Thắm đượm nghĩa tình quân dân trong “Bão lửa”

Thứ ba, 02/07/2019 21:05
(ĐCSVN) - Trong thiên tai hỏa hoạn, với tinh thần “Đâu cần Bộ đội Cụ Hồ có mặt", các đơn vị thuộc Quân khu 4 đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu rừng. Tại các điểm xảy ra cháy rừng, chúng tôi chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp thắm đượm nghĩa tình quân dân trong hoạn nạn.

 

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 cùng các lực lượng chữa cháy rừng thông
tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn.


Cứu rừng bằng cả trái tim

22 giờ tối ngày 26/6/2019, sau một ngày huấn luyện vất vả, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) đang dần chìm vào giấc ngủ. Bất chợt tiếng kẻng báo động vang lên dồn dập kèm theo khẩu lệnh “Toàn đơn vị cơ động giúp dân chữa cháy rừng”. Trong đêm tối, với thói quen vốn có, những người chiến sĩ Công binh nhanh chóng có mặt tập trung tại sân đơn vị mang theo dụng cụ dập lửa dưới sự chỉ huy của Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó lữ đoàn trưởng- Tham mưu trưởng Lữ đoàn lên xe cơ động cứu rừng. Đám cháy xảy ra tại khu vực rừng thông thuộc xóm 3, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh nghệ An đúng vào thời điểm gió Tây Nam thổi mạnh làm cho ngọn lửa có nguy cơ lan rộng ra các cánh rừng lân cận. Không kịp nghỉ ngơi, đến nơi cán bộ, chiến sĩ chọn đầu hướng gió giàn thành hàng ngang dập lửa. Bất chấp ngọn lửa hung hãn có lúc đổi hướng táp vào đội hình, cán bộ, chiến sĩ vẫn sát cánh cùng các lực lượng vừa khống chế ngọn lửa vừa phát đường băng cản lửa chống cháy lan. Sau hơn 3 giờ kiên cường chiến đấu với “giặc lửa” cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng đã khống chế được ngọn lửa.

Đến chiều ngày 28/6/2019 nhận được tin báo của chính quyền địa phương và đề nghị của UBND huyện Nam Đàn, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 lại lên đường giúp xã NamLộc cứu rừng. Trở về đơn vị chưa kịp nghỉ ngơi, cán bộ, chiến sĩ đơn vị lại nhận lệnh lên đường giúp xã Khánh Sơn tiếp tục chữa cháy rừng. Kiên cường chiến đầu với “giặc lửa” đến gần sáng ngày 30 trở về đơn vị, Lữ đoàn lại nhận lệnh tham gia giúp dân cứu rừng tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Mặc cho những bộ quân phục chưa ráo mồ hôi, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ lại tức tốc lên đường.

Tại “tọa độ lửa” khu vực rừng xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, chúng tôi gặp Binh nhất Trần Văn Dương, chiến sĩ Đại đội 11 và Thiếu úy QNCN Nguyễn Hữu Bình, nhân viên lái phà GSP Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn công binh 414 tả xung hữu đột cùng các lực lượng khống chế ngọn lửa, phát đường băng cản lửa cứu rừng trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm. Khi chúng tôi hỏi Binh nhất Trần Văn Dương, hôm qua em vừa tham gia cứu rừng ở Nam Đàn phải không? Gạt những vạt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt lấm lem tro bụi, Dương nói: “Giúp dân cứu rừng là mệnh lệnh từ trái tim của mọi chiến sĩ Công binh anh ạ. Chứng kiến ngọn lửa cướp đi tài sản và đe dọa tính mạng nhân dân chúng em không thể ngồi yên”. Không chỉ có Binh nhất Trần Văn Dương và Thiếu úy QNCN Nguyễn Hữu Bình mà rất nhiều chiến sĩ ở Lữ đoàn Công binh vừa trở về sau trận chiến với “giặc lửa” tại huyện Nam Đàn đêm ngày 29 nhưng sáng ngày 30/6 có mặt tham gia giúp dân cứu rừng ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh.Được biết, những chiến sĩ này mặc dù được đơn vị cho nghỉ nhưng vẫn xung phong tham gia. Bởi theo các anh, tài sản nhân dân cũng như chính gia đình của mình.

 

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.


Không chỉ những người lính Công binh Lữ đoàn 414 mà tại các điểm cháy rừng, chúng tôi ghi nhận và chứng kiến tinh thần hết mình vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Theo Trung tá Lê Khắc Toàn, Chính trị viên phó Ban CHQS Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chúng tôi được biết, thời điểm xảy ra cháy rừng tại xã Cẩm Mỹ đúng vào ngày nghỉ, một số cán bộ, nhân viên đơn vị đang nghỉ tranh thủ nhưng khi nghe tin cháy rừng nhanh chóng đến đơn vị tham gia giúp dân cứu rừng. Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng, Trợ lý chính trị Ban CHQS Cẩm Xuyên đang trong thời điểm nghỉ phép xây dựng nhà nhưng vẫn gác lại công việc gia đình để đến đơn vị, hay Thiếu tá Nguyễn Minh Hiển, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Dự bị động viên huyện Cẩm Xuyên đang ở nhà chăm vợ ốm cũng có mặt tham gia cứu rừng… Có mặt tham gia cùng các lực lượng chữa cháy rừng tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh từ ngày 28 – 30/6, chúng tôi nhận thấy rất nhiều cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Tiểu đoàn Đặc công 31, Bộ Tham mưu Quân khu; Ban CHQS huyện Nghi Xuân… liên tục bám hiện trường cùng các lực lượng cứu rừng, các anh làm việc với tinh thần, tình cảm từ mệnh lệnh trái tim người chiến sĩ, tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thắm tình quân dân trong hỏa hoạn

Dân gian ta có câu “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Quả đúng như vậy, có mặt tại các điểm cháy rừng trên địa bàn các tỉnh Quân khu 4 những ngày qua, chúng tôi chứng kiến tình cảm sâu nặng nghĩa tình quân dân cá nước. Khi lực lượng các đơn vị Quân đội đến nơi thì đã có rất đông người dân và các lực lượng tham gia cứu rừng. Những người có sức khỏe thì xông vào dập lửa, các em nhỏ, cụ già thì tiếp tế nước uống, thực phẩm cho lực lượng cứu rừng.

Trong 3 ngày có mặt cùng các lực lượng tham gia cứu rừng ở huyện Nghi Xuân, chúng tôi được chứng kiến những tấm lòng, nghĩa cử hết sức cao cả. Sau chừng một giờ xảy ra đám cháy rừng tại xã Xuân Hồng, bên cạnh nhân dân trên địa bàn và các lực lượng có mặt tham gia cứu rừng, ông Đậu Văn Tiến người dân ở thôn 8, xã Xuân Phổ cách hiện trường hơn 15 km mang theo chiếc cưa xăng tham gia dập lửa. Và ròng rã suốt 3 ngày liền chỉ ăn vội những suất cơm do các lực lượng tiếp tế, ông kiên cường bám trụ hiện trường cùng các lực lượng cứu rừng. Tìm hiểu chúng tôi được biết, ông Đậu Văn Tiến làm nghề thợ mộc tại xã Xuân Phổ và trong suốt những năm qua khi nghe tin trên địa bàn cháy rừng là ông tức tốc mang theo chiếc cưa có mặt cứu rừng. Trong đợt này, mặc dù bố ông đang mổ ruột thừa tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân nhưng khi nghe tin cháy rừng,ông gọi vợ đến trực thay để lên đường chống “giặc lửa”. Theo ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, chứng kiến nghĩa cử cao đẹp của ông Đậu Văn Tiến, địa phương ngõ ý gửi hỗ trợ ít tiền xăng nhưng ông nhất quyết từ chối. Khi chúng tôi hỏi, động cơ nào khiến ông hành động cao cả như vậy? Không cần suy nghĩ, ông trả lời ngay: “Là người con đất Việt không nỡ nhìn đồng bào mình chìm trong hoạn nạn. Do vậy, việc tham gia cứu rừng là trách nhiệm, tình cảm của mọi người dân cả thôi”.

 

Thanh niên tình nguyện mang nước uống tiếp tế cho lực lượng chữa cháy rừng ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.


Khi chứng kiến giữa tiết trời nắng nóng, cùng với sức nóng hừng hực của những cơn “bão lửa” bên cạnh các lực lượng tham gia cứu rừng là hàng trăm người dân và hàng chục doanh nghiệp mang theo nước uống, thực phẩm hỗ trợ lực lượng cứu rừng. Tại khu vực rừng bị cháy ở huyện Nghi Xuân, trong 3 ngày qua, có hàng chục doanh nghiệp gác lại ngày nghỉ trích quỹ vốn mua nước, sữa, bánh mỳ…tiếp tế cho lực lượng cứu hộ. Đáng chú ý không phải đám cháy xảy ra trên địa bàn nhưng các đơn vị, doanh nghiệp ở Nghệ An như Bệnh viện Quân y 4; Trường Mầm non quốc tế Sun Rai… đã kịp thời động viên các lực lượng bằng những chai nước mát, những chiếc bánh mỳ. Đặc biệt, Nhà hàng Minh Hồng ở thành phố Vinh đã tạm thời đóng cửa nấu 1.000 suất cơm cùng 1.000 chai nước ngọt, 1.000 chai nước khoáng và 300 kg đá lạnh miễn phí để hỗ trợ lực lượng chức năng ngày đêm dập lửa cứu rừng.

Tại điểm cháy rừng xã Sơn Lệ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) mặc dù đám cháy bùng phát lúc nữa đêm nhưng có những cụ già vẫn chống gậy mang theo chai nước tiếp tế cho bộ đội. Chính có những con người, những hành động nghĩa tình cao đẹp đó đã tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng kiên cường chiến đấu, chiến thắng “giặc lửa”. Những hành động, nghĩa tình đó thêm tô thắm và gắn kết nghĩa tình quân dân góp phần đập tan mọi kè thù, giặc giã xâm phạm tới cuộc sống bình yên nhân dân và chủ quyền quốc gia./. 

Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực