Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp niêm yết HNX 6 tháng tăng 20,2%

Thứ hai, 07/10/2019 16:29
(ĐCSVN) - Tính đến ngày 18/9/2019, đã có 338/357 doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) công bố đầy đủ báo cáo tài chính soát xét bán niên đúng hạn (trừ 9 doanh nghiệp thay đổi niên độ kế toán là VTL, GLT, CAP, MHL, IDV, SJ1, SLS, KTS, VDL công bố báo cáo tài chính các quý khác).
Có tới 9/11 ngành có kết quả kinh doanh lãi bán niên năm 2019. (Ảnh: M.P)

Theo số liệu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tại báo cáo tài chính (BCTC) bán niên soát xét năm 2019, có 62 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 chênh lệch quá 10% so với số liệu tại BCTC quý II/2019 do doanh nghiệp tự lập. Đặc biệt, có 4 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sau soát xét từ lãi thành lỗ, đó là LO5, BII, VC9, VE1, và có 1 doanh nghiệp là ATS có kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi.

Căn cứ vào số liệu BCTC soát xét bán niên 2019 của các tổ chức niêm yết đã công bố BCTC, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết HNX là 10.447,4 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 282 doanh nghiệp niêm yết có kết quả hoạt động kinh doanh lãi 6 tháng đầu năm 2019 với tổng giá trị lãi đạt hơn 11.139 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước, 56 doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ, tổng giá trị lỗ là 693,7 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt có tới 9/11 ngành có kết quả kinh doanh lãi bán niên năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất là ngành bất động sản có tổng giá trị lợi nhuận sau thuế đạt 384,4 tỷ đồng, tăng 73,8% so với cùng kỳ năm trước, và ngành công nghiệp có tổng giá trị lợi nhuận sau thuế đạt 2.043,8 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó các doanh nghiệp góp phần lớn vào sự tăng trưởng lợi nhuận của ngành phải kể đến là VCS, DGC, NTP, BCC. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu tăng, chi phí tài chính, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, do sáp nhập các công ty con. Chỉ có 2 ngành có tổng lợi nhuận giảm là ngành Thương mại và Dịch vụ lưu trú ăn uống,  ngành Thông tin, truyền thông và các hoạt động khác.

Ở chiều ngược lại, các ngành có lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhất là ngành công nghiệp (12 doanh nghiệp với tổng giá trị lỗ 244,9 tỷ đồng, ngành tài chính (4 doanh nghiệp với tổng giá trị lỗ 158,3 tỷ đồng, trong đó 12/22 doanh nghiệp có trong ngành này có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước) và ngành thương mại và dịch vụ lưu trú ăn uống (13 doanh nghiệp với tổng giá trị lỗ 87,5 tỷ đồng). Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm nhiều nhất cũng như thua lỗ nhiều nhất thuộc nhóm các công ty chứng khoán, đó là WSS, SHS, VIX, VIG, APS. Nguyên nhân chủ yếu là do lỗ từ hoạt động đầu tư tài chính, đánh giá lại giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính. Bên cạnh đó DNY có kết quả kinh doanh giảm mạnh do công ty bị phạt hành chính và tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng.

Có 2 ngành có tổng lỗ giảm là ngành vận tải kho bãi và ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm từ -2,7 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2018 còn -0,9 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2019) và 1 ngành duy nhất không có lỗ trong 2 kỳ bán niên năm 2018 và năm 2019 là ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản.

Sở GDCK Hà Nội cho biết đã xem xét đưa vào danh sách chứng khoán bị cảnh báo đối với 19 doanh nghiệp do chậm hoặc chưa nộp báo cáo tài chính sóat xét bán niên 2019 quá 15 ngày; kiểm soát hoặc đưa vào danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ đối với 34 doanh nghiệp chậm hoặc chưa nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 quá 5 ngày và 39 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế/lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm, và 11 doanh nghiệp có báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 không được tổ chức kiểm toán chấp thuận toàn phần.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực