Hội nghị thượng đỉnh G20 Hamburg 2017 – những khoảng cách đang cần thu hẹp

Thứ hai, 10/07/2017 16:52
(ĐCSVN) - Trong hai ngày 7 - 8/7, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã diễn ra ở Hamburg (Đức) với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối". Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được mời với tư cách nước chủ nhà của APEC 2017.

Lãnh đạo các nước G20 tại Hội nghị thượng đỉnh 2017. (Ảnh: BTA)

Từ sự khác biệt lớn…

Trong các phiên thảo luận Hội nghị đã hướng tới các mục tiêu: xây dựng nền kinh tế toàn cầu tự cường, bền vững và bao trùm; thúc đẩy các ưu tiên về sử dụng năng lượng hiệu quả, tái tạo và phi carbon hóa; thúc đẩy sử dụng thận trọng, chống nhờn kháng sinh trong tất cả các lĩnh vực; hỗ trợ châu Phi, vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới; việc làm và cạnh tranh trong thời đại kinh tế số.

Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đã phải đối mặt với số cuộc khủng hoảng quốc tế trong một thế giới mà Thủ tướng nước chủ nhà Merkel đã miêu tả là “hỗn loạn” với nhiều mâu thuẫn mà các bên khó bề thống nhất trong các phương thức giải quyết.

Các nhà lãnh đạo G20 đã khẳng định tiếp tục thực hiện các cam kết theo thỏa thuận về chống biển đổi khí hậu toàn cầu, hội nghị đã khẳng định ủng hộ tự do thương mại, trong đó cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Tổng thống Mỹ D.Trump đã tập trung sự chú ý của mình vào các cuộc gặp bên lề Hội nghị với các nước lớn như Nga, Trung Quốc…Về vấn đề Triều Tiên, phía Nga đã cảnh báo Mỹ không sử dụng biện pháp quân sự. Được biết, trước đó cả Nga và Trung Quốc đã đề xuất các bên chủ động làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng cách ngừng tất cả các cuộc thử vũ khí từ phía Triều Tiên, tập trận chung Mỹ - Hàn và ngừng triển khai THAAD tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong cuộc họp kín giữa ông Putin và ông Trump “đã có một cuộc trao đổi khá khả quan” về việc làm thế nào để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, mặc dù vẫn có sự “nhìn nhận khác nhau” giữa hai bên về vấn đề này.

Về khủng hoảng vùng Vịnh vẫn khó có tiếng nói chung do các nước lớn đều có lợi ích từ hai bên mâu thuẫn. Tối hậu thư 13 điểm của các quốc gia vùng Vịnh đã bị Qatar từ chối, Thổ Nhĩ Kỳ lại công khai ủng hộ nước này, còn Tổng thống Trump lại tuyên bố Qatar là đồng minh của Mỹ.

Về vấn đề Syria, trong cuộc thảo luận bí mật bên lề Hội nghị giữa hai Tổng thống Putin và Trump được đánh giá là “rất tích cực”. Tuy nhiên, khi kết thúc thảo luận chỉ có vấn đề ngừng bắn tại Syria đã được hai bên nhất trí và sẽ thực hiện ngay vào 12h ngày 9/7.

Về chống khủng bố cũng là một vấn đề gây tranh cãi không chỉ trong các nước vùng Vịnh mà còn là đối với cả các nước trong G20 kể cả EU, Mỹ, Nga… Trong tuyên bố chung G20 chỉ nhấn mạnh một trong những giải pháp tích cực là chống lại việc tài trợ cho khủng bố thông qua trao đổi thông tin, hối thúc lực lượng đặc nhiệm (FATF) ngăn chặn có hiệu quả các nguồn tài trợ cho khủng bố.

Đến khó tìm tiếng nói chung…

G20 là một diễn đàn kinh tế lớn, chiếm gần 70% dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế. Diễn đàn này đã từng chứng minh khả năng và tầm ảnh hưởng lớn của mình trong việc hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, G20 cũng đã nhiều lần rơi vào bất đồng vì không tìm được tiếng nói chung.

Theo giới quan sát, tuyên bố chung về ngăn chặn tài trợ khủng bố là sự đồng thuận hiếm hoi đạt được tại G20 lần này trong bối cảnh Mỹ và các nước ngày càng chia rẽ về các vấn đề như thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hãng tin AFP còn bình luận Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, vốn là một sự kiện ngoại giao thường niên, đã trở thành một trong những hội nghị “bão táp” nhất trong lịch sử của G20. Kể từ sau G20 năm 2016, thế giới đã phải chứng kiến nhiều biến động khó lường. Việc ông Trump triển khai chính sách bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa, rút cam kết với TPP, đàm phán lại về TTIP… đã gây áp lực lên hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu.

Trước đó, Brexit cũng đã gây tác động tiêu cực không nhỏ đối với thế giới, khiến các nỗ lực duy trì ổn định và thịnh vượng của các quốc gia không mấy hiệu quả. Chủ nghĩa dân túy lên ngôi cũng gây ra làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hóa lan rộng, cản trở động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Trong nội tình các nước thành viên G20 cũng đối mặt với những mâu thuẫn và cạnh tranh quyết liệt về địa - chính trị. Trong khi Thủ tướng Đức Merkel thừa nhận về sự “bất đồng trong vấn đề biến đổi khí hậu”, thì ông Trump lại tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris và cho đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng.

Và đã có sự nhượng bộ…

Theo giới phân tích, mặc dù vẫn còn khá nhiều điểm bất đồng, nhưng qua thảo luận G20 cũng đã đạt được những thỏa hiệp nhất định như vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, Mỹ đề xuất đưa việc sử dụng năng lượng hóa thạch vào mục biến đổi khí hậu trong thông cáo chung. “Nước Mỹ cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các nước khác để đảm bảo họ có thể tiếp cận và sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch một cách hiệu quả và sạch sẽ hơn”.

Thông cáo chung của Hội nghị cho biết: “Chúng tôi sẽ luôn mở cửa thị trường, quan tâm đến tầm quan trọng của thương mại và các khung đầu tư giúp đôi bên cùng có lợi”. G20 sẽ “tiếp tục đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm tất cả hoạt động thương mại không công bằng, và ghi nhận quy định về các công cụ bảo vệ thương mại hợp pháp”.

Trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Merkel nói: “Rõ là chúng ta đã không hoàn toàn đạt được sự đồng thuận, nhưng những khác biệt không phải không được nêu ra, nó đã được nhắc tới rất rõ ràng”.

Bà Merkel thừa nhận quá trình đàm phán để đưa ra thông cáo chung là “rất khó khăn”, nhưng sau đó đã có sự nhượng bộ. “Kết quả rất tốt. Chúng ta đã có được một thông cáo chung. Chỉ có duy nhất một vấn đề sót lại là biến đổi khí hậu nhưng tôi hi vọng các nhà lãnh đạo thế giới có thể tìm kiếm được sự thỏa hiệp trong vấn đề này”.

Thông cáo chung được xem là dấu ấn quan trọng về sự thành công và vị thế của nước chủ nhà. Hội nghị G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh những khác biệt lớn giữa Mỹ và các nước còn lại xung quanh vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu. “Nhưng chúng ta đã có một thông cáo chung của 20, chứ không phải 19 nước”. Đó là bình luận của một nhà ngoại giao EU.

Việt Nam được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay trên cương vị Chủ nhà APEC 2017, cho thấy vị thế, vai trò của APEC trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu; đồng thời cho thấy Việt Nam luôn có trách nhiệm cùng với các đối tác giải quyết các thách thức toàn cầu.

Như vậy, trong bối cảnh phức tạp của thế giới, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã đạt được một số đồng thuận nhất định. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lớn vẫn còn bỏ ngỏ, nhất là sự phân hóa trong cách tiếp cận về xu hướng phát triển kinh tế thế giới, vấn đề chống khủng bố và an ninh toàn cầu… Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, việc “Định hình một thế giới kết nối” vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực