Bảo đảm tiến độ, chất lượng giải ngân, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ hai, 11/01/2010 17:39
Ðến cuối năm 2009, tỷ lệ giải ngân, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) cao hơn so với cùng kỳ, nhưng chất lượng giải ngân có phần chưa đáp ứng yêu cầu, mục đích. Công tác thanh toán còn có những yếu tố ảnh hưởng gây khó khăn làm chậm tiến độ, hoặc phức tạp trong thu hồi vốn.

Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN), năm 2009, vốn đầu tư XDCB tập trung ngân sách, Chính phủ giao quản lý chi là 98.723 tỷ đồng; hệ thống KBNN nhận quản lý cả các nguồn đầu tư XDCB khác của ba cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã tính chung là 135.670 tỷ đồng. Ðến tháng 11, số vốn giải ngân đạt 84.200 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch Chính phủ giao, bằng 62,1% kế hoạch tiếp nhận quản lý. Ðối với nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, kế hoạch giao quản lý chi đầu tư XDCB các dự án giao thông, thủy lợi là 42 nghìn tỷ đồng, đến tháng 11, KBNN giải ngân được 22.515 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch; quản lý chi các dự án y tế năm nghìn tỷ đồng, hết tháng 11, KBNN đã thanh toán khối lượng hoàn thành trị giá 2.563 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch; các dự án giáo dục được phân bổ 7.416 tỷ đồng, hết tháng 11, đã thanh toán hơn 3.689 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch. Ðối với việc ứng trước kế hoạch trong năm 2009, nguồn vốn XDCB tập trung đã ứng trước 21.265,7 tỷ đồng, KBNN đã thanh toán khối lượng hoàn thành trị giá 11.825,4 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch; nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thủy lợi ứng trước 1.166,2 tỷ đồng, KBNN đã thanh toán khối lượng hoàn thành trị giá 893,3 tỷ đồng, bằng 77% kế hoạch. Về nguồn vốn thực hiện chương trình, mục tiêu, kế hoạch vốn đầu tư năm 2009 là 229,6 tỷ đồng, hết tháng 11, KBNN đã thanh toán khối lượng hoàn thành trị giá 52,3 tỷ đồng, bằng 22,7% kế hoạch.

Tiến độ giải ngân, thanh toán vốn đầu tư XDCB tuy có khá hơn so với cùng kỳ, nhưng so với kế hoạch, vẫn còn chậm, trong thực tế đã phát sinh những yếu tố làm cản trở, hạn chế tiến độ giải ngân sớm được nhận diện, khắc phục, tháo gỡ kịp thời. Ðó là việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2009 còn có những khu vực chưa tập trung, chưa sát thực tế, nên thường xuyên xảy ra tình trạng phải điều chỉnh kế hoạch bố trí vốn, ảnh hưởng lớn công tác giải ngân, thanh toán. Một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, do thiếu quỹ đất, nhà tái định cư và có sự thay đổi trong chính sách bồi thường, hỗ trợ như việc ban hành Nghị định số 69/2009/NÐ-CP, ngày 13-8-2009, quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nhiều dự án, gói thầu có những lý do khác nhau phải kéo dài thời gian thi công dẫn đến trượt giá, hoặc có khối lượng phát sinh lớn, phải làm các thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán và bổ sung kế hoạch vốn, nên chưa đủ hồ sơ để giải ngân như Dự án nút giao thông Kim Liên, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên... Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa quan tâm công tác nghiệm thu khối lượng, chậm làm các thủ tục hồ sơ thanh toán, hoặc làm thủ tục thanh toán nhưng không đầy đủ cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân thanh toán vốn đầu tư. Một số dự án y tế, giáo dục khi được ghi kế hoạch vốn mới triển khai thủ tục, do đó khó có thể thực hiện giải ngân hết số vốn bố trí.

Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán vốn đầu tư XDCB, bảo đảm chất lượng đúng mục đích, yêu cầu, trong những tháng đầu năm 2010 cần thực hiện các giải pháp sau:

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là đối với các dự án vừa được Chính phủ bổ sung vốn năm 2009. Rà soát các thủ tục, dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Kiên quyết cắt, giảm vốn những dự án đến hết tháng 10-2009 chưa giải ngân số vốn đã được bố trí năm 2009; thực hiện điều chuyển vốn đầu tư theo quy định tại Công văn số 7152/VPCP-KTTH, ngày 13-10-2009 của Văn phòng Chính phủ.

Ðối với những dự án đã có khối lượng thực hiện, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu, hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ hoàn chỉnh gửi đến KBNN để thực hiện thanh toán. Thường xuyên giao ban với các chủ đầu tư kiểm điểm thực hiện kế hoạch tiến độ giải ngân các dự án, nâng cao trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước. Thành lập các tổ công tác kiểm tra tình hình thực hiện giải ngân ở từng dự án, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư và nhà thầu.

Việc phân cấp đầu tư là cần thiết để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với trực tiếp quản lý khai thác dự án, công trình của chủ đầu tư, nhưng cơ quan có thẩm quyền liên quan cần nghiên cứu phân cấp phù hợp với năng lực của các chủ đầu tư trong từng trường hợp cụ thể. Hạn chế giao chức năng quản lý dự án cho các chủ đầu tư không chuyên, không đủ năng lực. Tăng cường kiểm tra việc thành lập ban quản lý dự án của các chủ đầu tư nhằm bảo đảm tuân thủ theo đúng các điều kiện quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 99/2007/NÐ-CP, ngày 13-6-2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, thì việc tạm ứng vốn đầu tư xây dựng công trình phải được quy định trong hợp đồng xây dựng và chỉ quy định mức tạm ứng vốn tối thiểu mà không khống chế mức tạm ứng tối đa, vì vậy, mức tạm ứng tối đa có thể đến 100% giá trị hợp đồng.

Việc quy định tạm ứng này có thể dẫn đến một số trường hợp: Một là, số vốn tạm ứng lớn, nếu không có quy định ràng buộc khối lượng hoàn thành, vật tư bảo đảm dễ xảy ra tình trạng nhà thầu sử dụng vốn sai mục đích; Hai là, số vốn tạm ứng lớn, thời gian thu hồi hết tạm ứng kéo dài, theo quy định tại Thông tư số 130/2007/TT-BTC thì vốn tạm ứng được thu hồi hết khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng, như vậy đối với các hợp đồng có điều chỉnh giá có thể dẫn đến hiện tượng tại thời điểm nhà thầu thực hiện tạm ứng mua vật liệu xây dựng giá chưa tăng và chưa thanh toán với người bán hàng, khi thanh toán tạm ứng mua vật liệu xây dựng thì được thanh toán theo giá tại thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giá đã tăng lên. Từ đó dẫn đến tăng giá trị công trình không hợp lý, cơ quan có thẩm quyền liên quan cần nghiên cứu đề xuất mức tạm ứng phù hợp, có sự ràng buộc điều kiện bảo lãnh tương ứng với số tiền tạm ứng, phải xác định được danh mục, giá trị vật tư chủ yếu để tạm ứng, thời gian thanh toán tạm ứng để bảo đảm tiến độ, chất lượng giải ngân, thanh toán vốn đầu tư XDCB.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực