Siết chặt tình hữu nghị Việt - Lào từ mô hình y tế quân dân kết hợp

Thứ sáu, 01/03/2019 16:28
(ĐCSVN) – Trời đã trở về chiều, tạm biệt cán bộ, chiến sỹ Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cợt, tỉnh Bolykhamxay (Lào), trở về Việt Nam, không ai bảo ai, đoàn chúng tôi đều chung một niềm tin ở một ngày mai với những hy vọng và lạc quan không ngừng được thắp sáng.

Vượt đoạn đường 120km từ thành phố Hà Tĩnh lên đến cửa khẩu Cầu Treo, rồi đi thêm khoảng 15km nữa, theo chân cán bộ biên phòng, đoàn công tác chúng tôi đã đặt chân tới trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cợt, tỉnh Bolykhamxay (Lào).


Biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt hai nước anh em Việt –Lào (Ảnh: Hà-Lan)

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến khu vực giáp ranh biên giới hai nước vào những ngày cuối tháng 2 này là sự biến đổi diệu kỳ về thời tiết hai vùng. Nếu ở phía Việt Nam, trời còn se se lạnh, sương mù giăng phủ thì bên phía Lào, nắng vàng tỏa rực rỡ, trời nóng ấm. Bản Thọong Pẹ đang trong tiết trời của mùa khô – Đại úy Đặng Duy Sinh đi cùng đoàn công tác chúng tôi cho hay.

Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ là công trình hữu nghị Lào – Việt Nam, biểu tượng và minh chứng rõ nét cho hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong suốt thời gian qua. Thiếu tá, Bác sỹ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng thông tin: không chỉ khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm y tế, chúng tôi còn xuống tận cơ sở khám chữa bệnh cho bà con thôn bản.

Cuộc trò chuyện của đoàn chúng tôi với Trạm trưởng bị ngắt quãng liên tục vì có bệnh nhân tới thăm khám, lúc là một em bé bị dị ứng dẫn đến sốt cao, khi là một phụ nữ trung niên bị gãy tay đã qua bệnh viện ở Việt Nam điều trị nhưng về đến bản vẫn lên Trạm để kiểm tra, rồi người phải truyền đạm, truyền dịch, người cần khám mắt, siêu âm…


Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm y tế Thọong Pẹ 
khám chữa bệnh cho bà con dân bản (Ảnh: Hà-Lan)

Chị Nàng Xi Xùa, 45 tuổi (bản Noọng Ó), bệnh nhân truyền dịch tâm sự, chị đến truyền dịch 2 ngày nay và sức khỏe đã tốt lên rất nhiều rồi. Chị Nàng Vi Xồng, 42 tuổi (bản Thoọng Pẹ) bị gãy tay đã qua Việt Nam điều trị, nay về trạm kiểm tra lại rất vui mừng khi được bác sỹ Đức thông báo tình hình tay đang tiến triển tốt, chỉ cần chăm sóc thêm một thời gian ngắn nữa là trở lại như bình thường. Bệnh nhân dị ứng dẫn đến sốt cao Khăn Xay, 5 tuổi (bản Na Pe) được bố Khăm Vi Lay, 38 tuổi đưa đến trạm. Bố của Khăn Xay cho hay, em bé đã được khám chẩn trị và cho thuốc uống về nhà nhưng con không chịu uống thuốc, hôm nay đưa con lên để bác sỹ thay thuốc uống bằng tiêm. “Gia đình chúng tôi tin tưởng các bác sỹ ở đây lắm” – anh Khăm Vi Lay nói.

Bản Thoọng Pẹ có gần 400 hộ dân, gần 3.000 nhân khẩu, 40 hộ nghèo và một số bản lân cận tiếp giáp với Hương Sơn (Hà Tĩnh) còn khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, dân cư phân bố không đều, chênh lệch khoảng cách giàu – nghèo còn lớn. Khác với trước đây, kể từ ngày được bác sỹ và bộ đội biên phòng Việt Nam tuyên truyền, hướng dẫn, người dân không còn tin vào thầy mo cúng bắt con ma rừng chữa bệnh mà hễ ốm đau là bà con đến với Trạm xá. Kể từ ngày có Trạm, dễ chừng cũng cả chục năm nay, đã không còn người dân nào ở bản phải chết vì điều trị theo các hủ tục mê tín dị đoan nữa.

Bà con dân bản đã coi Trạm như một địa chỉ tin cậy mỗi khi ốm đau hay đi điều trị ở các nơi khác tìm về. Đến đây, bà con đều được các y, bác sỹ trong Trạm tận tình chăm sóc, điều trị.

Cùng với việc khám, chữa bệnh tại Trạm, cán bộ chiến sĩ quân y của Trạm còn thường xuyên trực tiếp xuống tận hộ gia đình thăm khám và cấp phát thuốc trị bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu chảy, viêm nhiễm hô hấp khi thời tiết chuyển mùa… đồng thời hướng dẫn bà con cách phòng tránh các bệnh thông thường. Cán bộ quân y còn hướng dẫn người dân những biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh bản làng và xây dựng khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở để bảo vệ sức khỏe. Trạm xá Thoong Pẹ thực sự đã trở thành ngôi nhà chung thân thiết của dân bản.

Vui mừng và phấn khởi hơn nữa khi không chỉ dân bản Thọong Pẹ mà người dân các bản làng lân cận cũng tìm đến với Trạm mỗi khi ốm đau, có những thời điểm mỗi ngày có từ 40 - 50 lượt người đến thăm khám.

Thiếu tá, Bác sỹ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm xá Thọong Pẹ cho biết: “Hiện nay, trạm có 8 giường bệnh, chủ yếu khám chữa bệnh cho người dân 9 bản, thuộc tỉnh Bolykhamxay. Với một diện tích khoảng 500m2, trạm có 1 phòng khám và phát thuốc, 1 phòng siêu âm, 1 phòng điều trị… cộng với hệ thống trang thiết bị gồm có: máy siêu âm đen trắng, máy xét nghiệm huyết học bán tự động, máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, máy điện tim 2 cần, máy khí dung, máy hút đờm giãi… về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu khám chữa bệnh hiệu quả của một đơn vị y tế tuyến cơ sở.


Bệnh nhân điều trị tại Trạm (Ảnh: Trạm xá cung cấp)

Năm 2018, trạm đã khám chữa bệnh cho 3.500 lượt người với tổng trị giá 105 triệu đồng, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho 1.200 lượt người tương đương 60 triệu đồng, cấp cứu cho 36 lượt người tương đương 5,7 triệu đồng và chuyển lên tuyến trên 18 lượt người. Xác định rõ ý thức và trách nhiệm của mình trong công tác phòng và chữa bệnh, hai biên chế gồm 1 bác sỹ và 1 y sỹ tại trạm luôn nêu cao tinh thần chăm lo sức khỏe, xây dựng trạm thành một điểm sáng về văn hóa cũng như mô hình quân dân y kết hợp trên đất bạn Lào anh em. “Chúng tôi luôn ý thức rõ nhiệm vụ chức trách của mình, ngoài việc tận tình khám chữa bệnh còn tuyên truyền vận động bà con dân bản thực hiện “ăn chín, uống sôi”, vệ sinh làng bản; quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tránh xa khu dân cư; xây dựng làng bản văn hóa, xanh sạch đẹp; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Ngoài ra, từng bước vận động bà con tránh, tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nâng cao nhận thức về sức khỏe và ý thức phòng, tránh bệnh tật" - Bác sỹ Đức tâm sự.

Không những thế, Trạm còn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Phòng y tế huyện Căm Cọt, trạm xá bản Noọng Ó, qua đó, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, hợp tác thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và làm tốt công tác phòng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng… góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe cho quần chúng nhân dân.

Đáng chú ý, trạm còn tham gia xây dựng nhà hữu nghị, giúp đỡ các gia đình khó khăn trên địa bàn, hỗ trợ “Nâng bước cùng em đến trường”, làm đường bê tông trong bản góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết trong sáng, xây dựng tình hữu nghị giữa trạm và chính quyền địa phương ngày càng bền chặt, góp phần xây dựng và củng cố tình hữu nghị giữa hai đảng, hai dân tộc “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Một góc bản Thoọng Pẹ nhìn từ trên trạm xá xuống (Ảnh: Hà - Lan) 

Cụm từ “Lào – Việt Samakhi” được nhắc đến liên tục trong chuyến hành trình của đoàn công tác khi chúng tôi đặt chân đến vùng biên ải Cầu Treo. Hình ảnh một bản Thoọng Pẹ yên bình và nồng ấm đã hiển hiện.... Thung lũng đầy rẫy cây anh túc, ngập tràn hàng lậu và nạn buôn bán, sử dụng ma túy năm xưa nay đã bình yên với những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, khẳng định rằng cuộc sống đã hồi sinh. Giờ đây, các khu chợ đã đông vui hơn, đường sá đã to hơn, mái trường dưới chân núi luôn vang tiếng trẻ thơ…

Nhiều ca cấp cứu được thực hiện kịp thời, nhiều bệnh nan y được phát hiện để chuyển lên tuyến trên điều trị, công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện, tình cảm ngày càng khăng khít... nên bà con ngày càng yên tâm, tin tưởng và quý trọng các y, bác sỹ tại trạm.

Thăm chùa Lạc Xao rồi rẽ vào khu chợ Lạc Xao khang trang, sầm uất, tạm biệt cán bộ, chiến sỹ trạm, trở về Việt Nam mà không ai bảo ai, đoàn chúng tôi đều chung một niềm tin ở một ngày mai với những hy vọng và lạc quan không ngừng được thắp sáng.

Sinh năm 1974, Thiếu tá, Bác sỹ Nguyễn Việt Đức là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Học xong phổ thông, anh đã thi vào học tại Trung cấp Y tế của tỉnh. Do sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống y học, am hiểu về nghề của gia đình, người thanh niên ngày ấy đã mong muốn có sự mới mẻ khác biệt hơn, vì thế tìm đến môi trường quân đội. 21 tuổi tốt nghiệp Trung cấp Y tế được điều động về Bệnh viện Huyện làm 1 năm, sau đó, anh đã đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Sau 3 tháng huấn luyện, được phân công làm quân y tại đơn vị. Thực sự phục vụ theo chuyên môn y học tại quân ngũ từ 1996, quân nhân hưởng chế độ lương quân đội từ 1997. Chuyển đổi 4 đơn vị: 2 đơn vị tuyến rừng, 2 đơn vị tuyến biển, sau đó được cử đi học nâng cao trình độ từ 2005-2009 tại Học viện quân y. Từ 2009 về, công tác tại Bộ chỉ huy biên phòng. Tháng 10/2013 được phân công nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm xá quân dân y Đối với Trạm xá bản Thoọng Pẹ, ngoài việc củng cố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thu hút người dân thì vẫn đề kinh phí điều trị khi so sánh với việc đi điều trị tại Viêng chăn (Lào), hay sang Thái Lan thì ở Việt Nam là phải chăng nhất.

Có thể tự tin khẳng định rằng, kể từ khi đi vào hoạt động tại đây, Trạm có truyền thống khám chữa bệnh với uy tín tương đối cao. Có những bệnh nhân ở địa bàn để đi được đến Trạm khám gần 1 buổi đường mặc dù các thôn bản có y tế nhưng họ vẫn tìm đến Trạm là minh chứng xác thực nhất cho điều này. Tính tại thời điểm Trạm trưởng Nguyễn Việt Đức nhận nhiệm vụ, có bệnh nhân xa nhất đi xe máy đến trạm 170km, còn lại phạm vi 100-120km là bình thường. Việc đi lại ở đây vào mùa khô thì đỡ hơn, mùa mưa hơi vất vả. Thời gian đầu sang không biết tiếng Lào, bác sỹ Đức phải khám bệnh theo cách thủ công là, quen và chơi với người Lào biết tiếng Việt, mỗi lần khám bật loa điện thoại lên. Sau đó, tự học và học từ người dân, trong khoảng 4-5 tháng có thể nắm bắt các thuật ngữ cơ bản để phục vụ việc tự khám bệnh rồi sau khoảng 1 năm thì khá thành thạo. Đến nay, sau gần 5 năm công tác tại đây, bác sỹ Nguyễn Việt Đức đã được bà con dân bản gọi bằng cái tên trìu mến “Ông Đức”.

Ghi chép của Hà – Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực