài cốt liệt sĩ kèm theo nhiều di vật có giá trị như tấm bia ghi tên Ng Văn Tuyền, e2-14, T-II; miếng nhôm dài 20cm, rộng 10cm khắc chữ “Hàn Duyển Tư”, ký hiệu E2 6/5. Mới đây nhất, ngày 16/2/2020, liệt sĩ Đỗ Văn Triệu, sinh năm 1950, quê ở Thọ Bình, Tân Quang, Hải Hưng (nay là Hưng Yên) đã được cán bộ Đoàn 337 tìm thấy, cất bốc, xác định được danh tính nhờ mảnh giấy trong lọ thủy tinh và đưa về quê hương an nghỉ sau 48 năm nằm lại trên chiến trường Khe Sanh.

Những việc làm thấm đượm nghĩa tình cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 337 những năm qua mới chỉ phần nào bù đắp và làm vơi đi những mất mát hy sinh của đồng bào nơi đây. Đại tá Uông Đình Tân, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 337 khẳng định: “Trong tiềm thức của mình, cán bộ, nhân viên chúng tôi hiểu rằng, dải biên cương phía Tây Quảng Trị này vốn chịu quá nhiều đau thương vì chiến tranh này vẫn cần nhiều hơn nữa những việc làm nghĩa tình như thế. Và tấm lòng tri ân đất và người nơi đây của chúng tôi vẫn chưa dừng lại”./.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực