Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi: Cần hướng đến ngân hàng Trung ương hiện đại

Thứ bảy, 16/01/2010 16:23
Hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức đã diễn ra ngày 14.1 tại TPHCM. Các đại biểu và chuyên gia kinh tế đã tập trung vào một số “điểm nóng” của ngành NH: Có nên tăng tính tự chủ của NHNN đối với chính sách tiền tệ, quy định lãi suất cơ bản có còn phù hợp?

Tăng tính tự chủ - điều hành hiệu quả hơn

Ông Vũ Thành Tự Anh - PGĐ nghiên cứu Chương trình Fulbright - góp ý: Theo Hiến pháp thì Quốc hội có thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ (CSTT) quốc gia. Theo Luật NHNN 1997 thì NHNN là cơ quan của Chính phủ và là Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) của quốc gia. Vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là phân nhiệm giữa Quốc hội, Chính phủ  và NHTƯ trong việc thực thi CSTT.

Theo ông Anh thì “trong việc phân nhiệm, cần tạo một không gian tự chủ nhất định để tăng cường hiệu lực và hiệu quả của CSTT. Tăng cường tính tự chủ về mục tiêu, công cụ, nhân sự của NHNN là điều kiện cần thiết để giúp NHNN trở thành một NHTƯ hiện đại... Thực tiễn điều hành CSTT trong mấy năm gần đây cho thấy tính linh hoạt trong CSTT ngày càng trở nên quan trọng”.

Bên cạnh đó, việc phân nhiệm phải đảm bảo vai trò của Quốc hội trong quyết định và giám sát thực hiện CSTT. Tuy nhiên, Quốc hội chỉ nên tập trung vào mục tiêu cuối cùng của CSTT, sau đó thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua các phiên điều trần thường xuyên và đột xuất, còn các mục tiêu trung gian và việc điều hành để cho Chính phủ và NHTƯ quyết định. Các nghiên cứu gần đây cho thấy ở các nước, mức độ độc lập của NHTƯ càng cao thì hoạt động càng hiệu quả.

Nhiều chuyên gia khác cũng có cùng quan điểm này. Theo TS Trần Du Lịch, việc Quốc hội quyết định CSTT là không phù hợp trong thời kỳ đổi mới và chỉ nên quyết định mục tiêu cuối cùng. Tăng cường tính tự chủ cho NHTƯ là rất cần thiết để NHTƯ tập trung vào 3 chức năng cơ bản: NH mẹ của các NH thương mại, quản lý nhà nước về tiền tệ và NH, phát  hành tiền.

Ông Lịch đề nghị UBTV Quốc hội giải thích, diễn giải quy định trong Hiến pháp về việc Quốc hội quyết định CSTT, vì chỉ có UBTV Quốc hội mới có quyền. Nếu không thì các thảo luận liên quan đến CSTT của NHTƯ sẽ đi vào “bế tắc”.

Nên dỡ bỏ LSCB?

Một “điểm nóng” được nhiều đại biểu quan tâm là có nên duy trì quy định về lãi suất cơ bản (LSCB)? Bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội NH, giải thích hoàn cảnh ra đời của điều luật quy định về LSCB vào năm 1997, đồng thời cho biết: Giai đoạn từ năm 2000-2007, vai trò của LSCB rất mờ nhạt. Đến năm 2008, do kinh tế có nhiều bất ổn, lạm phát gia tăng, kinh tế suy giảm, thị truờng tiền tệ mất ổn định; khi đó, NHNN mới sử dụng công cụ LSCB và quy định Luật DS. Nhờ đó, thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, nếu dựa và kết quả đó để duy trì LSCB như hiện nay thì không phù hợp chút nào, thậm chí còn có những mặt tiêu cực.

Bà Dương Thu Hương cũng cho rằng, Luật NHNN cho áp dụng LSCB để kiểm soát cho vay nặng lãi là không phù hợp. Có quá nhiều khác biệt giữa cho vay nặng lãi và tín dụng NH. Vậy thì tại sao lại lấy cơ chế điều chỉnh quan hệ phi chính thức, cá biệt, đơn lẻ, chiếm tỉ lệ quá nhỏ trong kinh tế  để sử dụng, áp dụng, điều chỉnh quan hệ tín dụng chính thức trên thị trường chính thức, mang tính phổ biến, có đóng góp lớn cho nền kinh tế? Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, nên áp dụng các biện pháp khác để kiểm soát cho vay nặng lãi.

Theo TS Trần Du Lịch, LSCB nên là công cụ mang tính định hướng, chỉ trong những trường hợp bất thường mới cho áp dụng như công cụ bắt buộc. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết: Công cụ LSCB có hiệu quả trong giai đoạn kinh tế bất ổn, nhưng gần đây giới hạn LS làm cho thị trường căng cứng và không cơ động, nếu dỡ bỏ sẽ giúp thị trường linh hoạt.

Đối với dự trữ ngoại hối nhà nước (DTNHNN), ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ CSNH, NHNN - đề nghị giao quyền chủ động hơn cho NHNN trong việc quyết định hình thức đầu tư DTNHNN, điều chuyển NH  giữa 2 quỹ trong DTNHNN... Có ý kiến rằng: Cần xác định DTNHNN có phải là ngân sách nhà nước hay không, từ đó mới có thể quy định về sử dụng. Theo TS Trần Du Lịch, cần quy định Chính phủ công bố thường xuyên thông tin về DTNHNN.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực