Người con tiêu biểu của dân tộc Mông ở Pà Cò

Thứ hai, 04/11/2019 11:22
(ĐCSVN) - Bám sát địa bàn, gần gũi với bà con địa phương, đồng chí Đại úy Hàng A Phứ đã có những đóng góp quan trọng vào sự “chuyển mình” của xã vùng cao Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình).

Đồng chí Đại úy Hàng A Phứ đã có những đóng góp quan trọng trong sự khởi sắc của xã vùng cao Pà Cò.
(Ảnh: QĐ)

Năm 2011, trên cương vị là Trợ lý Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mai Châu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình, Hàng A Phứ được điều động về làm Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò (Mai Châu). Vốn là người con của đồng bào dân tộc Mông ở xã Pà Cò nay lại được về xây dựng quê hương, đồng chí Hàng A Phứ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Pà Cò theo tiếng của người Mông có nghĩa là “rừng hạt dẻ”. Hiện nay, ngoài hạt dẻ, ở Pà Cò còn có lúa nước, ngô, sắn, rong giềng, đào, mận, chanh leo, chè san tuyết... được đồng bào người Mông trồng và thu hoạch theo mùa trong năm. Việc đa dạng hoa cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp người dân nơi đây vừa khai thác tốt các tiềm năng tự nhiên sẵn có vừa có thêm thu nhập để phát triển đời sống. Có được thành quả đó, phải kể đến phần đóng góp không nhỏ của Đại úy Hàng A Phứ.

Ở xã Pà Cò, gần 100% dân số đều là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như phổ biến kiến thức về các mặt đời sống xã hội thường gặp khá nhiều khó khăn nếu cán bộ không am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của dân tộc Mông. Đại úy Hàng A Phứ là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở Pà Cò. Phát huy lợi thế là người địa phương, thông thạo tiếng đồng bào, ngay sau khi về nhận công tác, đồng chí Hàng A Phứ đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, vừa nắm tình hình thực tế tại địa bàn, ghi nhận tâm tư nguyện vọng của nhân dân, vừa kết hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, anh cũng tích cực tự tìm tòi, học tập để nâng cao trình độ bản thân, nhất là những kiến thức về sản xuất nông nghiệp để có thể hướng dẫn bà con phát triển sản xuất. Với sự hướng dẫn của Đại úy Hàng A Phứ, nhiều mô hình sản xuất đã được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn xã Pà Cò như mô hình thâm canh lúa nước, mô hình trồng chanh leo, mô hình nuôi bò sinh sản...

Đồng chí Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: “Đồng chí Hàng A Phứ là một sỹ quan Quân đội nhưng đồng thời cũng là một “kỹ sư nông nghiệp”. Anh đã thường xuyên xuống từng bản, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị; qua đó, đã giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, tránh xa các tệ nạn xã hội. Nhờ vậy, đời sống người dân tộc Mông ở Pà Cò đã ngày một khởi sắc; bình quân thu nhập toàn xã đã tăng từ 7 triệu đồng/người/năm (2011) lên trên 10 triệu đồng người/năm (2018). Bà con ai cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Cùng chúng tôi đi tham quan mô hình trong chanh leo xuất khẩu tại bản Cang, Đại úy Hàng A Phứ chia sẻ, là người địa phương nên mình hiểu rõ bà con cần gì. Trước đây, Pà Cò từng là điểm “nóng” về tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do kinh tế chậm phát triển, nhận thức người dân hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp sẽ là cơ sở để nâng cao đời sống người dân, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị của địa bàn. Đến nay, toàn xã đã có gần 8 ha chuyên canh cây chanh leo; diện tích trồng lúa nước của người dân cũng đa tăng từ 4 ha (năm 2013) lên hơn 28,3 ha (năm 2018); đời sống người dân được nâng lên; tình hình tội phạm được đẩy lùi. Bà con đã cảnh giác với các đối tượng xấu, không tham gia vào các tệ nạn xã hội...

Trao đổi với chúng tôi, chị Mùa Y Vang ở bản Trà Đáy, xã Pà Cò cho biết: “Anh Hàng A Phứ rất gần gũi với người dân. Anh Phứ lại nói được tiếng người Mông nên những gì anh tuyên truyền, vận động, bà con thấy rất dễ hiểu và phù hợp với bà con”. Có thể thấy, với việc phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng chí Đại úy Hàng A Phứ đã luôn nhận được sự tin yêu của người dân địa phương. Đối với đồng bào dân tộc Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hàng A Phứ như một người bạn, người thân trong mỗi gia đình khi có công việc. Nhiều người đã trìu mến gọi anh là “A Phứ của Pà Cò”.

Ghi nhận những việc làm thiết thực nói trên, đồng chí Đại úy Hàng A Phứ đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen các cấp. Đặc biệt, anh còn được vinh danh là một điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo của Quân đội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo giai đoạn 2013 - 2018”. Song, như chia sẻ của Đại úy Hàng A Phứ, phần thưởng có ý nghĩa nhất đối với anh chính là tình cảm tin yêu mà đồng bào người Mông luôn dành cho anh và sự khởi sắc của quê hương Pà Cò yêu dấu./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực