Nhân tố người Kurd với câu chuyện về hòa bình ở Trung Đông

Thứ ba, 08/08/2017 18:58
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq đang dần tới hồi kết, thì giấc mơ độc lập của người Kurd lại trỗi dậy. Nhân tố người Kurd trong câu chuyện hòa bình ở Trung Đông lại trở lại với những tình tiết mới nhưng không hề bất ngờ.
Người Kurd ở Iraq (Ảnh AFP).

Từ giấc mơ độc lập…

Sau thế chiến I, cộng đồng người Kurd với gần 30 triệu dân sinh sống tại vùng đất Kurdistan đã bị phân chia ra ở 4 nước (Iraq, Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ). Nhiều thập kỷ trôi qua, người Kurd tại các nước nêu trên đã phát động các chiến dịch đòi quyền tự trị hoặc độc lập cho cộng đồng.

Tuy nhiên, họ đã không nhận được sự ủng hộ của chính quyền Trung ương cũng như các nước trong khu vực. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, cộng đồng người Kurd với 5 triệu dân ở Iraq mới được hưởng quy chế tự trị theo một thỏa thuận với chính phủ nước này.

Trước nguy cơ khủng bố lan tràn (2014), giấc mơ “lập quốc” của cộng đồng này tạm lắng dịu. Lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria và Iraq đã tập trung nỗ lực vào cuộc chiến chống khủng bố như một lời khẳng định bản thân trước cộng đồng quốc tế, với sự hỗ trợ từ Mỹ và phương Tây.

Hiện cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria đang đạt được nhiều tiến bộ với hầu hết diện tích bị IS chiếm đóng đã được thu hồi, khiến người đứng đầu chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq Massoud Barzani đã ngay lập tức ấn định ngày 25/9 là ngày trưng cầu ý dân về quyền độc lập của cộng đồng, vì theo ông thời cơ đã “chín muồi”.

Cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra tại khu vực tranh chấp Kirkuk và 3 khu vực khác là, Makhmour (Bắc); Sinjar (Tây Bắc); và Khanaqin (Đông) của Iraq. Ông Barzani nói: “Người dân Kirkuk sẽ đưa ra quyết định của mình trong cuộc trưng cầu ý dân và quyết định của chúng tôi phải được tôn trọng”.

Ngày 28/7, phát biểu tại Washington (Mỹ), con trai thủ lĩnh Massoud Barzani, đồng thời là Thủ tướng chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq cũng cho rằng thành phố Mosul, nơi từng được xem là thành trì của IS, đã được giải phóng. Đây là thời điểm phù hợp nhất để trưng cầu ý dân về nền độc lập cho người Kurd.

Tại Syria, người Kurd cũng ráo riết xây dựng cho mình một cơ chế tự trị. Theo một quan chức chính quyền khu tự trị của người Kurd tại miền Bắc Syria, cộng đồng này sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tại các Hội đồng ở địa phương và khu vực vào tháng 9, 11 hoặc vào đầu năm 2018.

Theo giới phân tích, đây có thể là mục tiêu trung gian để tiến tới một nhà nước độc lập tách khỏi Syria. Tuy nhiên, cho đến nay, lãnh đạo người Kurd tại Syria vẫn luôn khẳng định một nhà nước độc lập không phải là mục tiêu của họ.

Đến toan tính lợi ích của các bên…

Ngày 5/7, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Numan Kurtulmus cho biết, các hoạt động chuẩn bị về quân sự của nước này ở Tây Bắc Syria là một phản ứng hợp pháp nhằm đối phó với mối đe dọa từ lực lượng người Kurd tại khu tự trị Afrin (Syria) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.

Phó Thủ tướng Kurtulmus khẳng định: “Là một quốc gia hợp pháp, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy mối đe dọa nghiêm trọng từ phong trào khủng bố bên kia biên giới và thực thi biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo an ninh của chính mình”. “Đây là một biện pháp hợp pháp để Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ nền độc lập. Chúng tôi không thể im lặng trước hành vi tấn công của các đơn vị YPG và Đảng PYD”.

Trong khi đó, các đơn vị YPG - lực lượng quan trọng trong Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn vừa qua đã tiến hành chiến dịch và đã giành lại Raqqa ở Syria từ tay IS, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi các đơn vị PKK là khủng bố và đặt lực lượng này nằm ngoài vòng pháp luật.

Trong bối cảnh đó, Mỹ lại bắt đầu gửi vũ khí và trang thiết bị quân sự cho lực lượng dân chủ người Kurd ở Syria nhằm giúp họ tiếp tục chiến đấu với các tổ chức khủng bố.Theo đó, đạn dược, súng, áo giáp và nhiều thiết bị quân sự khác của lực lượng dân chủ người Kurd đều do Washington cung cấp.

Trước đó, ngày 30/5, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev chuẩn bị cho cuộc đàm phán tiếp theo về Syria tại Astana, nhưng hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, do bất đồng về việc phân định giữa lực lượng đối lập và lực lượng khủng bố trên chiến trường và vấn đề tương lai của ông al-Assad.

Và hệ lụy khó lường…

Sau thắng lợi lớn của các chiến dịch chống IS, giờ đây nỗi lo giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, Syria và một số nước trong khu vực lại dấy lên, bởi câu hỏi liệu lá cờ của người Kurd có tung bay tại trụ sở Liên hợp quốc trong thời gian tới hay không?

Iraq đã sớm lên tiếng phản đối cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 25/9, bởi đó là sự vi phạm hiến pháp quốc gia, và chính quyền đã đưa ra lời cảnh báo cộng đồng người Kurd rằng, bất kỳ động thái nào nhằm sáp nhập Kirkuk, khu vực có nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào đều là vi hiến. Iraq còn khẳng định rằng, cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang là ưu tiên hàng đầu. Đây là lập trường chung của cả đồng minh Mỹ và của chính phủ mà người Kurd tại đây cần phải quan tâm.

Các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran - nơi có đông người Kurd sinh sống đều phản đối các hình thức trưng cầu ý dân của cộng đồng người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ cho đây là “một sai lầm nghiêm trọng”, gây bất lợi cho Iraq, khiến nguy cơ bất ổn kéo dài cho cả khu vực, còn Iran luôn khẳng định ủng hộ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Iraq.

Theo giới quan sát, đối với Syria việc cộng đồng người Kurd đòi độc lập hay  đòi tự trị đều khiến tình hình an ninh khu vực vốn đã bất ổn nay lại càng phức tạp hơn, nếu các mục tiêu của người Kurd đặt ra được hiện thực hóa.

Như vậy, vấn đề IS chưa qua, vấn đề người Kurd lại đến, khiến cho nỗi lo không chỉ của chính phủ Iraq, Syria, mà còn là nỗi lo của cả Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và những nơi có cộng đồng người Kurd sinh sống. Vì thế, giới phân tích cho rằng, bên cạnh việc chống khủng bố, chính quyền các nước Trung Đông cần phải nỗ lực làm nhiều việc hơn để vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia./.

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực