Ngành Ngân hàng - 63 năm một chặng đường

Thứ hai, 05/05/2014 17:21
 

 Ảnh minh họa (nguồn: dddn.com.vn)

(ĐCSVN) - Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (6/5/1951) là một bước ngoặt lịch sử, là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới, thay đổi về chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta.

Từ đó đến nay, gắn liền với sự phát triển của từng thời kỳ cách mạng, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (từ tháng 1/1960 đến nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã từng bước lớn mạnh và phát triển, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố, hoàn thiện thể chế tiền tệ, tín dụng và hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Vai trò của hệ thống ngân hàng qua các thời kỳ 

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cách mạng là phải từng bước xây dựng nền tiền tệ độc lập, tự chủ, công cụ quan trọng của chính quyền để xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự chuyển biến của cục diện cách mạng đòi hỏi công tác kinh tế, tài chính phải được củng cố và phát triển theo yêu cầu mới. Trên cơ sở chủ trương chính sách mới về tài chính-kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) đã đề ra, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với các nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ, quản lý Kho bạc nhà nước, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch.

Nhìn lại chặng đường 63 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị theo các mục tiêu đề ra và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ những biến cố lớn của môi trường kinh tế thế giới.

Với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế khi thị trường tài chính nước ta còn nhỏ bé, huy động vốn của hệ thống ngân hàng giai đoạn 2001 đến nay tăng nhanh, hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng lên, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 với tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,5%/năm, lạm phát được kiểm soát từ mức ba con số trong thời kỳ siêu lạm phát những năm 80-90 của thế kỷ trước xuống còn bình quân khoảng 8,3% giai đoạn 2001-2011 và dưới 7% trong các năm 2012-2013. Các cân đối vĩ mô lớn ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo.

Vai trò của hệ thống ngân hàng được minh chứng rõ hơn qua những thời điểm đầy biến động của nền kinh tế. Có thể thấy rằng, sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997-1998, từ năm 1999 nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát cục bộ và tăng trưởng kinh tế suy giảm; tiếp đó từ năm 2008 đến nay, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu có tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các cân đối vĩ mô tiềm ẩn rủi ro. Trước tình hình đó, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu nền kinh tế, trong đó chính sách tiền tệ đóng vai trò chủ đạo được thực hiện theo hướng linh hoạt thận trọng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Kết quả, Việt Nam là một trong những nước vượt qua khủng hoảng sớm nhất, đến nay tăng trưởng kinh tế dần hồi phục, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, hệ thống tài chính ngân hàng ổn định và phát triển.

Trong thời gian tới, cùng với xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa và độ mở cửa kinh tế lớn thì kinh tế nước ta nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng ngày càng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài trong khi vẫn phải tiếp tục xử lý các vấn đề nội tại. Điều này đòi hỏi ngành Ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả vững chắc hơn những năm vừa qua và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Trên cơ sở mục tiêu Chính phủ đã đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, ngành Ngân hàng khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả lộ trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục được đổi mới theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng cường vai trò của ngân hàng nhà nước (NHNN) trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, hệ thống các TCTD cấu trúc hợp lý; phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành giai đoạn tự củng cố, chấn chỉnh để hệ thống các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc, có sức cạnh tranh cao hơn trong quá trình hội nhập quốc tế và thực hiện tốt vai trò huyết mạch của nền kinh tế.

Chủ động ứng phó nhanh với diễn biến thị trường

Thời gian gần đây, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN có nhiều đổi mới. NHNN được đánh giá là đã chủ động đưa ra các thông điệp chính sách và kiên trì các giải pháp điều hành để thực hiện mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đem lại lòng tin cho người dân và các nhà đầu tư. Về lãi suất, vào thời điểm giữa năm 2011, khi lãi suất cho vay đang ở mức trên 20%, NHNN đã đặt mục tiêu đến hết năm 2011 phải đưa lãi suất cho vay về mức 17 - 19%, đến cuối năm 2012 giảm lãi suất huy động về 9-10%/năm. Năm 2013 và năm 2014, NHNN đặt mục tiêu điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất phù hợp với diễn biến thực tế của lạm phát để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Thực tế cho thấy, với những định hướng và giải pháp cụ thể trong điều hành lãi suất, NHNN đã đạt được mục tiêu này.

Về chính sách tỷ giá, NHNN cho biết cũng đã đưa ra thông điệp rõ ràng: Điều hành linh hoạt nhưng theo xu hướng ổn định để góp phần kiểm soát lạm phát, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, đồng thời tăng được dự trữ ngoại hối. Để làm được điều đó, NHNN đã kiên quyết thực hiện các giải pháp đề ra đồng thời điều hành linh hoạt trong mua bán, can thiệp thị trường ngoại tệ. Đặc biệt, kể cả khi thị trường có những thông tin, nhận định có xu hướng trái chiều hoặc bất lợi, tác động đến điều hành chính sách tỷ giá thì NHNN vẫn điều hành một cách linh hoạt trong việc điều tiết thị trường, kết hợp với các giải pháp tuyên truyền và điều đó đã đem lại kết quả rất tích cực. Tỷ giá trong hơn 2 năm qua tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhiều, thị trường ngoại hối ngày càng ổn định và hoạt động của các ngân hàng cũng ổn định. Thị trường vàng từng bước được sắp xếp và đổi mới căn bản, đã loại bỏ rủi ro liên quan đến vàng và chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hoạt động của TCTD, qua đó góp phần ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, đối với những công cụ khác như điều hành về vốn khả dụng, NHNN cũng đưa ra những chủ trương điều hành, trên cơ sở đó điều tiết thông qua các nghiệp vụ thị trường tiền tệ , điều hành cung ứng tiền một cách phù hợp, chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn tín dụng, đảm bảo thanh khoản, kiểm soát lạm phát đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý./.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực