Những hạt vàng gắn kết tình quân dân

Thứ sáu, 13/09/2019 10:11
(ĐCSVN) - Nhờ được các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 cho mượn đất trồng lúa và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, nên bà con sinh sống ở các huyện biên giới tỉnh Gia Lai đã không còn lo cảnh thiếu đói.
Cán bộ Công ty 75 (Binh đoàn 15) cùng bà con địa phương gặt lúa trên
đất cao su tái canh. (Ảnh: Q.H)

 

Thực hiện lời dạy của Bác về chăm lo đời sống nhân dân, những năm qua, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, Binh đoàn 15 còn tập trung giúp đỡ người dân, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn đứng chân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Theo đó, từ năm 2014, Binh đoàn 15 đã thực hiện chủ trương tái canh đối với những vườn cao su già cỗi hoặc năng suất thấp. Hơn 1.600 ha đất tái canh sau khi được san ủi, cày xới đã được các đơn vị thuộc Binh đoàn tạo điều kiện cho công nhân, người lao động và bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên mượn để trồng lúa, góp phần giải quyết vấn đề thiếu lương thực.

Gia đình anh Siu Đức, một trong những hộ dân làng Khóp (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) chia sẻ: “Gia đình mình được Đội 6 (Công ty 75, Binh đoàn 15) cho mượn 3 sào đất để trồng lúa, nhờ vậy mình đã chủ động được lương thực, không còn lo chạy ăn từng bữa như trước đây”. Cùng chung niềm vui như gia đình anh Siu, vụ mùa thu hoạch năm vừa qua, 204 hộ dân ở làng Khóp (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) được Đội 6 (Công ty 75) cho mượn 60 ha đất tái canh cao su để trồng lúa. Không chỉ vậy, các đơn vị còn hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo trồng, bón phân, chọn những giống lúa phù hợp để cho năng suất cao.

Tại làng Pơ Nuk (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ), theo chia sẻ của anh Kpuih Ping, năm vừa qua, 210 hộ dân trong làng cũng được Công ty 75 cho mượn 70 ha đất để trồng lúa. Công ty còn cử cán bộ đến giúp cày đất, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên lúa phát triển rất tốt. Bình quân mỗi sào thu hoạch được 3 tạ. Mỗi người dân trong làng cũng thu hoạch 5-8 tạ lúa. Nhờ đó, bà con trong làng có thêm cái ăn, không lo đói, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên.

Công ty 75 là đơn vị có diện tích sản xuất trên địa bàn 2 huyện biên giới Đức Cơ và Ia Grai. Từ năm 2015 đến năm 2017, đơn vị đã cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số mượn trên 775 ha đất để trồng lúa. Trong 3 năm, các hộ đã thu hoạch được hơn 1.000 tấn lúa, góp phần ổn định an ninh lương thực. Riêng năm 2018, Công ty tiếp tục cho người dân mượn 339 ha đất để trồng lúa, bình quân mỗi hộ dân được mượn từ 1 ha đến 1,2 ha.

Thượng tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 cho biết: "Để cây lúa phát triển tốt và cho năng suất cao, ngay từ khi làm đất, đơn vị đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật xuống các đội sản xuất hướng dẫn cho bà con cách gieo trồng, lựa chọn giống lúa phù hợp. Nhiều hộ gia đình ngoài việc sử dụng các giống lúa rẫy truyền thống đã đưa giống lúa nếp cẩm vào gieo trồng. Đây là giống lúa có giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng”.

Tham quan ruộng lúa xen canh ở Đức Cơ, Gia Lai (Ảnh: Quang Dũng) 

Còn với các hộ dân ở làng Lang (xã Ia Chía, huyện Ia Grai, Gia Lai), ai cũng vui vì năm nay còn có lúa dự trữ trong nhà, phòng lúc giáp hạt.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty 74 cho biết: “Năm 2018, Công ty cho 703 hộ dân tộc thiểu số thuộc 3 xã: Ia Chìa (huyện Ia Grai) và xã Ia Dơk, Ia Kla (huyện Đức Cơ) mượn 423 ha đất để trồng lúa. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng bình quân 1 ha lúa, người dân cũng thu hoạch được gần 1 tấn”.

Nói về chủ trương cho người dân mượn đất tái canh cao su để trồng lúa, Đại tá Hoàng Ngọc Thành, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: "Chúng tôi luôn xác định các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên vùng biên giới phải có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vật chất. Chính vì thế, Binh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị khi các vườn cao su tái canh chưa khép tán thì cho bà con dân tộc thiểu số mượn đất để trồng lúa và các loại hoa màu khác nhằm giải quyết vấn đề thiếu lương thực".

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các đơn vị đã hướng dẫn bà con cách gieo trồng và lựa chọn những loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đưa vào sản xuất nhằm đạt năng suất cao. Thực tế những năm qua cho thấy, chủ trương này đã giúp hàng ngàn hộ gia đình trên khu vực biên giới chủ động về lương thực, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Nhận xét về hoạt động hỗ trợ của Binh đoàn 15, đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đức Cơ cho biết: “Chủ trương cho người dân mượn đất tái canh cao su để trồng lúa của Binh đoàn 15 đã giúp nhiều hộ gia đình trên vùng biên giới tránh được tình trạng thiếu lương thực. Chúng tôi đánh giá cao chủ trương này bởi ngoài việc giải quyết vấn đề thiếu lương thực thì điều đó còn thể hiện trách nhiệm và tấm lòng của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn”.

Thiết nghĩ, chủ trương trồng lúa trên đất tái canh của Binh đoàn 15 không chỉ “tiếp sức” cho hàng nghìn hộ dân nghèo trên địa bàn các xã vùng biên giới của tỉnh Gia Lai phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân dân; qua đó góp phần khơi dậy khí thế thi đua sôi nổi của các cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn. Điều đó càng có ý nghĩa khi hiệu quả thiết thực của mô hình đã và đang tiếp tục lan tỏa khắp các bản làng của vùng biên giới Tây Nguyên./.

N. Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực