Trí tuệ nhân tạo - Từ góc nhìn “an ninh con người”

Thứ tư, 12/06/2019 11:51
(ĐCSVN) - Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - viết tắt là AI) là thuật ngữ chỉ “trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người”. AI có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi,... như trí tuệ con người, thậm chí có những trường hợp AI còn nhanh và thông minh hơn con người.

Ngày 8/6 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế, kỹ thuật số và thương mại, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tại Tsukuba (Nhật Bản), đã ra tuyên bố chung về hợp tác “ứng dụng AI có trách nhiệm”, bởi những quan ngại về an ninh con người.

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản ngày 8-6-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ quy tắc đầu tiên…

Các Bộ trưởng G20 thống nhất rằng, bên cạnh lợi ích to lớn mà AI mang lại cho con người, cần thiết phải tránh những rủi ro và xác nhận sẽ thúc đẩy lưu thông dữ liệu một cách tự do xuyên biên giới; đồng thời cùng đề xướng một quy tắc về truyền tải dữ liệu, trong đó dữ liệu phải được “lưu thông tự do với sự tin cậy”.

“Chia sẻ về lợi ích to lớn của AI, đồng thời giảm tới mức thấp nhất quan ngại về những rủi ro” mà công nghệ này đưa lại, bởi những mặt trái của AI đã được chỉ ra như: xâm hại quyền riêng tư, lấy đi việc làm của người lao động… Vì thế, G20 nhấn mạnh sẽ thực hiện xây dựng “một xã hội tương lai mà trọng tâm là con người”.

Quy tắc nêu trên ra đời trong bối cảnh những khối lượng dữ liệu khổng lồ đang hằng ngày, hàng giờ được tích lũy, lưu trữ như: dữ liệu kinh doanh, sản xuất, dịch vụ... việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này có thể tạo ra một cuộc cách mạng kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu thông tin bị lộ lọt sẽ dẫn tới những rủi ro về an ninh không nhỏ.

Trước đó, tại Hội nghị Tương lai châu Á (30/5), Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng đã đề xướng việc hoàn thiện những quy tắc có tính tin cậy cao hướng tới xây dựng một “khu vực lưu thông dữ liệu” tự do xuyên biên giới. Vì thế, quy tắc nêu trên vừa đáp ứng nhu cầu cải cách WTO, vừa là một trong những khâu chuẩn bị quan trọng cho Thượng đỉnh G20 sắp diễn ra vào ngày 28 và 29/6 tại Osaka (Nhật Bản).

Đến những quan ngại về an ninh…

Ai cũng thừa nhận rằng, AI mang lại rất nhiều giá trị cho đời sống nhân loại, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Đặc biệt là khi AI đạt tới ngưỡng tiến hóa nào đó thì chúng thậm chí có thể tiêu diệt cả con người. Theo dự báo, khoảng từ 5-10 năm nữa, ngành khoa học AI sẽ phát triển tới đỉnh cao.

Trong giới chuyên gia hiện có những ý kiến cho rằng sự phát triển của AI chính là “con dao hai lưỡi”, rằng “trong khi AI có thể là niềm hy vọng lớn nhất ngăn cản làn sóng tấn công mạng, thì bản thân nó cũng có thể tạo thêm nhiều chiến thuật tấn công tiên tiến trong ngắn hạn”.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến (2018), có 62% số người được hỏi cho biết, AI sẽ bị sử dụng vào việc tấn công mạng, 32% cho rằng AI sẽ không có khả năng này, còn  6% trả lời không biết. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng, việc sử dụng tiềm năng AI để làm một vũ khí tấn công sẽ không làm chậm việc sử dụng nó như một công cụ phòng thủ.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều người lo lắng trong tương lai những mối đe dọa có thể đến từ AI. Hai giám đốc điều hành của Tesla (Elon Musk) và Facebook (Mark Zuckerberg), đã có cuộc tranh luận trên Twitter về AI. Trong khi ông Musk cảnh báo AI là “mối đe dọa lớn nhất cho xã hội con người” và cần được kiểm soát trước khi quá muộn, thì ông Zuckerberg đã bác bỏ ý kiến nêu trên.

Những người nổi tiếng như: Stephen Hawking, Bill Gates, Elon Musk...đã viết trong cuốn sách Siêu trí tuệ (SI) cho rằng “khi AI đạt mức trí thông minh tổng quát (GI), nó có thể tự lập ra những thuật toán mới để đạt tới mức SI. Khi đó, AI có thể vượt qua con người, tới mức siêu nhiên, khiến sự lo ngại về việc AI “nô lệ hóa” con người là có cơ sở.

Cũng giống như loài người khi thống trị tất cả sinh vật trên trái đất vì có trí thông minh hơn hẳn, và khi máy móc có trí thông minh vượt trội, loài người cũng có thể trở thành nô dịch của máy móc. Trong khi loài người còn tồn tại lòng thương xót đối với loài vật nào đó thì máy móc lại không có lòng thương như vậy, bởi trong “mắt” AI, con người chỉ giống như một cỗ máy.

Được biết, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang nghiên cứu Dự án EATR, trong đó các robot nano tự tạo ra năng lượng bằng cách ăn các chất hữu cơ từ cây cối và động vật (cả con người). Nghe có vẻ giống như trong các bộ phim viễn tưởng, nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu sợ ngay từ bây giờ”.

Và sự cần thiết phải kiểm soát

Có dự báo cho rằng, “AI có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất". Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, các AI hiện nay vẫn chưa đạt tới mức GI, tức là không có khả năng xử lý tất cả tình huống xảy ra trong thực tế giống như con người. Và việc đưa AI đạt tới mức GI luôn là thách thức của các nhà phát triển. Bởi khác với con người, máy móc chỉ có thể học một lần một loại kỹ năng.

Theo đó, máy chơi cờ tướng chỉ có thể chơi cờ tướng. Nó có thể học cả tỷ nước đi của cờ tướng, nhưng không thể học dù chỉ một nước đi của cờ vua. Nếu các nhà khoa học muốn cho cỗ máy chơi cờ tướng học cách chơi cờ vua, trước hết họ phải để nó quên tất cả dữ liệu liên quan đến cờ tướng. Đây gọi là “thảm họa quên lãng” của AI.

James Kirkpatrick, một chuyên gia trong dự án AI DeepMind của Google, lại mới tiết lộ đã phát triển được một thuật toán giúp máy móc có thể học hỏi như con người, dựa trên những nghiên cứu từ khoa học thần kinh, trong đó có kỹ năng kết nối với quá khứ.

Theo giới quan sát, hiện nay trên thế giới có khoảng 50 quốc gia đang nghiên cứu các robot chiến trường như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Nhật Bản… Vì thế, nhiều người lo ngại điều này sẽ sớm dẫn đến việc máy móc có thể giết hại con người mà con người không kiểm soát được.

Tuy nhiên, mới đây công ty công nghệ IBM lại khẳng định: “mọi chuyện đang bị thổi phồng lên”. Ông Adam Cheyer đồng sáng lập chức năng Siri, một chức năng hỗ trợ sử dụng AI đã so sánh nỗi sợ về việc AI sẽ trở nên quá thông minh cũng giống với việc lo ngại bùng nổ dân số trên Sao Hỏa. Ông khẳng định “Chúng ta còn chưa chạm được đến khởi đầu của AI. Thậm chí còn chưa làm được điều gì”, thì sự lo ngại là quá sớm.

Như vậy, một trong những thành tựu của thời đại 4.0 là giải phóng lao động trí não của con người thông qua việc sản sinh ra máy móc thông minh, đến lượt máy móc với AI đạt mức SI, lại khiến con người lo ngại về nguy cơ bị “nô lệ hóa”.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, AI dù thông minh đến mấy thì vẫn do con người sáng tạo ra, và con người chắc chắn sẽ tìm ra phương thức quản lý máy móc có hiệu quả trước khi AI có thể đạt đến trình độ GI. Vì thế, sự quan ngại về  an ninh con người bởi sự tiến bộ của AI vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực