Những câu chuyện cảm động của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang

Thứ sáu, 03/03/2017 19:57
Đi nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang, ở đâu cũng thấy Bộ đội Biên phòng và nhân dân gắn bó mật thiết, máu thịt. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào vùng biên.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuần tra, bảo vệ vùng biển Nam Du.
 Ảnh: baotintuc.vn

 

Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, trong lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang có rất nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm quân dân. Trong đó, tiêu biểu là câu chuyện về gia đình Thiếu tá Danh Trường Danh, người Khmer, cán bộ Đồn Biên phòng Gành Dầu (đóng trên địa bàn huyện Phú Quốc) đã hơn mười năm âm thầm nuôi dạy hai cháu nhỏ, con của đồng đội đã qua đời. Điều đặc biệt, vợ Thiếu tá Danh Trường Danh không có việc làm ổn định, cả gia đình trông chờ vào đồng lương ít ỏi của Thiếu tá Danh. Tuy nhiên, hai vợ chồng Thiếu tá Danh đã vượt qua khó khăn nuôi dưỡng, chăm sóc và định hướng nghề nghiệp cho các cháu. 

Trước đây, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên nhận nuôi 3 cháu nhỏ tại đơn vị. Đại tá Đặng Văn Thống nói, việc nhận nuôi cháu nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa trong đơn vị từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, khi báo cáo lên cấp trên, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng rất hoan nghênh, tạo điều kiện. Sau khi ổn định cuộc sống, đơn vị tiếp tục đứng ra vận động, xây nhà, đưa các cháu về sống cùng người thân. Ngoài ra, đơn vị cũng cử người thường xuyên tới thăm nom, chăm sóc để các cháu khôn lớn, học tập tốt. 

Hay câu chuyện về Thượng úy Lê Văn Thăng, tuổi đời, tuổi quân còn rất trẻ nhưng với cương vị là thuyền trưởng tàu Biên phòng BP 20-12-04, thuộc Hải Đội 2, Thượng úy Thăng cùng các đồng đội đã cứu thành công nhiều ngư dân và phương tiện bị chìm trên biển… 

Thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động đến các đơn vị, Đồn Biên phòng Phú Mỹ là đơn vị khó khăn nhất nhưng đã nhận đỡ đầu nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, trường hợp em Nguyễn Hoàng Phong, 10 tuổi, ở ấp Thuận Áng, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành. Nhà em cách Đồn Biên phòng hơn 30 km, đường đi rất khó khăn, cách trở, cha mẹ đã ly dị, em phải sống một mình trong căn nhà lá dột nát giữa cánh đồng. Hoàn cảnh của em được báo cáo về Ban chỉ huy đơn vị. Sau đó, em đã được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ nhận về nuôi. Sau gần một năm ở đơn vị, sức khỏe, tinh thần em hiện rất ổn định. Em đang là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thuận Áng với học lực khá. 

Đại tá Đặng Văn Thống chia sẻ: Trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã nhận đỡ đầu 100 học sinh nghèo, trong đó có 8 em ở nước bạn Campuchia sinh sống giáp biên giới với tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang còn sửa chữa, xây mới hàng chục ngàn ngôi nhà, giúp dân thu hoạch vụ mùa, khắc phục hậu quả thiên tai, làm đường, cầu nông thôn; hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… 

Đại tá Đặng Văn Thống khẳng định, chừng nào đồng bào còn nghèo, còn nhà xiêu vẹo, dột nát, còn trẻ em bỏ học… lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ còn nhiều việc làm hỗ trợ nhân dân với mong muốn góp một phần công sức, kinh phí nhỏ bé của đơn vị, cùng cả hệ thống chính trị xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, đời sống đồng bào các dân tộc vùng biên ngày càng được cải thiện, nâng cao./. 



Lê Sen/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực