Đô la hóa và tỷ giá hối đoái của Việt Nam

Thứ sáu, 08/01/2010 20:33
Trong thời gian gần đây, tỷ giá hối đoái giữa VND với USD đã biến động theo chiều hướng không ổn định, giá trị VND sụt giảm. Trong khi đồng USD mất giá so với các đồng tiền khác như đồng euro, yên…, còn VND lại giảm giá so với USD, nên tỷ giá VND với các ngoại tệ khác càng bất lợi hơn đối với nước ta.

Điều đó có tác động đến thương mại quốc tế trong điều kiện tỷ lệ nhập siêu của nước ta khá cao, các khoản nợ nước ngoài đến hạn phải trả, bởi vì phải làm ra một lượng hàng hóa nhiều hơn bằng VND mới có thể trả được 1 đơn vị ngoại tệ; những doanh nghiệp vay thương mại với lãi suất cao, thời hạn ngắn để đầu tư dài hạn càng gặp nhiều khó khăn. Thực trạng đó có liên quan đến vấn đề cơ bản: "đô la hóa".

Bài 1: Nhận diện “đô la hoá”

1. Ở nước ta, "đô la hóa" được nhận thức là việc sử dụng USD trong giao dịch thương mại và dịch vụ song song với VND. Trên thế giới, "đô la hóa" có khái niệm rộng hơn: khi dân cư một nước sử dụng rộng rãi ngoại tệ song song với đồng nội tệ hoặc thay thế đồng nội tệ. Tùy theo các trạng thái của việc sử dụng ngoại tệ, người ta chia làm 3 loại:

Thứ nhất, "đô la hóa" chính thức, còn được gọi là "đô la hóa" hoàn toàn khi một nước sử dụng ngoại tệ theo quy chế độc quyền, hay giữ vai trò khống chế ở nước đó. Một số vùng lãnh thổ như Virgin islands, Greenland và một số quốc gia độc lập như Panama sử dụng USD hoặc đồng tiền nước khác làm đồng tiền chính thức, trong đó có nước không còn đồng nội tệ, có nước vẫn duy trì đồng nội tệ, nhưng đóng vai trò phụ thuộc. Điển hình là ngày 9/1/2000, Tổng thống Ecuado công bố quyết định lấy USD làm đồng tiền chính thức của nước này.

Thứ hai, "đô la hóa" bán chính thức khi ở một nước, đồng ngoại tệ chiếm phần chi phối trong tiền gửi ngân hàng, nhưng chỉ đóng vai trò thứ yếu so với đồng nội tệ trong việc trả lương, nộp thuế, mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Khác với các nước " đô la hóa" chính thức, ngân hàng trung ương những nước đó phát hành đồng nội tệ và điều hành chính sách tiền tệ của đất nước. Trên thế giới, có khoảng 12 nước như Bahamas, Haiti, Liberia… áp dụng " đô la hóa" bán chính thức.

Thứ ba, "đô la hóa" không chính thức khi ở một nước người dân giao dịch hàng hóa và dịch vụ, giữ ngoại tệ làm tài sản, mặc dù ngoại tệ không được coi là đồng tiền lưu chuyển hợp pháp trên thị trường trong nước. Một số nước cho phép người dân được gửi ngoại tệ vào tài khoản ở ngân hàng trong nước, nhưng lại coi là bất hợp pháp nếu gửi ngoại tệ vào tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài, trừ những trường hợp ngoại lệ.

"Đô là hóa" không chính thức lúc đầu là phương tiện cất trữ (kho chứa giá trị), tiếp theo là phương tiện thanh toán (thay thế đồng nội tệ), cuối cùng được đánh giá tương quan về giá cả giữa ngoại tệ và nội tệ, được chỉ số hóa bằng tỷ giá hối đoái. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) xếp Việt Nam vào nhóm nước "đô la hóa" không chính thức.

Thế giới đang chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử loài người nhiều quốc gia châu Âu đã từ bỏ đồng tiền của mình để sử dụng đồng tiền chung - đồng euro, đã đem lại những lợi ích to lớn. Từ đó, một số nhà kinh tế học đã đưa ra kiến nghị về việc các nước đang phát triển nên bỏ đồng tiền quốc gia của mình để sử dụng một đồng tiền mạnh, coi đó là chính sách đúng đắn để giải quyết đồng thời thực trạng về sự thiếu tin cậy của thể chế tài chính - tiền tệ trong nước và tính không hoàn hảo của thị trường vốn được toàn cầu hóa.

Tuy vậy, có không ít người đã phê phán kiến nghị đó vì những nghiên cứu như vậy chỉ thiên về đồng tiền thuần túy với chức năng kinh tế của nó. Mục đích cuối cùng của tiền tệ là đẩy nhanh cỗ xe thương mại, trong trường hợp thuần túy kinh tế như vậy, thì tiền tệ là một trò chơi có tổng dương, nghĩa là mọi người đều thắng.

Tuy vậy, tiền tệ còn là quyền lực - sức mua, mà quyền lực lại là tâm diểm của hoạt động chính trị, do vậy tiền tệ là trò chơi có tổng bằng không, có kẻ thắng người thua. Nước Anh, một trong những nước sáng lập Liên minh châu Âu (EU), nhưng đến nay vẫn không tham gia đồng tiền chung châu Âu, bởi đa số người Anh có cách nhìn như ông George Carge, Tổng giám mục Anh: "Tôi muốn có hình nữ hoàng trên tờ giấy bạc ngân hàng. Quan điểm về tính chất quốc gia là một vấn đề vô cùng quan trọng".

"Đô la hóa" không giống như Liên minh Tiền tệ châu Âu (EMU), mà là quan hệ đối tác không bình đẳng, có tính thứ bậc. Khi chính phủ một nước áp dụng "đô la hóa" chính thức thì tự đánh mất quyền hoạch định chính sách tiền tệ, quyền in tiền, mà doanh thu in tiền được coi là "thuế lạm phát", như Keynes đã viết từ năm 1924 rằng, "một chính phủ có thể kiếm sống bằng phương tiện này (in tiền) khi nó không còn có thể dựa vào phương tiện nào khác".

Hơn nữa, vào thời điểm có xung đột lợi ích quốc gia, thì đồng ngoại tệ được sử dụng như vũ khí kinh tế, buộc chính phủ "đô la hóa' phải khuất phục nước sở hữu đồng ngoại tệ đó. Panama là một ví dụ điển hình về một nước " đô la hóa"; mặc dù về kinh tế do sử dụng chính thức USD đã tạo ra môi trường kinh tế ổn định, trở thành trung tâm tài chính quan trọng trong vùng, tương phản với các nước láng giềng, nhưng về chính trị, Panama là nước dễ bị tổn thương trong quan hệ với Mỹ. Điển hình là năm 1998, Mỹ đã buộc tội và bỏ tù nhà lãnh đạo của nước này, tướng Manuel Noriega, đồng thời chính phủ Mỹ ra lệnh đóng băng tài sản của Panama tại các ngân hàng Mỹ, ngừng tất cả việc chuyển nhượng, thanh toán bằng USD.

Tóm lại, không nên coi "đô la hóa" chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề chủ quyền quốc gia, phân phối lợi ích dân tộc.

2. Từ khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới, chính sách tiền tệ trở nên rất quan trọng. Tín dụng, lãi suất và tỷ giá là các công cụ chủ yếu điều tiết hoạt động kinh tế của đất nước. Ngân hàng Nhà nước trở thành cơ quan có chức năng và quyền lực chi phối hoạt động kinh tế cả ở tầm vi mô và vĩ mô.

Ở Mỹ, Cục dự trữ liên bang (FED) đóng vai trò ngân hàng trung ương, là cơ quan độc lập với Tổng thống và Quốc hội, quyết định lãi suất và tỷ giá để kích thích hoặc kìm hãm tín dụng đầu tư, kinh doanh, xử lý các tình huống kinh tế bằng tăng hoặc giảm lãi suất. Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 2009 do đã "bình tĩnh và khôn ngoan… đặt các phanh hãm sự tuột dốc của nền kinh tế Mỹ" như đánh giá của Tổng thống Barak Obama.

Việc biến động tỷ giá hối đoái trong những tháng gần đây có nhiều nguyên nhân gắn với tình trạng "đô la hóa" không chính thức ở nước ta. Mặc dù Chính phủ theo đuổi chính sách quản lý ngoại hối theo định hướng nhất quán "trên thị trường Việt Nam chỉ giao dịch bằng đồng Việt Nam", nhưng thực tế, ngoại tệ và vàng được sử dụng khá phổ biến như các phương tiện thanh toán trong giao dịch mua bán bất động sản, hàng hóa đắt tiền, vay, trả nợ, cất trữ. Mỗi khi có biến động về tỷ giá thì các ngoại tệ, nhất là USD gia tăng vai trò trên thị trường.

Chúng tôi đồng tình với một số nhà nghiên cứu kinh tế đã nhận định rằng, sự biến động tỷ giá hối đoái trong thời gian vừa qua do cung cầu về ngoại tệ, nhất là USD có lúc trở nên căng thẳng, do chính sách tỷ giá và việc điều hành tỷ giá thiếu linh hoạt, không kịp thời ứng phó với biến động của thị trường.

Tuy vậy, nguyên nhân chính của thực trạng đó là tình trạng lạm phát cao trong mấy năm liền đã làm cho giá trị thực của VND giảm sút, kéo theo độ tín nhiệm của người dân với VND giảm. Giá cả trên thị trường thế giới biến động, một số hàng hóa như xăng dầu, sắt thép… tăng cao đã tác động đến giá cả trong nước, làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng. Đó là nhân tố khách quan từ bên ngoài. Nhân tố chủ yếu là quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và lưu thông tiền tệ. Trong 2 năm 2005 và 2006, GDP của Việt Nam tăng 17%, tiền lưu thông trên thị trường và tiền gửi ngân hàng - M2 tăng 73%. Cũng trong hai năm đó, GDP của Trung Quốc tăng 22%, thì M2 chỉ tăng 36%. Quan hệ giữa tăng M2 và tăng GDP của nước ta là 4,3 lần, thì của Trung Quốc chỉ là 1,6 lần, điều đó giải thích vì sao CPI của Việt Nam cao gấp đôi Trung Quốc.

Do vậy, mặc dù kinh tế nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng cũng xuất hiện mối lo ngại của các doanh nghiệp và người dân về tình trạng lạm phát cao, VND sụt giá và không ổn định.

CPI liên tục tăng, năm 2004 là 7,71%, năm 2005 là 8,29%, năm 2006 là 7,48%, năm 2007 là 8,30%, năm 2008 là 22,97% và năm 2009 là 6,88%. Thực trạng đó có liên quan đến mức chi tiêu danh nghĩa trong nước đã tăng nhanh khi các khoản viện trợ chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp (FPI), kiều hối đổ vào nước ta ngày càng nhiều. Nếu như năm 2003, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 333.809 tỷ đồng, thì năm 2008 là 983.803 tỷ đồng, bằng 2,94 lần.

Trong thời gian đó, vốn đầu tư xã hội cũng gia tăng, năm 2003, vốn đầu tư xã hội theo giá thực tế là 239.246 tỷ đồng, thì năm 2008 là 610.876 tỷ đồng, bằng 2,55 lần. Cả hai chỉ tiêu này đã tăng bình quân trên 20%/năm, trong khi lượng cung ứng thực (được đo bằng sản lượng thực+thâm hụt thương mại thực) chỉ tăng bình quân dưới 10%/năm.

Tốc độ tăng cung ứng tiền khá cao, liên tục từ năm 2003 đến nay trên 25%/năm, tín dụng tăng trên 35%/năm. Tình trạng đó cũng phản ảnh trong quan hệ giữa mức huy động vốn và mức dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức dư nợ tín dụng năm 2009 tăng 37,73%, trong khi mức huy động vốn chỉ tăng 28,7%. Vietinbank thông báo, năm 2009, mức dư nợ tín dụng tăng 35%, mức huy động vốn chỉ tăng 25%. Các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất để hấp dẫn người gửi tiền; khi lãi suất tăng cũng có nghĩa là giá trị VND giảm.

Mặc dù Chính phủ quyết tâm theo đuổi chủ trương niêm yết giá hàng hóa và dịch vụ là VND, nhiều cuộc thanh tra đã được tiến hành và cũng đã xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật, nhưng trên thực tế, do lòng tin đối với VND giảm sút, nên người mua và người bán những hàng hóa có giá trị cao như ô tô, xe máy vẫn giao dịch bằng ngoại tệ, chủ yếu là USD, trong khi bất động sản lấy vàng làm phương tiện tính toán trong giao dịch.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực