Chưa hết khúc mắc về thuế chứng khoán

Thứ tư, 06/01/2010 15:56
Các nhà đầu tư đã bắt đầu phải nộp thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán, nhưng không vì thế mà những khúc mắc liên quan đến việc nộp thuế này đã hết.

“Nhì nhằng” việc chuyển công ty

Chị Nguyễn Thị Hường vừa chuyển tài khoản giao dịch sang một công ty chứng khoán mới. Tất cả mọi chuyện đều diễn ra bình thường, ngoài một việc: khi kiểm tra sao kê tài khoản tại công ty chứng khoán mới, tất cả giá mua vào đều được xác định là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Chị Hường tỏ ra rất bất bình về việc này, vì theo chị, hầu hết cổ phiếu mua theo giá thị trường, với mức giá cao hơn nhiều so với mệnh giá, nên nếu công ty xác định giá mua vào là 10.000 đồng/cổ phiếu, thì đồng nghĩa với việc đến cuối năm, chị sẽ phải nộp thuế theo mức giá mua vào là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Khi chị Hường phản ánh vấn đề này với đại diện công ty chứng khoán, thì được giải thích rằng, do chị chuyển công ty chứng khoán, nên công ty không có cơ sở xác định giá mua vào, nên... đành phải để giá mua vào là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Chị Hường lại phải mất công liên hệ với công ty chứng khoán cũ để xin được sao kê tài khoản giao dịch, nhưng sau khá nhiều lần điện thoại, thậm chí đến tận nơi, nhưng chị vẫn chưa thể lấy được bản sao kê tài khoản này.

Mối lo phải nộp thuế oan

Khi đóng thuế thu nhập cá nhân, các nhà đầu tư lựa chọn hình thức đóng thuế 0,1% giá trị giao dịch thì không có gì quá phức tạp, nhưng với những nhà đầu tư đóng thuế theo hình thức tính 20% trên mức lợi nhuận, thì vấn đề lại không đơn giản.

Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, các nội dung hướng dẫn việc nộp thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán quá sơ sài, có thể làm nảy sinh rất nhiều vấn đề khi quyết toán thuế vào cuối năm.

Chẳng hạn, theo Thông tư 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, thì “thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ giá mua, các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng”.

Thông tư cũng quy định, giá bán chứng khoán là giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường chứng khoán tại thời điểm bán (giá khớp lệnh tại Sở Giao dịch), giá mua là giá thực mua tại Sở Giao dịch. Trong khi đó, thời điểm xác định tính thuế là thời điểm Sở Giao dịch chứng khoán công bố giá thực hiện.

Ông Ngô Anh Tuấn, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cho biết, quy định như tại Thông tư 84/2008/TT-BTC chưa phân định được thời điểm chuyển giao giữa giai đoạn được miễn thuế (từ ngày 31/12/2009 trở về trước) và giai đoạn phải nộp thuế (từ ngày 1/1/2010).

Chẳng hạn, ông Tuấn mua cổ phiếu X từ trong năm 2009 với giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 31/12/2009, giá cổ phiếu này tăng lên 44.500 đồng/cổ phiếu. Sang năm 2010, ông Tuấn bán cổ phiếu này đi, với giá khớp lệnh là 40.000 đồng/cổ phiếu. Vậy thuế sẽ được tính thế nào?

Nếu như “áp” đúng quy định của Thông tư 84/2008/TT-BTC thì khá đơn giản, cứ việc lấy 40.000 đồng/cổ phiếu (giá bán) trừ đi 30.000 đồng/cổ phiếu (giá mua), thêm một chút chi phí hợp lý như phí giao dịch..., thì rõ ràng, ông Tuấn vẫn lãi tới gần 10.000 đồng/cổ phiếu và sẽ phải nộp thuế khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu.

Theo ông Tuấn, cách tính như vậy là không công bằng đối với nhà đầu tư, vì chưa tính thời đến yếu tố chuyển giao giữa hai thời điểm “được miễn thuế” và “phải đóng thuế”.

Cụ thể, với khoản đầu tư vào cổ phiếu X nói trên, trong năm 2009, ông Tuấn đã lãi 14.500 đồng/cổ phiếu (giá tại thời điểm ngày 31/12/2009 trừ giá mua), đáng ra khoản lãi này sẽ phải được miễn thuế. Trong khi sang năm 2010, ông bán cổ phiếu X với giá 40.000 đồng, thì bị lỗ 4.500 đồng/cổ phiếu, do vậy, ông Tuấn không phải đóng thuế mới đúng (vì lỗ).

Theo ông Tuấn, với quy định tại Thông tư 84/2008/TT-BTC, cơ quan thuế hoàn toàn có thể “bắt” nhà đầu phải nộp cả khoản lãi từ năm 2009 trở về trước.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực