Thực trạng và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc

Thứ tư, 15/03/2017 15:33
(ĐCSVN) - Ngày 15/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc”. Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân chủ trì Hội thảo.

Hội thảo khoa học "Thực trạng và kinh nghiệm đấu tranh
phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc". (Ảnh: HM)

Theo báo cáo đề dẫn do Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Trọng Đạo, Chuyên viên cấp cao Học viện Chính trị Công an Nhân dân trình bày tại Hội thảo: Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc những năm qua; làm rõ những phương thức, thủ đoạn và hoạt động của loại tội phạm này, nhất là những phương thức, thủ đoạn mới; nghiên cứu đánh giá kết quả triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh của các cơ quan chức năng, từ đó rút ra những kinh nghiệm và định hướng công tác trọng tâm cần tiến hành nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này thời gian tới. Trên cơ sở đó, Học viện Chính trị Công an Nhân dân sẽ nghiên cứu, đánh giá để có những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương về các vấn đề có liên quan.

Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm, tham gia viết tham luận của các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng như của các địa phương vùng Tây Bắc. Các bài viết đã phản ánh được những vấn đề đang nổi lên về hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia và công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này ở vùng Tây Bắc thời gian qua; trao đổi những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các yếu tố về vị trí địa lý, tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội tác động ảnh, hưởng đến quá trình phát sinh hoạt động phạm tội xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc cũng như các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này của các cơ quan chức năng thời gian qua; phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm trong quá trình tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc những năm qua.

Các đại biểu đều khẳng định vai trò quan trọng của vùng Tây Bắc đối với quốc phòng, an ninh. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh và phúc lợi xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đạt kết quả đáng phấn khởi, tác động tích cực đến sự ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, công tác quốc phòng, an ninh được các địa phương triển khai có hiệu quả.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, lịch sử, tự nhiên, xã hội, tác động của xu hướng gia tăng tội phạm trên thế giới và khu vực, tình hình hoạt động tội phạm nói chung tại các tỉnh vùng Tây Bắc những năm qua có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ…  

Trước tình hình đó, lực lượng Công an các tỉnh Tây Bắc đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an cũng như các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm của Bộ đội biên phòng, Hải quan tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng. Lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động phát hiện bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng ở khu vực vùng Tây Bắc vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, đó là: công tác kiểm soát, quản lý vùng biên giới gặp nhiều khó khăn do đường biên giới dài, địa hình chủ yếu đồi núi, hiểm trở; các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm tại các tỉnh Tây Bắc, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm còn thiếu về số lượng; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chưa hiện đại; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc còn chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả…

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn còn vướng mắc, các đại biểu đã dự báo diễn biến của tình hình tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc thời gian tới và đưa ra các giải pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở địa phương mình./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực