Bài 3: Dần định hình chính sách trong quan hệ Mỹ - Trung?

Thứ hai, 10/04/2017 19:46

Chuyển động trong chính sách đối ngoại của chính quyền D.Trump

Chuyển động trong chính sách đối ngoại của chính quyền D.Trump

(ĐCSVN) - Mỹ - Trung là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm hơn 35% GDP toàn cầu, kim ngạch thương mại song phương đã vượt quá 663 tỷ USD (2016). Có thể nói, hai nước Mỹ - Trung, tuy không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng bất kỳ vấn đề lớn nào trên thế giới nếu không có sự hợp tác của hai quốc gia này thì đều khó có thể được giải quyết. Quan hệ “nước lớn kiểu mới” đã được định hình từ năm 2013. Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng thì quan hệ hai nước chắc chắn sẽ phải có sự thay đổi.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: thanhnien.vn

Từ “kinh tế hóa chính trị”…

Từ chiến lược “xoay trục” về châu Á của chính quyền tiền nhiệm Obama đến khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của tân Tổng thống Trump, cái chung và nhất quán của chính giới Mỹ đều cho rằng, Trung Quốc là thách thức lớn nhất với vị thế siêu cường của họ.

Tuy nhiên, theo giới quan sát các chính quyền tiền nhiệm, thường áp dụng phương pháp khi tiếp cận với Trung Quốc là từ các vấn đề tư tưởng - chính trị. Ngày nay, chính quyền của ông Trump lại tiếp cận từ góc độ lợi ích kinh tế; những tuyên bố “cứng rắn” trong quá trình tranh cử hay những động thái sau hơn 2 tháng thực quyền cũng chỉ là sự thay đổi cách tiếp cận với Bắc Kinh mà thôi.

Theo giới phân tích, lợi ích của người dân Mỹ từ lâu đã bị giới chính trị gia xem nhẹ so với các trụ cột khác trong cấu thành sức mạnh quốc gia Mỹ. Nay ông Trump đã chọn con đường “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” với việc gia tăng lợi ích Mỹ, chứ không phải giá trị phổ quát như các Tổng thống tiền nhiệm.

Ngay từ khi tranh cử đến khi điều hành đất nước, ông Trump luôn cho rằng nước Mỹ đã bị cả đối tác lẫn đối thủ làm hại. Ông thề quyết tâm lấy lại cho nước Mỹ, cho người dân Mỹ những gì họ đã mất. Trong số những đối thủ bị cáo buộc cướp mất lợi ích của Mỹ, Trung Quốc là nước bị ông Trump chỉ trích mạnh mẽ nhất.

Thậm chí ông Trump còn dọa sẽ sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt Trung Quốc để lấy lại lợi ích cho người Mỹ kể cả việc tăng 45% thuế đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc. Vì thế, trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Trump chắc chắn sẽ thể hiện tính xuyên suốt của tư duy “kinh tế hóa chính trị”.

Đến “cân đối hóa thương mại”…

Thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã được ông Trump cho là không công bằng. Sự khác biệt về giá nhập khẩu, đồng Nhân dân tệ định giá quá thấp so với giá trị thực… đã dẫn đến bất lợi thương mại cho Mỹ, chính quyền Obama cũng nhận ra điều này nhưng giải quyết không triệt để.

Tổng thống Trump lại khác, ông chủ trương chặn đứng, không để mất thêm thị trường Mỹ vào tay các đối tác thương mại, nhất là Trung Quốc. Ông Trump lựa chọn giải pháp đối đầu với Trung Quốc trực tiếp bằng việc đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với tên gọi “thương mại tự do”.

Ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, và tìm cách đàm phán lại NAFTA… Song, Tổng thống Mỹ chưa thể hiện bất cứ ý định nào từ bỏ WTO.

Tại diễn đàn kinh tế Davos, chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh về vấn đề đẩy mạnh thương mại và tự do hóa đầu tư cũng như nói không với chủ nghĩa bảo hộ. Trong khi ông Trump là người theo chủ nghĩa trọng thương và ông cũng đã từng tuyên bố “thương mại là điều tốt đẹp nếu mọi người cùng tôn trọng luật chơi”.

Giới phân tích nhận định, thay vì bảo hộ hay gây ra một cuộc chiến tranh thương mại mà cả hai bên đều bị thiệt hại, việc xây dựng thị trường tự do với tiêu chuẩn cao, công bằng và chặt chẽ sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho Trung Quốc mà còn cả cho Mỹ. Vì thế, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, phát triển thương mại lành mạnh giữa hai bên.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Trung Quốc đã chuẩn hàng loạt các “con bài” kinh tế - tài chính để “đấu tranh chiến lược” trường kỳ với Mỹ như: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới (NDB), Hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc (CIPS) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Về ngoại giao, Trung Quốc cũng đã thi hành chính sách “Ngoại giao quyến rũ” với mục tiêu “cùng thắng”, khái niệm 3 không (không đối đầu, không tranh bá, không xưng bá), và chủ trương “tam lân” (an lân, mục lân, phú lân) tức là ổn định các nước xung quanh, chung sống hòa bình và đem lại thịnh vượng cho các nước láng giềng. Vì thế, khó có thể xẩy ra “cuộc chiến thương mại”, mà chỉ là cân đối lại lợi ích kinh tế, thương mại giữa hai bên.

Và “tối đa hóa” lợi ích an ninh…

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump có vẻ coi nhẹ tầm quan trọng của liên minh quân sự và cho biết sẵn sàng cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trên thế giới để tập trung cho việc bảo đảm an ninh quốc gia. Nếu điều này trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ coi đây là cơ hội để củng cố vị thế khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, ông Trump chắc chắn sẽ điều chỉnh quan điểm của mình, ông sẽ duy trì liên minh quân sự song phương ở CA-TBD. Theo đó, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ phải chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn, nhất là chi phí quốc phòng, vì hai quốc gia châu Á này không thể cắt đứt quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ.

Cũng theo giới phân tích, ông Trump có thể không cần động binh, nếu điều này  có lợi hơn cho Mỹ. Với tư duy, kinh tế hoá chính trị đã được xem là nền tảng trong quan hệ Mỹ - Trung, thì mọi thứ, kể cả an ninh, quốc phòng ông Trump đều có thể đặt lên bàn thương lượng vì lợi ích “nước Mỹ là số một”.

Mọi xung đột vốn có trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đều có thể được hoá giải dựa vào nguyên tắc nêu trên. Đây chính là sự khác biệt trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Trump so với các chính quyền tiền nhiệm. Điều bí ẩn nhất là ông Trump sẽ làm gì để đặt Trung Quốc "vừa là đối tác vừa là đối thủ”, tức là quan hệ Mỹ - Trung dưới sự dẫn dắt của Washington!?

Vấn đề phức tạp nhất trong đối sách ngoại giao với châu Á đang được Mỹ ưu tiên đó là gây sức ép để Trung Quốc tăng cường xử lý vấn đề Triều Tiên, đồng thời tìm cách “xoa dịu” Bắc Kinh khi Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc.

Như vậy, sau thời gian dài đồn đoán về chính sách đối ngoại “cứng rắn” của tân Tổng thống Mỹ Trump đối với Trung Quốc thì nay mối quan hệ Washington - Bắc Kinh đang dần dần định hình. Tuy nhiên, xét đến cùng, lợi ích quốc gia vẫn là mục tiêu trên hết chi phối giá trị thực trong quan hệ của các nước lớn. Vì thế, vì lợi ích của Mỹ, ông Donald Trump chắc chắn sẽ cân nhắc rất thận trọng để định hình một chính sách đối ngoại rõ ràng với Trung Quốc. Vả lại với "tính cách tư duy kiểu Donald Trump" thật khó có thể định đoán được chắc chắn điều gì trong chính sách đối ngoại của ông trùm bất động sản. Vì chính sách của ông Donald Trump còn đang trong giai đoạn định hình./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực